Lan thủy tinh, còn gọi là "hoa của cõi âm", "hoa âm phủ", "hoa tử thần", "cỏ ma quỷ" là một loài thực vật hiếm có và đầy bí ẩn. Mặc dù mang chữ "lan" trong tên gọi, nhưng loài cây này không thuộc họ Lan mà thuộc họ Âu thạch nam (Monotropaceae) và là một loài thực vật hoại sinh. (Ảnh: Sohu)
Lan thủy tinh có thân mọc thẳng, chiều cao từ 10-35 cm, toàn thân trắng như pha lê, không chứa diệp lục. Hoa đơn lẻ, rủ xuống, hình chuông, nhụy hoa có sắc xanh lam nhạt, tạo nên vẻ đẹp độc đáo. Khi khô, toàn bộ cây chuyển thành màu đen, giống như que diêm cháy.
Cách thức sinh trưởng của lan thủy tinh rất độc đáo, đó là cách thức hoại sinh. Do không thể quang hợp vì không có diệp lục, lan thủy tinh sống nhờ vào việc ký sinh trên nấm để hấp thụ dinh dưỡng.
Thế nhưng nấm mà loài cây này ký sinh lại chuyển hóa chất hữu cơ từ xác động vật, lá khô và cây mục nát để nuôi dưỡng lan thủy tinh. Điều này khiến cho lan thủy tinh còn được gọi là "hoa cõi âm", "hoa tử thần", chỉ bởi vì khi có cái chết xảy ra, lan thủy tinh mới được nuôi dưỡng tốt và trổ bông.
Nghiên cứu cho thấy, lan thủy tinh phát triển trong điều kiện tối, ẩm và lạnh, thường xuất hiện ở độ cao từ 800-3.500m tại các khu rừng núi. Ở Trung Quốc, loài cây này phân bố tại các tỉnh như Hồ Nam, Vân Nam, Tứ Xuyên, ngoài ra còn được tìm thấy ở Ấn Độ, Đông Nam Á và Bắc Mỹ.
Loài cây này rất nhạy cảm với ánh sáng mặt trời và thay đổi môi trường. Nếu rời khỏi nơi mọc tự nhiên, chúng sẽ nhanh chóng khô héo và chết. Lan thủy tinh hiện nằm trong danh sách các loài nguy cấp của "Sách đỏ IUCN". Việc phá hủy môi trường sống và biến đổi khí hậu đã khiến số lượng của loài cây này ngày càng giảm.
Theo truyền thuyết dân gian, lan thủy tinh là loài hoa mà quỷ sai gieo xuống trần gian để dẫn lối cho linh hồn người chết về âm phủ. Vẻ ngoài trắng muốt, ánh sáng yếu ớt phát ra trong đêm tối và hương thơm kỳ lạ khiến loài cây này càng mang sắc thái huyền bí.
Một số câu chuyện dân gian cho rằng lan thủy tinh có khả năng kỳ diệu giúp "cải tử hoàn sinh". Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh đây chỉ là truyền thuyết mà thôi. Thế nhưng, dù không phải "thần dược hoàn hồn", lan thủy tinh thực sự có giá trị dược liệu. Cây được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản, ho hen. Mặc dù vậy, tác dụng của nó không thần kỳ như truyền thuyết thêu dệt.
Ở một số địa phương, loài cây này được cho là điềm xấu do phương thức sinh tồn hoại sinh, giống như sự xuất hiện của quạ, ám chỉ cái chết và sự mục nát. Song, các nhà khoa học khẳng định rằng sự xuất hiện của lan thủy tinh không phải là điềm báo gì mà chỉ là dấu hiệu cho thấy môi trường sống trong khu vực đang được bảo tồn tốt.
Sự hiếm hoi của lan thủy tinh cũng phản ánh sự mong manh của thiên nhiên. Nếu không có các biện pháp bảo vệ, loài cây này có thể biến mất vĩnh viễn. Việc bảo tồn lan thủy tinh không chỉ là bảo vệ một loài thực vật quý giá mà còn góp phần duy trì sự đa dạng sinh học của Trái đất.
Nhìn chung, sự huyền bí của Thủy Tinh Lan khơi gợi trí tưởng tượng phong phú trong văn hóa dân gian, nhưng cần nhìn nhận nó bằng lăng kính khoa học. Đồng thời, việc bảo vệ loài hoa này là lời nhắc nhở về trách nhiệm của con người trong việc duy trì cân bằng sinh thái và sống hòa hợp với thiên nhiên.
Video: Loài cây hiếm khi nở hoa, cứ nở là được coi như điềm báo.
Bích Hậu