Khó tiếp cận vốn ngân hàng, HTX tìm cách đa dạng nguồn hỗ trợ
Khó khăn lớn nhất của các HTX chính là về nguồn vốn, nhưng việc tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Do đó, chủ động thay đổi để có thể tiếp cận đa dạng nguồn vốn hỗ trợ đang được nhiều HTX thực hiện trong thời gian gần đây.
Các HTX đang gặp không ít khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng do không có tài sản bảo đảm hoặc có tài sản bảo đảm nhưng giá trị tài sản thấp. Tỷ lệ HTX được vay trên giá trị tài sản bảo đảm thấp, chưa đầy 10%.
Sức hút từ những dự án nông nghiệp
Đặc biệt, các HTX rất khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng theo hình thức tín chấp do dự án của HTX có tính khả thi chưa cao, không có báo cáo tài chính hoặc báo cáo tài chính thiếu độ tin cậy. Nhiều HTX chưa có kế hoạch kinh doanh và dự báo về tình hình tài chính từ 3-4 năm tới.
Trước thực tế này, không ít HTX thường sử dụng vốn từ nguồn tích lũy tự có hoặc vay mượn từ người thân của các cá nhân trong ban lãnh đạo. Đây thường là những HTX có những thành viên, người lãnh đạo chấp nhận rủi ro, có thể đầu tư ngay từ giai đoạn xây dựng ý tưởng, tham gia ý kiến, sáng kiến cho đến phát triển ý tưởng vào thực tiễn.
Chị Trần Thị Thuần, Giám đốc HTX Tâm Ngọc (Hà Nội) chia sẻ, tất cả nguồn vốn HTX đầu tư phát triển chuỗi dược liệu, ngành làm đẹp là do các thành viên tự bỏ ra hoặc vay người thân. Khi được hỏi vì sao không tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, chị Thuần cho biết HTX đã từng làm thủ tục vay vốn ngân hàng nhưng quy trình rất phức tạp, mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, lĩnh vực HTX đầu tư là nông nghiệp được đánh giá là khó hấp dẫn ngân hàng tài trợ vì rủi ro cao.
Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có một số HTX không dừng lại ở việc sử dụng nguồn vốn tự thân mà đã mạnh dạn tìm kiếm các nguồn hỗ trợ khác để lấp vào khoảng trống trong tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng.
Mới nhất, trên chương trình Shark Tank mùa 7, anh Lê Văn Tám, Giám đốc HTX Sông Hồng (Hà Nội) đã thuyết phục được các “cá mập” đầu tư 15 tỷ đồng cho 40% cổ phần với sản phẩm ống hút rau củ có thể luộc, xào, nhúng lẩu.
Hay chị Vương Thị Thương, Giám đốc HTX Nông sản Toàn Thương (Lạng Sơn) cũng đã thuyết phục được 2 Shark đầu tư 2 tỷ đồng cho 33% cổ phần để tiếp tục phát triển dự án sản xuất hồng vành khuyên treo gió. Không những chốt được mức gọi vốn với 2 Shark, nhưng dự án này của HTX Toàn Thương được đánh giá là một startup lần đầu tiên nhận được sự hỗ trợ và góp ý chân thành của cả 5 Shark để phát triển đặc sản bản địa và chinh phục thị trường thế giới.
Không chỉ dừng ở việc tham gia chương trình Shark Tank, có những HTX cũng đã tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ các kênh uy tín khác như các nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, thông qua các cuộc thi, các hội thảo, dự án từ Trung ương đến địa phương… Tiêu biểu như HTX Trồng ớt Buôn Đôn (Đắk Lắk) đã tiếp cận các gói hỗ trợ không hoàn lại của địa phương và gói vay lãi suất thấp để mở rộng quy mô sản xuất…
Theo các chuyên gia, thực tế này cho thấy các HTX không chỉ chủ động hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ một cách đa dạng mà còn khẳng định các dự án sản xuất nông nghiệp của HTX đã có tính hấp dẫn, tạo hấp lực thu hút và thuyết phục các nhà đầu tư.
Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp (SKC) cho biết, trong khoảng thời gian từ 2012-2022, hàng nghìn startup nông nghiệp nghiệp ra đời nhưng tỷ lệ startup được rót vốn đầu tư nhiều nhất lại không nằm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, dù chưa có thống kê cụ thể nhưng theo ông Phạm Đình Ngãi, nhà sáng lập Sokfarm (sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu các sản phẩm từ mật hoa dừa hữu cơ tại Việt Nam), đã có những dự án nông nghiệp, không chỉ của doanh nghiệp mà của cả các HTX nhận được những nguồn đầu tư khác nhau từ các quỹ, nhà đầu tư, chương trình, dự án ở trong và ngoài nước. Điều này cho thấy, sản phẩm nông nghiệp vẫn có sức hấp dẫn lớn với nhà đầu tư bởi mức tăng trưởng nhanh, mang lại nhiều giá trị về xã hội, kinh tế, môi trường… Chính vì thế, các HTX nông nghiệp khi đầu tư theo hướng bền vững thường sẽ có kế hoạch cụ thể cho những bước gọi vốn nhằm phục vụ sản xuất lâu dài, chuyên sâu.
Giám đốc HTX Sông Hồng chia sẻ, định hướng của HTX là tiếp tục phát triển theo chuỗi, mở rộng xuất khẩu ống hút rau củ sang các thị trường khó tính. Do đó, làm sao để tiếp cận được với các nguồn vốn đầu tư thay thế cho nguồn vốn ngân hàng đã được các thành viên HTX lên kế hoạch cụ thể, tính toán nhằm hoàn thiện những dự định, mục tiêu đã đặt ra.
Nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn
Tuy nhiên, muốn thuyết phục được các nhà đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp… để nhận được các nguồn hỗ trợ đối với các dự án của HTX là vấn đề không hề đơn giản. Bởi thực chất, nhiều nhà đầu tư chưa hiểu được hết bản chất của mô hình HTX nên còn ngần ngại.
Từ thực thế của HTX Sông Hồng và HTX Toàn Thương, bà Nguyễn Cẩm Chi, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển thanh niên (FYE), cho biết các nhà đầu tư thường không đầu tư dàn trải mà họ phải nhìn thấy được quy trình, các bước tạo ra hiệu quả, doanh thu, lợi nhuận một cách cụ thể. Họ cũng muốn xem sản phẩm, dự án của HTX có tiềm năng phát triển, có khả năng làm thương mại, phát triển thương hiệu được hay không.
Do đó, các nhà khởi nghiệp cần hiểu rằng khi đi gọi vốn phải chứng minh được sự phát triển của dự án, của đơn vị chứ không phải gọi vốn chỉ để duy trì sự tồn tại của mô hình sản xuất. Bởi nếu mô hình đang cần vốn chỉ để tồn tại là mô hình không có tiềm năng, không sinh ra lợi nhuận và khó làm lợi nhuận kinh doanh tăng nhiều lần sau khi nhận vốn.
Ông Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước (Bình Phước) lưu ý, để tìm được sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư, dự án, chắc chắn HTX phải chứng minh được khả năng của mình bằng những con số, bằng chứng cụ thể. Những dự án, sản phẩm sản xuất xanh, có tính bền vững, xác định được thị trường rõ ràng, mang lại lợi ích cộng đồng và ít nhiều đã có thương hiệu cũng có nhiều cơ hội thuyết phục được cách nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo, nhà sáng lập HTX còn e ngại, thiếu kỹ năng trong tham gia các chương trình, dự án gọi vốn. Do đó, rất cần sự đồng hành của cơ quan quản lý địa phương, trung ương nhằm hướng dẫn, hỗ trợ HTX tiếp cận những chuyên gia, nguồn hỗ trợ một cách phù hợp, từ đó tạo điều kiện cho HTX phát triển và đưa nông sản Việt vươn xa.