Khơi dậy khả năng sáng tạo của học sinh

Giáo dục STEM là giáo dục theo hướng tích hợp liên môn thay vì dạy đa môn rời rạc. Ðây là cách tiếp cận mới, rất thiết thực, cần thiết giúp học sinh tìm tòi khám phá tri thức, từ đó hình thành phẩm chất năng lực. Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật (thị xã Mỹ Hào) là điểm sáng về hoạt động giáo dục STEM trong dạy và học, top đầu trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học toàn tỉnh. Cô giáo Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng trường cho biết: Ðể triển khai giáo dục STEM hiệu quả, những năm qua, trường luôn tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu giảng dạy giáo dục STEM. Ðồng thời cử giáo viên cốt cán tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, nghiên cứu kỹ các tài liệu hướng dẫn, làm tốt công tác tuyên truyền để mỗi học sinh và phụ huynh học sinh hiểu được lợi ích của giáo dục STEM. Hằng năm, nhà trường tổ chức ngày hội STEM, phối hợp với trường Ðại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên tổ chức hoạt động giới thiệu sản phẩm STEM của học sinh, sinh viên và khuyến khích học sinh thành lập câu lạc bộ STEM từng lớp và toàn trường. Giáo dục STEM mang lại hiệu quả khá cao đối với hoạt động dạy và học trong nhà trường. Qua đó, giúp học sinh phát triển tư duy phản biện, kỹ năng thực hành, tạo động lực để các em phát huy toàn diện phẩm chất, năng lực của bản thân.

Tiết học STEM của học sinh Trường Tiểu học Liên Nghĩa (Văn Giang)

Tiết học STEM của học sinh Trường Tiểu học Liên Nghĩa (Văn Giang)

Hiểu rõ được tầm quan trọng của hoạt động giáo dục STEM trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bắt đầu từ năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Liên Nghĩa (Văn Giang) đưa giáo dục STEM vào các hoạt động giáo dục của trường. Theo đánh giá của trường, đa số học sinh bày tỏ sự hào hứng, thích thú trong giờ học STEM. Qua hoạt động giáo dục STEM, học sinh được vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề thực tiễn. Các em có cơ hội thực hành nhiều kỹ năng như thuyết trình, làm việc nhóm, phát triển về tư duy nghệ thuật, phản biện, sáng tạo; tự làm nên sản phẩm đa dạng để ứng dụng vào thực tế. Cô giáo Hoàng Thu Thủy, Trường Tiểu học Liên Nghĩa cho biết: Giáo dục STEM đã tạo ra một sự thay đổi tích cực cho giáo viên và học sinh trong dạy học. Giáo viên luôn chủ động đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, phát huy khả năng sáng tạo, tư duy logic, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Học sinh tham gia nhiều vào các hoạt động làm việc nhóm, từ đó giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn.

Với mong muốn lan tỏa giá trị của giáo dục STEM, Trường THPT Kim Ðộng (Kim Ðộng) đã thành lập Câu lạc bộ STEM. Câu lạc bộ STEM là nơi tập hợp các học sinh có khả năng tìm tòi, khám phá, say mê áp dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn. Từ những vật liệu dễ tìm như: pin, tấm bìa carton, ống hút, que tre, quả bóng bay, chai lọ nhựa…các thành viên trong câu lạc bộ sáng tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ hoạt động học tập. Ðặc biệt, qua các buổi sinh hoạt, thành viên CLB được giao lưu, học hỏi và tăng cường khả năng làm việc nhóm, khả năng thuyết trình. Em Trần Tuấn Anh, học sinh lớp 11 chia sẻ: Tham gia các hoạt động của Câu lạc bộ STEM giúp chúng em hiểu và vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn; rèn luyện các kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm. Nhiều bạn trong lớp em trước kia còn nhút nhát nhưng khi tham gia câu lạc bộ đã tự tin trình bày quan điểm, ý tưởng trước đám đông.

Triển khai, thực hiện giáo dục STEM toàn tỉnh từ năm học 2018 - 2019, Sở Giáo dục và Ðào tạo. Sở chỉ đạo các trường có thể áp dụng linh hoạt 3 hình thức tổ chức giáo dục STEM, gồm: Dạy học các môn khoa học theo bài học STEM; tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM thông qua hình thức câu lạc bộ hoặc các hoạt động trải nghiệm thực tế (trong hoặc ngoài nhà trường); tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật thông qua các cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng. Ðồng chí Trần Mạnh Ðạt, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở Giáo dục và Ðào tạo) cho biết: Việc từng bước đưa giáo dục STEM vào trong các nhà trường đã mang lại nhiều ý nghĩa, phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, khuyến khích phát huy năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh. Ðó là sự cần thiết để gắn lý thuyết với thực tế; học sinh hiểu bài sâu hơn thông qua những trải nghiệm ngay trong bài học với những vấn đề trong đời sống, định hướng các em sau khi ra trường sẽ áp dụng kiến thức đã được học giải quyết những vấn đề thực tiễn. Mô hình giáo dục STEM trang bị cho học sinh kiến thức đa lĩnh vực, các kỹ năng mềm, tiếp cận nhiều với thực hành…Nhờ đó, học sinh có thể làm chủ và khai thác công nghệ phục vụ công việc, cuộc sống.

Vũ Huế

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/khoi-day-kha-nang-sang-tao-cua-hoc-sinh-3178805.html
Zalo