Khơi dậy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Đồng Nai
Là vùng đất được cha ông trao truyền nhiều di sản quý giá khi đã 'gạn đục khơi trong' qua hơn 325 năm hình thành và phát triển, Biên Hòa - Đồng Nai được xem là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa.
Mặc dù vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các giá trị văn hóa, con người Đồng Nai đã, đang từng bước phát triển, tạo bước “đột phá” mới để văn hóa thấm sâu vào đời sống các tầng lớp nhân dân.
Sức mạnh từ khơi thông nguồn lực
Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 22-12-2023 của Tỉnh ủy (Nghị quyết số 12) và Kế hoạch số 80-KH/UBND của UBND tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững, Đồng Nai đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch. Trong đó, đẩy mạnh trùng tu tôn tạo, xếp hạng di tích; triển khai nhiều dự án phát triển du lịch; bố trí đất và kinh phí xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao. Đồng thời, bổ sung ngân sách chi cho các hoạt động thường xuyên, kết hợp với các nguồn lực xã hội hóa, góp phần phục vụ nhân dân.
Thạc sĩ Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, bày tỏ sự phấn khởi bởi từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 đến nay, những giá trị văn hóa ở Đồng Nai được quan tâm, chăm chút, thay đổi theo hướng tích cực, từ công tác trùng tu, tôn tạo đến xếp hạng di tích, lập hồ sơ khoa học di sản phi vật thể... Hiện toàn tỉnh có 71 di tích xếp hạng và nhiều di tích phổ thông được kiểm kê. Điều đó chứng tỏ Nghị quyết số 12 đã đi vào cuộc sống, được xã hội quan tâm.
“Trên cơ sở xếp hạng giúp chúng ta nhận ra được giá trị của di tích. Tuy nhiên, bước tiếp theo là phải làm gì, làm như thế nào để lan tỏa được trong nhân dân. Muốn bảo tồn di sản trên địa bàn tỉnh, cần phải có điều tra, thống kê cụ thể về di tích, có cơ chế, chính sách để đưa những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đến gần hơn với công chúng, phục vụ nhu cầu của cộng đồng” - thạc sĩ Trần Quang Toại nói.
Là địa phương vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 12, huyện Định Quán đã dự toán xây dựng công viên văn hóa với kinh phí 11 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bổ sung nguồn vốn xây dựng 2 nhà văn hóa dân tộc với nguồn vốn 26 tỷ đồng, sửa chữa và xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Đặc biệt, địa phương huy động nguồn xã hội hóa kết dư đầu tư dụng cụ thể dục thể thao, trò chơi thiếu nhi với kinh phí trên 2,5 tỷ đồng.
Hay tại huyện Long Thành đã xây dựng kế hoạch bố trí vốn xây mới 3 trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng xã và 7 nhà văn hóa ấp với số tiền khoảng 56 tỷ đồng. Các thiết chế văn hóa thể thao từ cấp huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện thường xuyên được sửa chữa, nâng cấp, trang bị dụng cụ thể dục thể thao và trò chơi thiếu nhi. Đặc biệt, tại nhà văn hóa các ấp và công viên khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn được đầu tư với kinh phí 830 triệu đồng. Ngoài ra, địa phương chú trọng nguồn lực xã hội hóa với số tiền 300 triệu đồng để tổ chức các hoạt động tại các thiết chế.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU, thời gian qua, thành phố Biên Hòa đã được bổ sung kinh phí tổ chức các hoạt động văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di tích với khoảng 4,5 tỷ đồng. Ngoài ra, kinh phí để tổ chức hoạt động thể dục, thể thao khoảng 800 triệu đồng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng bổ sung khoảng 500 triệu đồng.
Tạo bứt phá, từng bước về đích
Thời gian một năm chưa phải là dài để đánh giá hết hiệu quả, cũng như rút ra những bài học kinh nghiệm trong thực hiện Nghị quyết số 12. Tuy nhiên, với hiện thực sinh động sau một năm thực hiện nghị quyết, rõ ràng vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, nơi hội tụ và lan tỏa luôn mang trong mình nguồn năng lượng sáng tạo dồi dào từ mọi tầng lớp dân cư. Một quá trình cộng hưởng của các chính sách thúc đẩy đúng đắn chắc chắn sẽ tạo xung lực mạnh mẽ cho cuộc vươn mình của vùng đất hơn 325 năm hình thành và phát triển.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Lê Thị Ngọc Loan, phát triển văn hóa cũng chính là phát triển con người. Do vậy, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12, trong thời gian tới, ngành văn hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai. Bên cạnh đó, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao; đồng thời, phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Hai trong số những hoạt động văn hóa đáng chú ý trong năm 2025 được kỳ vọng thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa ở Đồng Nai là tổ chức Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế và Festival Gốm truyền thống Biên Hòa - Đồng Nai. Việc tổ chức các hoạt động này nhằm bảo tồn, phát triển và hội nhập quốc tế của nghề gốm truyền thống; tạo ra sản phẩm du lịch mới, độc đáo, gây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm du lịch đặc trưng, tăng sức hấp dẫn, thu hút nhân dân, du khách trong nước và quốc tế tham gia.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn nhấn mạnh, trong kỷ nguyên của khoa học công nghệ, hội nhập sâu rộng, văn hóa, con người Đồng Nai cũng đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Điều này đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”. Phát huy cao độ những giá trị văn hóa, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Đồng Nai trở thành một tỉnh giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh và có bản sắc văn hóa tiêu biểu.