Khó dung hòa lợi ích các bên trước thực trạng đường không có vỉa hè

Theo ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTCC TP Hồ Chí Minh, tại thành phố có 4.869 tuyến đường có bề rộng từ 5m trở lên, trong đó 2.271 tuyến đường có vỉa hè và trong số này có 929 tuyến có vỉa hè rộng từ 3m trở lên, còn lại đều có vỉa hè dưới 3m. Như vậy tại thành phố có hơn 1/2 số tuyến đường không có vỉa hè; số tuyến đường có vỉa hè còn lại cũng chỉ có 27% chiều dài phần vỉa hè có thể xem xét cho sử dụng tạm một phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông. Lý do, phải đảm bảo nguyên tắc dành tối thiểu 1,5m bề rộng vỉa hè cho người đi bộ.

Từ năm 2008 UBND thành phố đã có quyết định về quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè. Nhưng sau thời gian triển khai thực tế, Sở GTCC, UBND các quận, huyện cùng một số sở, ngành đã ghi nhận còn một số vấn đề tồn tại, chưa được quy định, hướng dẫn. Vai trò phối hợp, tham gia quản lý sử dụng lòng đường, vỉa hè của các sở, ngành chưa được thể hiện đầy đủ. Trách nhiệm quản lý, khai thác bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè của UBND cấp quận, phường cũng chưa được xác định cụ thể.

Ngoài ra chưa đề cập đến một số hoạt động khác diễn ra trên thực tế nhằm bảo đảm TTATGT cho người đi bộ; chưa quy định chi tiết điều kiện hè phố cần có để tổ chức các hoạt động có tính đặc thù của thành phố như trông giữ xe gắn máy, ôtô, mua bán hàng hóa… gây khó khăn cho người tham gia giao thông, nhất là đối với người đi bộ. Việc quản lý, khai thác lòng đường, vỉa hè chưa thực sự hiệu quả dù đã phải “hy sinh” một phần diện tích lòng đường, vỉa hè để phục vụ mục đích khác ngoài giao thông.

Một đoạn vỉa hè bị hoạt động buôn bán chiếm dụng toàn bộ.

Một đoạn vỉa hè bị hoạt động buôn bán chiếm dụng toàn bộ.

Thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố và quyết định do UBND thành phố ban hành năm 2023, Sở GTCC đã xây dựng danh mục các tuyến đường, vị trí đủ điều kiện sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè. Từ đó đến nay chỉ có 10/22 quận, huyện đánh giá kết quả sau 9 tháng thực hiện; 8/22 quận huyện báo cáo tình hình thực hiện công tác này trong 6 tháng đầu năm 2024; chỉ có 9/22 quận, huyện ban hành danh mục lòng đường, vỉa hè trên địa bàn đủ điều kiện sử dụng vào mục đích khác ngoài giao thông và có 6/22 quận, huyện triển khai cấp phép, thu phí theo quy định.

Sau hơn 1 năm triển khai quản lý, thu phí các hoạt động sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè, tổng kinh phí thu về chỉ đạt khoảng 7 tỷ đồng. Trong số này, khoản phí do Sở GTCC thu được là 2,5 tỷ đồng từ hoạt động văn hóa, bố trí nơi đặt xe đạp cho thuê và các điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của các Công ty dịch vụ công ích. Số tiền thu được của 6 quận trung tâm và quận ven đến từ việc cho thuê vỉa hè chủ yếu phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa, trung chuyển phế liệu, phế thải công trình xây dựng.

Việc sử dụng tạm lòng đường, Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong được giao tổ chức trông giữ xe ôtô có thu phí trên 20 tuyến đường ở các quận trung tâm. Nhưng từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2024 đơn vị này chỉ thu được 22 tỷ đồng, lỗ 2,2 tỷ đồng so với khoản chi cho hoạt động thu phí. Như vậy, việc sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè để cho thuê chủ yếu giải quyết nhu cầu trước mắt, còn về hiệu quả số tiền trên không đủ chi phí cho việc duy tu, bảo dưỡng vỉa hè, lòng đường bị xuống cấp do tổ chức các hoạt động khác ngoài giao thông.

Tại một loạt tuyến đường lớn như tuyến quốc lộ 1, đường Phạm Văn Đồng, đường Hiệp Bình ở TP Thủ Đức; đường Phan Văn Trị, Phạm Văn Đồng ở quận Bình Thạnh; đường Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng ở quận Phú Nhận; đường Hà Huy Giáp, Lê Văn Khương ở quận 12… tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, làm dịch vụ vẫn diễn ra tràn lan. Ông Võ Khánh Hưng cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè để kinh doanh theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP không khác nhiều so với Nghị định 100/2019/NĐ-CP nên không đủ sức răn đe.

Hoạt động mua bán hàng hóa trên vỉa hè cũng kéo theo thói quen của nhiều người dân là dừng xe ngay dưới lòng đường để giao dịch, mua, bán gây thêm nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông. Để ngăn chặn tình trạng này, Luật TTATGT đường bộ và Nghị định 165/2024/NĐ-CP đã không quy định, không cho phép sử dụng vỉa hè vào hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa. Đồng thời không phân cấp cho UBND cấp tỉnh được ban hành quy định riêng. Vì vậy, dù Nghị định 165/2024/NĐ-CP đã cho phép mở rộng đối tượng được sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè, nhưng việc cho thuê vỉa hè để kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa theo quy định của TP Hồ Chí Minh sẽ bị cấm. Làm sao để vừa bảo đảm TTATGT, giảm ùn tắc giao thông nhưng vẫn tạo thuận lợi cho người buôn bán, kinh doanh ở nhà mặt tiền đường trong điều kiện đường sá đang quá tải hiện nay là việc không đơn giản với TP Hồ Chí Minh.

Bảo Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/kho-dung-hoa-loi-ich-cac-ben-truoc-thuc-trang-duong-khong-co-via-he-i765056/
Zalo