Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng: Ứng dụng BIM trong thiết kế dự án

Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng là tuyến đường huyết mạch kết nối Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) với các vùng kinh tế trọng điểm. Dự án đánh dấu bước tiến lớn trong ứng dụng công nghệ số vào các công trình giao thông, với việc tiên phong sử dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong thiết kế dự án.

Phối cảnh 3D cầu Km42 + 825 thuộc dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng do Công ty CP Tư vấn Thiết kế xây dựng Đại Phong ứng dụng BIM.

Phối cảnh 3D cầu Km42 + 825 thuộc dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng do Công ty CP Tư vấn Thiết kế xây dựng Đại Phong ứng dụng BIM.

Tháng 8/2024, tác phẩm “Ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong thiết kế dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng” vượt qua 150 bài dự thi của các đơn vị uy tín lớn tới từ 6 quốc gia thuộc ASEAN để giành giải Nhất sáng tạo tại cuộc thi Autodesk ASEAN Innovation Awards 2024. Đây là dự án được thực hiện bởi liên danh nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu. Tác phẩm do Công ty CP Tư vấn Thiết kế xây dựng Đại Phong thực hiện với vai trò đơn vị tham gia tư vấn lập đề xuất dự án, theo đơn đặt hàng của Tập đoàn Đèo Cả - khi đơn vị còn là nhà đầu tư nghiên cứu đề xuất dự án.

Đơn vị tư vấn đã ứng dụng công nghệ số, trọng tâm ứng dụng BIM trong bước thiết kế kỹ thuật thi công giúp kiểm soát việc giải phóng mặt bằng của địa phương, quản lý tiến độ và chất lượng thi công của nhà thầu, tối ưu hóa thiết kế, chi phí thực hiện dự án và đặc biệt giúp doanh nghiệp dự án lập kế hoạch với tổng thầu thi công và đánh giá trách nhiệm các đơn vị tư vấn, phòng ngừa rủi ro trong quá trình thanh quyết toán công trình.

Ông Mai Mạnh Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn Thiết kế xây dựng Đại Phong cho biết: Tôi nhận thấy việc ứng dụng công nghệ số, tích hợp các công nghệ tiên tiến được doanh nghiệp này chú trọng, hướng đến quản lý các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thiết kế, kiểm soát tổng mức đầu tư, giảm thiểu lỗi và sai lệch thiết kế, tiết kiệm chi phí và cải thiện chất lượng công trình... Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về ứng dụng công nghệ số qua các dự án, tại cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu để đột phá từ khâu thiết kế bằng ứng dụng BIM. Đơn vị tư vấn tiên phong đổi mới phương án thiết kế bằng chính mô hình BIM trước khi xuất ra bản vẽ thiết kế 2D để đảm bảo độ chính xác cao, khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả thực hiện dự án.

Với việc ứng dụng BIM vào dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Tập đoàn Đèo Cả cho thấy tầm nhìn chiến lược trong việc tận dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng và hiệu quả của các dự án giao thông. Đây cũng là xu hướng tất yếu của ngành hạ tầng giao thông trong tương lai, khi công nghệ trở thành “chìa khóa” cho sự phát triển bền vững và hiện đại hóa.

Lợi ích nổi bật mà BIM mang lại cho dự án Hữu Nghị - Chi Lăng phải kể đến là khả năng phối hợp và quản lý dữ liệu tập trung. Thông qua nền tảng BIM, tất cả các thông tin về thiết kế, cấu trúc, cơ điện và các hệ thống kỹ thuật khác được tích hợp vào một mô hình 3D duy nhất, giúp đội ngũ tư vấn giám sát, thiết kế và kỹ sư làm việc đồng bộ và hiệu quả hơn. Nhờ đó, tiết kiệm thời gian và giảm thiểu sai sót, tăng cường khả năng phối hợp giữa các đơn vị tư vấn, nhà thầu và chủ đầu tư.

Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng chiều dài 60 km, gồm đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km, được thiết kế quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 17 m; đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam dài 17 km, với quy mô 2 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 14,5 m. Dự án được đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng.

Ánh Dương

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/cao-toc-huu-nghi-chi-lang-ung-dung-bim-trong-thiet-ke-du-an-393581.html
Zalo