Khoảng 18,7% người dân Đồng Nai mắc các bệnh mạn tính

Chiều 18-12, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với Sở Y tế tổ chức Tọa đàm khoa học Tiếp cận dịch vụ y tế của người dân Đồng Nai hiện nay.

Đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh trình bày tham luận về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hạnh Dung

Đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh trình bày tham luận về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hạnh Dung

Tại tọa đàm, đại diện Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã trình bày 3 tham luận liên quan đến tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh; công tác khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn tỉnh và thực trạng y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai.

Tính đến cuối tháng 11-2024, toàn tỉnh có gần 3 triệu người/hơn 3,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 90,4%. Hệ thống y tế của tỉnh được bố trí rộng khắp tại 11 huyện, thành phố với 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 3 bệnh viện đa khoa khu vực, 4 bệnh viện chuyên khoa và 11 trung tâm y tế, 2 chi cục, 4 trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh, 159 trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế tư nhân phát triển mạnh với 7 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, 90 phòng khám đa khoa; có 1.741 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế. Đa số các bệnh viện và nhiều phòng khám đa khoa tư nhân tập trung tại thành phố Biên Hòa và huyện Trảng Bom.

Toàn ngành y tế hiện có hơn 9,8 ngàn cán bộ y tế, trong đó có hơn 3,2 ngàn bác sĩ. Tổng số giường bệnh nội trú là 10,1 ngàn giường. Công tác khám chữa bệnh được triển khai có hiệu quả, các chỉ tiêu tổng hợp như số lần khám bệnh, số người bệnh điều trị nội trú, ngoại trú, số ngày điều trị nội, ngoại trú, số phẫu thuật, thủ thuật năm sau tăng hơn so với năm trước.

Theo kết quả khảo sát trên hơn 4,2 ngàn người dân trong tỉnh của nhóm tác giả Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, có khoảng 18,7% người dân Đồng Nai có bệnh mạn tính. Các bệnh mạn tính ngày càng trẻ hóa như tiểu đường, tim mạch, huyết áp. Một số bệnh có xu hướng tăng như bệnh đường hô hấp, bệnh đường ruột, ung thư. Người cao tuổi là nhóm đối tượng bị nhiều bệnh mạn tính nhất.

Ngoài ra, rất nhiều người dân vẫn có thói quen tự mua thuốc để uống khi có bệnh trước khi bệnh nặng và đến bệnh viện. Đa số người dân vẫn ưu tiên lựa chọn các cơ sở y tế công lập để khám, chữa bệnh. Vẫn còn khoảng 10% người dân chưa có thẻ bảo hiểm y tế, đặt ra nhiều thách thức trong việc đạt mục tiêu bao phủ y tế toàn dân.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202412/khoang-187-nguoi-dan-dong-nai-mac-cac-benh-man-tinh-e155d60/
Zalo