Gác cu 'thú ngu' tao nhã
Dân gian ta có câu 'Ở đời có bốn cái ngu: Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu'. 'Nghề' gác cu được xếp vị trí thứ 3 tức 'đệ tam ngu'. Mấy cái ngu như làm mai, lãnh nợ thì hệ quả đã rõ ràng, còn như gác cu, dù là 'tam ngu' nhưng xem ra cái ngu này đã khiến nhiều người mê mẩn, quên ăn, quên ngủ. Có người còn bảo đây là cái ngu tao nhã, ngu phong lưu, cái ngu mà rất ít người học được.
Nhà tôi ở làng Phước Bình, Tân An, La Gi, Bình Thuận. Nhà vườn rộng, trồng toàn mít với đào. Sáng nào thức dậy quét lá cũng nghe tiếng cu gáy rân vườn. Buổi trưa treo võng nằm hóng gió, lại cũng thẫn thờ với tiếng gáy chim cu. Nghe riết rồi quen, rồi ghiền, bữa nào thức dậy thấy vắng tiếng chim, nghe nó buồn buồn, quạnh hiu sao ấy.

Gác cu - từ xưa đến nay, vẫn là một trong những thú vui giải trí của người dân.
Tôi đã vậy, cạnh nhà lại có thêm chú em Ba Ánh bị nghiện nặng thú gác cu. Hai anh em hễ bận thôi, rảnh là mang lồng, đem cu mồi đi nhử. Dòng sông Dinh vào mùa hè chim chóc líu lo. Những rẫy mít, rừng bụi là nơi cu hò hẹn trao tình, tiếng gáy, tiếng gù cứ như có ma lực cuốn hút khó cưỡng.
Lại nói về cu: Cu có nhiều loại, cu đất, cu cườm, cu ngói, cu xanh… Ở nông thôn Việt Nam ai mà chẳng từng nghe cu gáy. Tiếng chim cu cũng đã đi vào thơ ca rất dịu dàng, đằm thắm: “Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao/ Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ/ Mà đôi lứa đứng bên vườn tình tự…”.
Thế đấy cái tiếng gáy của loài cu nó rạo rực, tình tứ là vậy. Với người bình thường tiếng gáy chỉ là tiếng gáy thôi. Nhưng với những người trót dại theo thú gác cu, thì mỗi tiếng gáy đều có âm điệu khác nhau. Có con giọng kìm, có con giọng thổ, rồi thổ đòng, thổ sấm, rồi gáy một hậu, hai hậu, ba hậu, càng nhiều hậu càng thuộc loại quý hiếm khó tìm. Cu gáy để gọi tình, gáy để giao chiến tranh giành bạn “gái”, gáy để tranh giành lãnh thổ. Mỗi lần như vậy 2 con cu trống trấn thủ ở hai nhành cây khác nhau, rồi trổ tài thi thố. Tiếng gáy chúng khi khoan, khi nhặt, khi thôi thúc, khi giục giã, trong giới nhà nghề gọi là chiêu, thúc, gù, dặm. Lúc này chị cu mái chỉ lặng im theo dõi đợi người chiến thắng. Cuộc chiến chỉ kết thúc trong hai trường hợp: Chịu không nổi tiếng gáy của đối thủ đành chấp nhận thua cuộc bay đi, hoặc phải qua một cuộc tử chiến bằng cánh, bằng mỏ, bằng chân với những miếng đòn hiểm hóc. Những người mê cu được xem một trận quyết đấu của 2 chàng cu gáy là sướng đến tê người.
Để có được một anh cu mồi đích thực “dũng sĩ” có tiếng gáy vừa gợi tình vừa kiêu hãnh, người mê gác cu phải bỏ công sức tìm kiếm cho dù giá cả có cao đến bao nhiêu. Cu gáy “dũng sĩ” phải có tướng tá oai vệ, lông mượt xám, chân đỏ như son, bộ cườm đều đặn, đầu nhỏ, mỏ đinh, giọng gáy phải vừa hấp dẫn vừa kiêu hãnh, gáy không bị hụt, gáy một chập, một chập rồi lại một chập. Cu gáy màu xám nhạt có giọng thổ (trầm), cu xám nâu giọng kìm (cao). Giống cu cườm là giống cu gáy tốt nhất. Trong cuộc sống hoang dã những anh cu này luôn đóng vai trò đầu đàn, sẵn sàng nghênh chiến với bất cứ “kẻ thù” nào dám xâm nhập lãnh địa. Khi được bắt về thuần dưỡng làm cu mồi, dù ở trong lồng, cu gáy cũng phải giữ nguyên được bản chất, nếu buồn rầu, nhớ rừng, nhớ bạn mà bỏ gáy hoặc tiếng gáy bị hụt, mất hết thần khí thì trở thành cu dạt, chỉ còn tác dụng nhổ lông nấu cháo. Nuôi cu mồi cũng rất công phu, ngoài những điều kiện về tướng mạo, sắc lông giọng gáy, tiếng gù như đã nói. Người nuôi chim mồi phải chọn lồng thích hợp. Chim mồi thường được nuôi bằng lồng hình quả đào. Thân lồng nửa dưới to, trên nhỏ, diện tích chỉ vừa đủ để chim xoay. Nuôi lồng này chim chóng thuần và rất tiện lợi khi mang chim đi. Chim mồi không ưa lồng rộng, bởi khi chúng giật mình nhảy hay bị toác đầu. Thức ăn cho chim cu thì cha ông ta đã đúc kết “Chim cu ăn đậu, ăn mè. Bồ câu ăn lúa. Chích chòe ăn khoai”. Riêng chim cu non phải lấy gạo ngâm, rồi cho vào túi, túi có khoét lỗ để chim non rúc ăn, vì loài cu non không há miệng đòi ăn như những loài chim khác.
Đi gác cu đúng là “đệ tam ngu”, nhưng là thú ngu tao nhã, ngu phong lưu. Ai đã trót nghiện thì khó lòng dứt bỏ, ngay cả trong giấc ngủ cũng nằm mơ nghe tiếng gáy chim cu. Đi gác cu cao lắm chỉ hai người, đông thêm sinh ồn ào hỏng việc. “Đồ nghề” rất đơn giản, chỉ cây sào để móc đưa lồng cu mồi lên nhành cây đúng vị trí. Lồng cu hay còn gọi là lụp được đan bằng thép cứng rất công phu, phía sau lồng được che kín, chung quanh ngụy trang bằng cành lá. Phía trước “cung điện” của anh cu mồi là phần bẫy để sập những anh cu hiếu chiến xông vào trận địa.
Sau khi phát hiện nơi có nhiều chim cu, người gác cu chọn vị trí để treo lồng, lồng treo phải đúng thế, đúng những cành cây có chim cu hay đậu. Khi trận địa đã bày xong, người gác cu tìm chỗ kín đáo ẩn mình chờ đợi. Đây là thời gian hồi hộp nhất, mọi cử động phải hết sức nhẹ nhàng, thời điểm quyết định dù có bị kiến cắn, muỗi đốt cũng phải bấm bụng chịu đựng, chỉ cần tiếng động nhẹ, cu phát hiện được sẽ bay đi ngay. Trên chiếc lồng treo cao, con cu mồi thiện chiến láo liên một lúc rồi cất tiếng gáy xung trận, lúc đầu còn chầm chậm, sau giục giã liên hồi. Từ những vòm cây xa xa, cu đầu đàn phát hiện “lãnh thổ” của mình có kẻ xâm lược, hắn gầm gừ, rồi gáy vang đáp trả. Cuộc đọ khẩu cứ như vậy kéo dài cho đến khi chủ nhà tức khí phải quyết một phen sinh tử. Từ cành cây đối diện hắn bay thẳng vào trận địa, vậy là hết, cái thanh cài đánh bật, chiếc bẫy sụp xuống, cuộc đời oanh liệt hắn khép lại từ đây.
Thường thì những con cu bị bại trận, không phải con nào cũng bị đem ra mổ thịt làm mồi ngay. Chúng được chủ nhân xem xét lại rất kỹ, những con có tiếng gáy tốt, thiện chiến được tuyển làm cu mồi, chỉ có cu dạt mới bị đem ra chế biến. Kể thì hấp dẫn, nhưng để bẫy được con cu không phải dễ chút nào, cu là loài rất nhạy, rất tinh khôn. Có khi đi gác cả tuần lễ, mười ngày vẫn không có con nào. Có phải vì thế mà người xưa mới nói, “nghề” giữ cu thuộc loại “đệ tam ngu” chăng ?!
Thịt cu thuộc nhóm đặc sản quý hiếm, một con cu ướp muối ớt nướng bán cho dân nhậu giá đến năm mươi nghìn đồng. Giá cao, được nhiều người ưa chuộng, nên thay vì đi gác cu để tìm thú vui tao nhã, người ta dùng lưới để bẫy hàng loạt về bán cho thực khách. Với đà săn bắt như thế này, không biết rồi đây nông thôn Việt Nam có còn chim cu để ai đó được một lần “ngu” mà tìm thú vui tao nhã này!