Khó duy trì các lớp dạy nghề

Từ năm 2024 đến nay, việc tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TP. Thái Nguyên gặp nhiều trở ngại do thiếu kinh phí hỗ trợ. Lý do là người dân khu vực thành thị không còn thuộc nhóm đối tượng ưu tiên được bố trí nguồn lực đào tạo nghề.

Thành viên Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), chế biến chè xanh đặc sản.

Thành viên Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), chế biến chè xanh đặc sản.

Những năm qua, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN&GDTX) TP. Thái Nguyên đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động đào tạo nghề sát với nhu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao tay nghề và chất lượng lao động khu vực nông thôn. Trung tâm thường xuyên cập nhật, đổi mới danh mục ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp điều kiện địa phương.

Bên cạnh các lĩnh vực may công nghiệp, hàn điện, sửa chữa máy công - nông nghiệp, kỹ thuật xây dựng, Trung tâm còn tập trung đào tạo các nghề nông nghiệp gồm trồng chè, trồng và nhân giống nấm, nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, đan lát thủ công, trồng rau an toàn, trồng hoa, chế biến món ăn, trồng cây có múi…

Trung bình mỗi năm, Trung tâm GDNN&GDTX TP. Thái Nguyên phối hợp với các xã, phường tổ chức được 6-7 lớp học nghề, thu hút trên 200 học viên, trong đó phần lớn là thành viên hợp tác xã, nông dân và người lao động nông thôn có nhu cầu chuyển đổi sinh kế.

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc Trung tâm cho biết: Thực tế cho thấy khi tổ chức các lớp đào tạo nghề, bà con, nhất là thành viên hợp tác xã, rất tích cực tham gia. Việc mở lớp căn cứ vào nhu cầu đăng ký từ cơ sở và sự chỉ đạo từ thành phố.

Từ năm 2024 đến nay, việc tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TP. Thái Nguyên gặp nhiều trở ngại do thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ. Nguyên nhân chủ yếu là do các xã, phường trên địa bàn thành phố không thuộc diện được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới lại không có nguồn kinh phí riêng cho hoạt động đào tạo nghề tại khu vực không thuộc vùng đặc thù. Việc thiếu cơ chế lồng ghép hoặc hỗ trợ phù hợp khiến không thể triển khai thêm các lớp học nghề mới từ đó đến nay, dù nhu cầu từ cơ sở vẫn còn rất lớn.

Việc không thể duy trì các lớp đào tạo nghề khiến nhiều lao động nông thôn thiệt thòi trong việc nâng cao kỹ năng, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu chuyển đổi mô hình sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp ngày càng lớn. Đây là vấn đề cần sự quan tâm chỉ đạo và tháo gỡ từ cấp có thẩm quyền để bảo đảm tính liên tục và hiệu quả của công tác đào tạo nghề, gắn với mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững.

Thu Nga

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-moi/202505/kho-duy-tri-cac-lop-day-nghe-3ea04b2/
Zalo