Khoan đáy biển để tìm nguyên liệu làm pin ôtô

Các công ty khai khoáng dự tính chuyển từ đất liền xuống biển sâu để tìm nguồn cung nguyên liệu chế tạo pin ôtô.

 Thay vì khai thác kim loại hiếm trên mặt đất, các công ty muốn chuyển hướng xuống đáy đại dương. Ảnh: GSR.

Thay vì khai thác kim loại hiếm trên mặt đất, các công ty muốn chuyển hướng xuống đáy đại dương. Ảnh: GSR.

Hoạt động khai thác niken và coban phục vụ cho ngành công nghiệp pin ôtô đang dẫn đến những tác động nghiêm trọng đến môi trường trên Trái Đất, khiến nhiều loài sinh vật chết hàng loạt và gây chia rẽ sâu sắc cho các cộng đồng cư dân địa phương.

Tuy nhiên trữ lượng kim loại hiếm còn lại trên mặt đất dường như không thể đáp ứng nổi nhu cầu chế tạo pin ôtô của thị trường hiện tại.

Do vậy, nhằm phục vụ mảng ôtô điện đang được tập trung phát triển trong thời gian gần đây, các hãng khai khoáng đang hướng mũi khoan xuống đáy đại dương - nơi sinh sống của nhóm sinh vật nhạy cảm và có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất hành tinh - để tìm kiếm nguồn kim loại hiếm làm nguyên liệu chế tạo pin ôtô.

 Hoạt động khai khoáng gây ra không ít tác động lên đời sống con người cũng như sinh vật xung quanh. Ảnh: Washington Post.

Hoạt động khai khoáng gây ra không ít tác động lên đời sống con người cũng như sinh vật xung quanh. Ảnh: Washington Post.

Đơn vị khai khoáng The Metals Company cho biết vùng đáy biển nằm giữa Hawaii và Mexico là nơi sở hữu trữ lượng khổng lồ của các hợp chất như niken sulfate, coban sulfate cùng với đồng và mangan. Công ty khai khoáng có trụ sở ở Vancouver (Canada) xác nhận chỉ với 60 phút hoạt động, họ có thể thu về 14 tấn đá chứa kim loại từ độ sâu 150 mét.

Cục Khí quyển và Đại dương Mỹ cho biết kim loại tập trung rất nhiều tại phần đáy biển được gọi là đồng bằng vực thẳm (abyssal plain). Khu vực này bao phủ 70% diện tích đáy đại dương, đồng thời được ghi nhận như là môi trường sống lớn nhất trên Trái Đất.

Một báo cáo do tạp chí Nature công bố vào năm 2020 cho thấy có hơn 250 triệu tấn niken tồn tại trên diện tích 4,5 triệu km2 của vùng Clarion-Clipperton (CCZ) nằm trên đường đứt gãy chính của Thái Bình Dương. Trữ lượng niken tại khu vực này nhiều gấp gần 3 lần so với trên đất liền, chưa kể đến hàm lượng vượt trội của kim loại coban ở nơi đây.

 Vị trí của vùng Clarion-Clipperton (CCZ) trên vùng biển Thái Bình Dương. Ảnh: Lockheed Martin.

Vị trí của vùng Clarion-Clipperton (CCZ) trên vùng biển Thái Bình Dương. Ảnh: Lockheed Martin.

Trữ lượng kim loại hiếm khổng lồ này có thể xem như giấc mơ dành cho các nhà sản xuất ôtô và các công ty khai khoáng. Tuy vậy việc khai thác kim loại hiếm từ đáy biển rõ ràng sẽ mang đến những tổn thương nhất định cho một trong những khu vực sở hữu tính đa dạng sinh học bậc nhất trên Trái Đất.

Các tổ chức môi trường như Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) đã bày tỏ sự phản đối kịch liệt đối với những hành động khai khoáng mà các công ty dự định thực hiện dưới đáy biển.

Trang tin Carbuzz cho hay các nhà sản xuất ôtô lớn trên thế giới như BMW, Volkswagen, Volvo, Renault hay Rivian đều đã ký vào thỏa thuận tạm ngưng khai khoáng dưới đáy biển do WWF đưa ra hồi cuối năm 2021.

Tuy vậy với sự bùng nổ hiện nay của ôtô điện cũng như lộ trình điện khí hóa trong các năm tiếp theo, thật khó để hình dung điều gì sẽ diễn ra ở đáy biển trong thời gian sắp tới.

Phúc Hậu

Theo Carbuzz

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khoan-day-bien-de-tim-nguyen-lieu-lam-pin-oto-post1371914.html
Zalo