Khơi dậy sức mạnh sáng tạo và trách nhiệm của giới khoa học

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết nêu rõ: 'Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển KT-XH, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới'.

Ứng dụng chế phẩm sinh học để sản xuất lúa ở xã Hòa Tân Đông (TX Đông Hòa). Ảnh: LỆ VĂN

Ứng dụng chế phẩm sinh học để sản xuất lúa ở xã Hòa Tân Đông (TX Đông Hòa). Ảnh: LỆ VĂN

Nghị quyết 57 đánh dấu bước đột phá về tư duy của Đảng trong việc tìm hướng phát triển cho đất nước.

Tháo gỡ nhiều rào cản

Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia, đã đặt ra những yêu cầu rất quyết liệt trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về thể chế, cũng như đưa ra giải pháp mạnh mẽ nhằm giải phóng sức sáng tạo của các nhà khoa học và người dân. Đặc biệt hơn, nghị quyết quy định mức chi cho nghiên cứu và phát triển tăng từ 0,4% lên 2%. Đây là giải pháp về nguồn lực tài chính được đưa ra nhằm “cởi trói” cho nhà khoa học, từ đó chắp cánh đam mê nghiên cứu công nghệ của giới khoa học nước nhà, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh, việc Nghị quyết 57 quy định đến 2030, kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KHCN&ĐMST, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển là một bước đột phá lớn.

“Tư duy này đã được đề cập tại Nghị quyết 20, nhưng hơn 10 năm qua, gần như chúng ta không làm được điều này. Lần này, Nghị quyết 57 đã quy định rất cụ thể và với sự quyết liệt, chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi”, ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Ga (Viện Thổ nhưỡng nông hóa), với việc đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá, ưu tiên và khuyến khích phát triển KHCN&ĐMST, như: Đầu tư tài chính, phát triển nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính và khuyến khích hợp tác công - tư, Nghị quyết 57 cho thấy tầm nhìn của Bộ Chính trị hướng tới việc tháo gỡ các rào cản lâu nay trong hệ thống, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cá nhân phát triển mạnh mẽ hơn. Việc đưa mục tiêu đến năm 2030, kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KHCN&ĐMST chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển vào nghị quyết cũng là bước đi mạnh mẽ nhằm tạo sự thay đổi về chất trong phân bổ, thu hút, đầu tư các nguồn lực KHCN&ĐMST và chuyển đổi số.

Tạo cơ chế thu hút và giữ chân nhà khoa học

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia đã xác định nhà khoa học ở vị trí trung tâm, then chốt, đi cùng với đó là những cơ chế, chính sách đãi ngộ xứng đáng. KHCN&ĐMST và chuyển đổi số không thể phát triển đột phá nếu thiếu đội ngũ nhà khoa học. Nghị quyết 57 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người/ vạn dân; có từ 40-50 tổ chức KHCN được xếp hạng khu vực và thế giới. Trên cơ sở mục tiêu đặt ra, Nghị quyết 57 đã chú trọng việc mở rộng đa dạng các hình thức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng các nhà khoa học, nhà sáng chế; trân trọng từng phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật, sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác, hiệu suất công việc, dù là nhỏ nhất. Đồng thời, nghị quyết có hẳn cơ chế, chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, hóa học, kỹ thuật và công nghệ then chốt, nhất là ở các trình độ sau đại học; xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo tài năng trên nhiều lĩnh vực. Nghị quyết 57 cũng quy định rõ cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống, cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập; dựng, kết nối và phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Theo ông Dương Bình Phú, Nghị quyết 57 xác định nhà khoa học là nhân tố then chốt, cùng các giải pháp để thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, quan điểm này còn đặc biệt hơn trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai nhiều dự án lớn quan trọng như: Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dự án điện hạt nhân, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Nếu không có những nhà khoa học chủ trì, hình thành nên các tập thể khoa học mạnh, chắc chắn những dự án này không thể thành công.

Trước đây, Nghị quyết 20 về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế đã xác định có chính sách trọng dụng đặc biệt đối với cán bộ KHCN đầu ngành, cán bộ KHCN được giao chủ trì nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, cán bộ khoa học và công nghệ trẻ tài năng. Tuy nhiên, nội dung này chưa được triển khai do bị ràng buộc bởi nhiều quy định tại nhiều luật khác nhau.

“Để nhà khoa học thực sự là nhân tố then chốt, cần phải có các cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ họ tốt hơn. Nghị quyết 57 đã nêu ra được nhiều giải pháp quan trọng, song cần lưu ý rằng, chế độ đãi ngộ cho nhà khoa học không chỉ đơn thuần là tiền lương và thu nhập, mà quan trọng hơn là điều kiện làm việc và môi trường sáng tạo, tức là phải giao cho nhà khoa học quyền tự chủ cao nhất trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Họ phải có quyền tự chủ cả về tài chính, tổ chức, nhân sự”, ông Dương Bình Phú nêu ý kiến cụ thể.

Ông Nguyễn Trọng Lực, Phó Giám đốc Trung tâm KHCN Phú Yên cho rằng, để trở thành nhân tố then chốt, giới trí thức, nhà khoa học cần tiếp tục chủ động, sáng tạo, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và cập nhật kiến thức mới. Quan trọng nhất là hướng các nghiên cứu của mình vào những vấn đề thực tiễn mà đất nước đang cần như sử dụng hợp lý tài nguyên, phòng tránh thiên tai và bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, an ninh lương thực và phát triển bền vững cùng nhiều lĩnh vực khác… Bên cạnh đó, việc truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho thế hệ trẻ qua giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu là cần thiết. Điều này không chỉ giúp lan tỏa tinh thần yêu khoa học mà còn thúc đẩy khát vọng sáng tạo trong cộng đồng. Các nhà khoa học cũng cần tích cực tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, trở thành cầu nối giữa khoa học và cơ quan hoạch định chính sách. Điều này giúp các chính sách được xây dựng trên cơ sở khoa học, sát với thực tiễn và có tính khả thi.

Với các trí thức, nhà khoa học, Nghị quyết 57 như luồng sinh khí mới, một “khoán 10” cho hành trình phát triển KHCN&ĐMST, chuyển đổi số của Việt Nam.

Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN

VĂN TÀI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/325534/khoi-day-suc-manh-sang-tao-va-trach-nhiem-cua-gioi-khoa-hoc.html
Zalo