Khởi nghiệp, sáng tạo trong nông nghiệp thời kỳ chuyển đổi số
Với sự phát triển của công nghệ thông tin và các công cụ số, ngày nay, nông dân tỉnh Đồng Tháp đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật mới, sáng tạo và cải tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Một góc vườn nho mẫu đơn của nông dân Ngô Hùng Thắng.
Nông dân tận dụng công nghệ số để phát triển những mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững. Không chỉ sản xuất, nông dân còn trở thành những người khởi nghiệp đầy sáng tạo...
Khởi nghiệp nông nghiệp thông minh
Điểm tham quan vườn nho sinh thái Tư Lê của nông dân Ngô Hùng Thắng (sinh năm 1977) tại xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò. Vợ chồng anh Thắng đang canh tác hơn 6.000 m2 đất vườn, trong đó có 220 gốc giống nho mẫu đơn với diện tích 1.000 m2. Khu vườn của gia đình anh Thắng có thêm nhiều loại cây trồng như: Nho, mận, chôm chôm, dưa lưới…
Khu vực trồng nho mẫu đơn là điểm tham quan chính dành cho du khách. Nho đang ra những chùm trái nhỏ, khoảng hơn một tháng nữa sẽ là thời điểm du khách tìm đến trải nghiệm, chụp ảnh lưu niệm. Đây là vườn nho mẫu đơn nhà màng được trồng sớm nhất ở tỉnh Đồng Tháp, hai năm qua đều mở cửa phục vụ khách tham quan.
Anh Thắng lắp đặt hệ thống máy tưới hoàn toàn tự động cho toàn bộ khu vườn nhà màng. Anh cũng tìm tòi, học hỏi kỹ thuật để trồng những giống nho mới, phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất Tây Nam Bộ.
Đến nay, anh Thắng sáng tạo sáu sản phẩm được thị trường ưa chuộng và là tác giả của nhiều sản phẩm khác phục vụ chăm sóc vườn của nhà nông, như: Hệ thống tưới vườn Thasmart công nghệ IoT 4.0; trạm bơm tự động; máy điều khiển ba trong một; bộ quan trắc và bộ lọc rác tự động trong vườn...
Sản phẩm gần nhất của anh Thắng là bộ quan trắc môi trường nước bên trong kênh nội đồng. Anh đã chuyển nhượng bản quyền công nghệ của thiết bị này. Hệ thống tưới tự động do anh sáng tạo còn có khả năng cảnh báo mực nước dưới sông xuống thấp, cảnh báo thiết bị hư hỏng, rò rỉ điện, chống trộm. Hệ thống tưới vườn của anh đã được cấp bằng sáng chế độc quyền nhờ tự phân tích độ ẩm trong không khí để tiếp tục tưới hoặc tự dừng...
Bên cạnh đó, anh Thắng còn hỗ trợ kỹ thuật lắp đặt hệ thống tưới tiêu cho hơn 250 vườn cây ăn quả, vườn lan trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; hỗ trợ kỹ thuật lắp đặt được hơn 20 nhà màng trồng nho, rau, lựu…; hỗ trợ đất trồng, tạo cành, tạo tán, xử lý ra hoa lấy trái năm đầu. Sau sáu tháng được anh Thắng hỗ trợ, các nhà vườn đã làm chủ được các kỹ thuật mới trong canh tác.
Trước đây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông anh em, cho nên đến giữa năm lớp 10, anh Thắng quyết định nghỉ học và theo học nghề sửa chữa điện tử, sau đó anh tự học sửa máy tính, sửa điện thoại di động... Cuộc đời anh sang trang mới kể từ khi bắt tay vào làm vườn.
“Sau khi tiếp xúc, trao đổi, biết các chủ vườn gặp khó vấn đề gì trong canh tác, tôi suy nghĩ phải sáng chế ra những sản phẩm ứng dụng hiệu quả, phù hợp thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình làm vườn nhà mình, tôi cũng nung nấu nhiều ý tưởng để khi có kinh phí thì đầu tư chế tạo, như xe đẩy phun thuốc tự di chuyển”, anh Thắng chia sẻ.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, nhiều nhà nông khác cũng đã sáng tạo thiết bị phục vụ trong sản xuất. Nổi bật là máy cuộn rơm của ông Phan Tấn Bện (huyện Tháp Mười); máy đắp bờ của nông dân Nguyễn Văn Đế (huyện Tam Nông); máy đa năng ba trong một (vừa xịt thuốc, bón phân và sạ lúa) của ông Lê Văn Sửa (huyện Tân Hồng); cải tiến máy sấy muối ớt năng suất cao của nông dân Huỳnh Văn Bé (cơ sở Muối sấy Ngọc Yến, huyện Thanh Bình)...
Về sáng kiến trong nông nghiệp, nổi bật có: Nghiên cứu lai tạo nhiều giống lúa chất lượng cao của nông dân Trần Anh Dũng (huyện Lấp Vò); mô hình “Cây xoài nhà Tôi” (huyện Cao Lãnh), “Cây cam nhà Tôi” (thành phố Cao Lãnh); trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá Aquaponics (huyện Lấp Vò); trồng dưa lê, dưa lưới trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt từ công nghệ Israel (huyện Thanh Bình)…
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp Lý Văn Giàu đánh giá, mỗi nông dân có sáng kiến, sáng tạo ra sản phẩm khác nhau, nhưng điểm tương đồng là họ có nhiều trải nghiệm trong thực tiễn lao động sản xuất cùng với khát vọng nghiên cứu sáng tạo. Các sản phẩm máy nông nghiệp họ tạo ra không chỉ phục vụ cho gia đình, mà còn đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Chuyển đổi số trong quản lý nông nghiệp
Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Đồng Tháp và chuyển đổi số chính là một trong những “chìa khóa” hữu hiệu để người nông dân, địa phương phát triển. Tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện, quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp không chỉ giúp ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà còn giúp các hộ nông dân tiếp cận, cập nhật kiến thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới để thay đổi, hòa nhịp cùng xu thế phát triển mới.
Tại phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc, nơi có đặc trưng sản xuất nông nghiệp theo hướng đô thị, chủ yếu là hoa kiểng kết hợp tham quan du lịch và dịch vụ, nông dân đã và đang trồng hoa, cây cảnh quanh năm phục vụ nhu cầu trong và ngoài nước. Diện tích hoa, cây cảnh toàn phường đạt hơn 319 ha với 798 hội viên Hội Nông dân.
Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Quy Đông Phạm Thị Diễm Mi cho biết, Hội đã kết nối Công ty TNHH giải pháp công nghệ ứng dụng (ATES) hỗ trợ nông dân về hệ thống IoT trong nông nghiệp. Nông dân tưới tiêu bằng công nghệ cao để tiết kiệm thời gian, chi phí. Họ có thể điều khiển, giám sát môi trường trên điện thoại thông minh phục vụ tưới cây ngoài trời, trong nhà màng, nhà lưới giúp nâng cao chất lượng sản phẩm hoa, cây cảnh.
Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, giúp nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng phát huy giá trị trong sản xuất, vươn lên làm giàu. Đồng thời, Hội cũng tăng cường phối hợp với các ngành, tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, giúp nông dân nắm bắt khoa học kỹ thuật, đổi mới, sáng tạo,…
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp Lý Văn Giàu cho biết, Hội phối hợp Công ty giải pháp công nghệ Felix tiếp tục tạo tài khoản thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân để đưa các sản phẩm của địa phương giới thiệu, bán trên sàn thương mại điện tử B2B.
Đồng thời, vận động hội viên, nông dân cài đặt, kích hoạt và sử dụng Nền tảng số Nông dân Việt Nam cũng như một số ứng dụng về nông nghiệp, thường xuyên theo dõi, cập nhật thị trường, những cách làm hay, mô hình hiệu quả để học tập nhân rộng.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh, tỉnh đã triển khai thành công 17 trạm giám sát côn trùng thông minh (8/12 huyện, thành phố được lắp đặt), 33 trạm quan trắc giám sát chất lượng nước và giám sát mực nước thông minh (3/7 huyện được lắp đặt)…
Tuy nhiên, việc triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Đồng Tháp còn gặp không ít khó khăn. Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường đào tạo và nâng cao nhận thức về công nghệ số cho nông dân và cán bộ ngành nông nghiệp các cấp.
Người đứng đầu tại địa phương sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp, thay đổi nhận thức về chuyển đổi số ngành nông nghiệp; chỉ đạo tái cấu trúc, đổi mới mô hình hoạt động từ “truyền thống” sang sử dụng “dữ liệu số” trong quản lý điều hành ngành nông nghiệp. Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư và phát triển các hệ thống IoT nhằm mở rộng quy mô lắp đặt thiết bị tại các địa phương...