Khối ngành kỹ thuật, công nghệ 'khát' nhân lực

Thích học những ngành kỹ thuật, công nghệ nhưng sợ việc học nặng nhọc, khô khan và 'không sang trọng' như những ngành kinh tế, e ngại ra trường phải làm việc trong môi trường độc hại... Đây là những băn khoăn của rất nhiều thí sinh, phụ huynh gửi đến các chuyên gia trong buổi giao lưu trực tuyến 'Sức hút của khối ngành kỹ thuật - công nghệ' do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 15-5.

Ngành học thúc đẩy khám phá, sáng tạo

Trước băn khoăn của em Nguyễn Bá Anh (Bình Phước) về ngành Cơ kỹ thuật, TS Dương Tuấn Tùng, Phó trưởng Khoa Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, chia sẻ: Mọi người thường nói học kỹ thuật khô khan, đặc biệt là ngành cơ khí, tuy nhiên nhiều bạn sinh viên học ngành này không chỉ giỏi về kỹ thuật cơ khí mà còn có khả năng đàn hát, làm thơ... Không có kỹ sư thiết kế cơ khí thì sẽ không có những cơ cấu máy, những nhà máy, những hệ thống vận hành thông minh giúp thay thế sức lao động chân tay của con người. Vậy nên, ngành cơ khí có thể áp dụng vào mọi lĩnh vực, kỹ sư cơ khí ra trường sẽ làm các vị trí công việc như: thiết kế, chế tạo, vận hành các hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất.

 Sinh viên ngành Điện - Điện tử Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong giờ học thực hành

Sinh viên ngành Điện - Điện tử Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong giờ học thực hành

Giải đáp câu hỏi của bạn Mỹ Linh (Long An) về những tố chất để học tốt khối ngành kỹ thuật, công nghệ, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho rằng, người học cần có kiến thức nền tảng tốt về Toán và các môn khoa học tự nhiên. Bên cạnh đó, tính chuyên cần, cẩn thận và chịu khó cũng là các tố chất cần thiết để học tốt khối ngành này. Đặc biệt, người học phải có tư duy logic để phân tích tính toán, khám phá, sáng tạo và thậm chí phát minh, phát hiện các vấn đề kỹ thuật để phục vụ cuộc sống. Một điểm đáng lưu ý nữa là người học phải tự trang bị khả năng ngoại ngữ.

Hiện nay, nhiều ngành như Trí tuệ nhân tạo, Trí tuệ nhân tạo và robot, Khoa học dữ liệu, Công nghệ vi mạch bán dẫn... được khá nhiều thí sinh lựa chọn. Người học cần những tố chất và năng lực như thế nào để theo học ngành này?

 Nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo SGGP (đứng giữa) tặng hoa các khách mời tham gia buổi giao lưu trực tuyến, ngày 15-5. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo SGGP (đứng giữa) tặng hoa các khách mời tham gia buổi giao lưu trực tuyến, ngày 15-5. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phản hồi thắc mắc của em Hà Văn Chính (Đồng Nai), ThS Hoàng Thanh Tú, Phó trưởng Phòng Thông tin truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), nhấn mạnh yếu tố tiên quyết là sự quan tâm và đam mê nghề nghiệp, bởi điều đó sẽ giúp người học chủ động cập nhật thông tin mới nhất, nuôi dưỡng sự tò mò để khám phá và nghiên cứu. Kế đến, người học phải có kiến thức cơ bản về Toán, Vật lý và tư duy logic để hiểu biết về các khái niệm cơ bản như đại số, hình học, xác suất..., từ đó giúp người học hiểu rõ hơn về các nguyên lý và thuật toán trong lĩnh vực này. Cùng với đó, người học phải có kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề, khả năng tự học và nghiên cứu, kỹ năng lập trình.

Nhu cầu lớn về nhân lực chất lượng cao

Giáo viên Nguyễn Thị Lệ Quyên, Trường THPT Thăng Long (Đà Lạt, Lâm Đồng) đặt câu hỏi về cơ hội việc làm trong tương lai, trước thực tế nhiều trường mở rộng quy mô đào tạo khối ngành kỹ thuật, công nghệ. ThS Bùi Quang Trung, Trưởng Phòng Truyền thông, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: Trong kỷ nguyên phát triển của đất nước, từ nay đến năm 2030, chúng ta cần hơn 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trong khi quy mô đào tạo hiện nay mới chỉ khoảng 5.000 sinh viên.

 Học sinh tham quan câu lạc bộ Robotics của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM)

Học sinh tham quan câu lạc bộ Robotics của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM)

Cùng với đó, Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tiếp đó là hàng loạt chương trình hành động từ Chính phủ cho đến các bộ, ngành đều ưu tiên phát triển nhân lực cho lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và khoa học cơ bản... Do đó, nhân lực cho nhu cầu phát triển của quốc gia từ nay đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 là vô cùng lớn. Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực và thế giới cũng đang có nhu cầu rất lớn về nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Vì vậy, nếu đam mê, yêu thích những ngành học này thì người học hãy theo đuổi và cần định hướng kế hoạch học tập thật nghiêm túc.

Về vấn đề liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo cũng như điều kiện thực hành, thực tập và tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp, trả lời em Trần Văn Trung (Bình Dương), TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Gia Định, cho biết, nhà trường cũng như các trường khác đã và đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác với doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tạo điều kiện thực hành, thực tập và hỗ trợ tuyển dụng cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Hợp tác với các doanh nghiệp, mời chuyên gia từ doanh nghiệp tham gia giảng dạy, ký kết với các doanh nghiệp chiến lược để tạo cơ hội thực tập, việc làm và hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học là một trong những mục tiêu chiến lược hiện nay của nhiều trường. Cùng với đó, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp cũng là một trong những tiêu chí của việc đánh giá, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, xếp hạng đại học. Do đó các trường luôn đẩy mạnh hợp tác với nhà tuyển dụng để giải quyết đầu ra cho sinh viên, phần còn lại là ở chính bản thân người học. Các em phải tập trung cao độ cho việc học, tích lũy kiến thức chuyên môn, năng lực ngoại ngữ... để khi ra trường có thể đáp ứng ngay nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, một ngành có thể có nhu cầu lao động cao ở một thời điểm nào đó. Vậy nên, việc chọn ngành “hot” để đăng ký xét tuyển là không nên. Tất cả các ngành được đào tạo ở các trường đại học đều có vị trí việc làm trong xã hội. Để trở thành một người có năng lực trong lĩnh vực nào đó thì điều kiện cần là các em phải được học đúng lĩnh vực mà mình yêu thích và có khả năng học tập tốt. Có như vậy, sau khi ra trường, các em mới có khả năng tiếp cận nhanh vào vị trí công việc.

THANH HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khoi-nganh-ky-thuat-cong-nghe-khat-nhan-luc-post795442.html
Zalo