Khó kiểm soát rượu pha cồn công nghiệp

Điều đáng nói, trong khi các quy định xử phạt còn chưa đủ sức răn đe thì nhiều người dân vẫn xem nhẹ mối nguy hiểm từ các loại rượu không rõ nguồn gốc.

Khó kiểm soát rượu pha cồn

Tại TP.HCM, 2 vụ việc ngộ độc rượu tập thể khiến 2 người chết, 11 người nhập viện cấp cứu đã gây xôn xao dư luận. Theo chuyên gia nhận định, tính chất của cả 2 vụ việc rất nghiêm trọng, trong đó có thể thấy rõ là người dân vẫn chưa ý thức cũng như chưa lường hết được sự nguy hiểm khi sử dụng rượu, nhất là rượu không bảo đảm chất lượng, không có nguồn gốc. Thậm chí, một số người còn pha rượu với nước ngọt, với cồn rửa tay là vô cùng nguy hiểm.

Bệnh nhân ngộ độc methanol nặng được điều trị tích cực đã diễn tiến tốt hơn (Ảnh: Bệnh viện Nhân dân Gia Định)

Bệnh nhân ngộ độc methanol nặng được điều trị tích cực đã diễn tiến tốt hơn (Ảnh: Bệnh viện Nhân dân Gia Định)

Liên quan đến vụ việc 8 người ngộ độc rượu tại Nhà hàng MrBao Cuisine (số 10A Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B, TP. Thủ Đức), mặc dù không phải là cơ sở sản xuất, cung cấp rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, song qua kiểm tra, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM phát hiện cơ sở này không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; đồng thời sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nhà hàng đã bị xử phạt hơn 26 triệu đồng; buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm vi phạm. Còn riêng với can rượu 5 lít được mua từ tiệm tạp hóa được cất giữ mà 8 nhân viên lấy ra sử dụng, Ban vẫn chờ kết luận chính thức của cơ quan điều tra.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, kẽ hở lớn khiến rượu pha cồn công nghiệp vẫn len lỏi trong đời sống, đó là thông qua các tiệm tạp hóa. Rượu bán ở đây hầu hết không có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ, đựng trong các can nhựa bán theo lít, theo chai không thể kiểm soát. Thực tế, tại hầu hết các quán tạp hóa đều có bán rượu với giá rất rẻ, chỉ từ 15.000 đồng-30.000 đồng/lít. Tuy nhiên, việc kiểm soát những địa điểm kinh doanh này hiện gặp nhiều khó khăn, bởi không thể nào kiểm tra hết toàn bộ tiệm tạp hóa trên địa bàn. Ngành chức năng chỉ truy nguồn gốc, xuất xứ, lấy mẫu kiểm tra với số hàng họ đang bán hoặc đang giao dịch mua bán.

Liên quan đến chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, luật có quy định xử phạt với thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ với mức gấp 1-2 lần tổng giá trị của sản phẩm. Nhưng rượu không có nguồn gốc, xuất xứ rất rẻ, chỉ vài chục ngàn một lít, cho nên mức xử phạt không có tính răn đe.

Mặc dù vậy, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã lên kế hoạch tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đồ uống có cồn trên địa bàn kể từ ngày 15/8. Trong quá trình thanh, kiểm tra, các Đoàn sẽ thực hiện lấy mẫu rượu, bia, đồ uống có cồn để gửi kiểm nghiệm; truy xuất nguồn gốc đối với rượu, bia, đồ uống có cồn không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM nói: "Có 1 thực tế là cơ quan quản lý nhà nước chỉ có thể tuyên truyền cũng như nếu có đi kiểm tra, kiểm soát đa số sẽ tập trung vào các cơ sở sản xuất kinh doanh, tức là những doanh nghiệp, hộ kinh doanh chứ còn mức độ nếu như mua rượu về nhà rồi tự uống với nhau thì cái này đòi hỏi ý thức của người dân rất cao".

Chủ động phòng tránh ngộ độc methanol

Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết, hiện 9 bệnh nhân ngộ độc methanol đang điều trị tại bệnh viện đã có 5 bệnh nhân được xuất viện, 4 bệnh nhân còn lại đã qua cơn nguy kịch đang được tiếp tục điều trị. Cụ thể, vụ 8 người ngộ độc rượu khiến 2 người tử vong, 6 người nhập viện, trong đó có 4 người điều trị tại đây có 3 trường hợp đã xuất viện, 1 trường hợp trước đó tổn thương não nghiêm trọng đã có những diễn tiến tốt. Còn nhóm 5 người khác ở TP.HCM uống rượu pha cồn rửa tay chứa methanol bị ngộ độc đã có 2 người xuất viện, những người còn lại đang được tiếp tục điều trị.

5 bệnh nhân pha cồn rửa tay vào rượu để uống được điều trị tích cực, 2 đã người xuất viện (Ảnh: Bệnh viện Nhân dân Gia Định)

5 bệnh nhân pha cồn rửa tay vào rượu để uống được điều trị tích cực, 2 đã người xuất viện (Ảnh: Bệnh viện Nhân dân Gia Định)

Còn tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cũng tiếp 2 bệnh nhân ngộ độc methanol trong vụ 8 người hiện đều đã xuất viện.

TS.BS Huỳnh Văn Ân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (ICU), Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, rượu methanol là rượu sản xuất có tính chất công nghiệp, không đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp sử dụng pha vào rượu để bán ra thị trường, còn có cả trường hợp tự pha cồn công nghiệp vào rượu để uống.

Bệnh nhân ngộ độc methanol nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời do toan máu nặng suy đa cơ quan, ngưng tim dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Nếu qua cơn nguy kịch cứu được tính mạng thì để lại các biến chứng giảm thị lực, làm mờ mắt.

BS Huỳnh Văn Ân cho biết các dấu hiệu phát hiện sớm người bị ngộ độc methanol: "Một trong những đặc điểm rất dễ nhận ra, đó là khi bệnh nhân uống rượu sau đó có thể say rượu, tuy nhiên sau khi ngừng uống rượu 1 thời gian, có khi cả một ngày mà bệnh nhân rơi vào hôn mê, không biết gì. Đó là những dấu hiệu thông thường dễ nhận ra nhất, nhân viên y tế rất quan tâm. Chúng ta cũng nên quan tâm người thân mình khi có những dấu hiệu như thế".

Các y bác sĩ cũng khuyến cáo người dân hạn chế uống rượu, kể cả rượu ethanol, gây ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe của bản thân và xã hội. Việc hạn chế uống rượu sẽ tránh được những loại rượu không rõ nguồn gốc./.

Kim Dung - CTV Tuyết Ngân/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/kho-kiem-soat-ruou-pha-con-cong-nghiep-post963246.vov
Zalo