Kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub): Những lợi ích vượt trội
Để tối ưu nguồn lực, tiết kiệm chi phí, các doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng nên triển khai xây dựng các kho cảng LNG theo mô hình kho cảng trung tâm (LNG Hub) để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện và công nghiệp xung quanh khu vực thay vì xây dựng từng kho cảng riêng biệt gắn với mỗi dự án điện sử dụng LNG.
Trong Danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 có 13 dự án LNG. Theo đó, tới năm 2030 sẽ có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất dự kiến là 83 tỷ kWh. Để đáp ứng khí cho 13 dự án này cần tổng công suất kho chứa có thể cung cấp được 15 – 18 triệu tấn LNG/năm. Trong quá trình triển khai, đa số nhà đầu tư nhà máy điện khí LNG định hướng đầu tư kho cảng nhập LNG riêng lẻ, phân tán theo cấu hình: “1 Trung tâm Điện lực (Nhà máy điện) đi kèm 1 Kho cảng nhập LNG và tái hóa khí”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc này dẫn đến công tác đầu tư các kho cảng LNG bị rời rạc, phân tán nguồn lực xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích tổng thể quốc gia và khả năng chậm tiến độ khi triển khai các dự án kho cảng LNG với số lượng lớn.
Cụ thể, các phân tích cho thấy, việc phát triển riêng lẻ các kho cảng LNG với quy mô công suất nhỏ đi kèm với từng nhà máy điện khí sẽ khó tận dụng được các cơ sở hạ tầng hiện hữu để giảm chi phí đầu tư bổ sung, không tận dụng tối đa lợi thế tự nhiên để hình thành các cụm, trung tâm năng lượng. Trong khi đó nếu xây dựng theo mô hình “kho cảng LNG trung tâm cung cấp cho các trung tâm nhiệt điện vệ tinh” sẽ giúp tối ưu chi phí cho tất cả các khâu, bao gồm: mua nguồn LNG, đầu tư hạ tầng, phân phối và truyển tải, góp phần giảm giá thành sản xuất điện từ nguồn LNG nhập khẩu. Bên cạnh tối ưu về chi phí, mô hình kho cảng LNG trung tâm còn giúp tận dụng tối ưu tài nguyên diện tích cảng biển và mặt nước cho các mục đích khai thác và phát triển kinh tế khác.
Ông Phạm Văn Phong, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho hay, qua nghiên cứu kinh nghiệm thực tế các nước, cơ sở hạ tầng cảng nhập và kho chứa LNG được ưu tiên quy hoạch tập trung tại một số trung tâm có tính tích hợp cao để cung cấp LNG tái hóa cho các cụm nhà máy nhiệt điện bằng các đường ống dẫn khí có kết nối với hệ thống đường ống dẫn khí quốc gia. Mô hình này không chỉ giảm suất đầu tư mà còn mang lại nhiều lợi ích linh hoạt trong vận hành thương mại, hỗ trợ khai thác hạ tầng tối ưu, tiết kiệm chi phí dự trữ nhiên liệu khi so sánh với mô hình một nhà máy điện – một kho cảng LNG.
Việc đầu tư các kho LNG Hub cũng phù hợp với định hướng của Đảng; tại Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 24/4/2024 về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW và một số định hướng cho giai đoạn mới đã chỉ ra 3 giải pháp để thúc đẩy ngành công nghiệp khí thời gian tới, trong đó có định hướng về việc xây dựng các trung tâm năng lượng quốc gia tích hợp khí, LNG – điện, ... quy mô lớn.
Cho đến nay, Việt Nam mới chỉ có duy nhất kho cảng trung tâm LNG Thị Vải 1 triệu tấn/năm của PV GAS đã đưa vào vận hành từ tháng 7/2023 và đang triển khai nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm vào năm 2026 phục vụ cho toàn bộ khu vực Đông Nam Bộ. Ngoài ra, thực hiện định hướng phát triển, PV GAS đang triển khai dự án kho cảng trung tâm LNG Sơn Mỹ tại Bình Thuận với công suất lên đến 6 triệu tấn/năm, phục vụ cho 2 nhà máy điện Sơn Mỹ và khu vực Nam Trung Bộ. Tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, PV GAS cũng đang tích cực tìm kiếm, lựa chọn địa điểm để đầu tư 2 kho cảng LNG trung tâm với công suất mỗi trung tâm 3 triệu tấn/năm. Như vậy, 4 kho cảng LNG trung tâm của PV GAS đã và đang dự kiến triển khai đầu tư với quy mô công suất 15 triệu tấn/năm sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho 13 nhà máy điện LNG theo Quy hoạch Điện 8.
Theo ông Phan Tử Giang, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub) sẽ giúp chia sẻ hạ tầng dùng chung (kho/cảng nhập, đường ống) để tối ưu chi phí đầu tư phát triển hạ tầng nhập khẩu LNG, chi phí vận hành hệ thống, qua đó giảm giá thành phát điện.
Theo tính toán sơ bộ, 1 kho cảng LNG Hub công suất khoảng 4 triệu tấn LNG/năm có tổng mức đầu tư khoảng 2,1 tỷ USD, bao gồm kho và đường ống. Trong khi đó, nếu đầu tư 4 kho LNG riêng biệt (mỗi kho 1 triệu tấn/năm), tổng mức đầu tư khoảng 2,98 tỷ USD cho 4 kho, không có hệ thống đường ống đến các nhà máy điện. Như vậy, nếu đầu tư 4 kho LNG Hub tổng công suất khoảng 16 triệu tấn LNG/năm trên cả nước, chi phí đầu tư khoảng 8,4 tỷ USD. Còn, nếu đầu tư 15 kho LNG riêng biệt cho tổng công suất khoảng 15 triệu tấn LNG/năm, tổng mức đầu tư khoảng 11,2 tỷ USD. Cho thấy, việc xây dựng các kho cảng LNG trung tâm sẽ tiết kiệm đáng kể, khoảng 25% tổng chi phí đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, các thủ tục liên quan đến quy hoạch, đầu tư, xây dựng sẽ tập trung, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Ông Joshua Ngu, Phó Chủ tịch Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Công ty nghiên cứu và tư vấn thị trường năng lượng Wood Mackenzie nhận định, việc hình thành các trạm đầu mối nhập khẩu LNG lớn mang lại nhiều lợi ích và tối ưu chi phí do có cơ sở hạ tầng dùng chung; có cơ hội nhập khẩu những chuyến LNG lớn, giá cả cạnh tranh hơn; không cần xây dựng nhiều cầu cảng; dễ hơn trong quản lý, điều hành. Bên cạnh đó, những hoạt động kinh tế xung quanh kho trung tâm đó sẽ phát triển rất nhanh chóng, vì khí không chỉ là nhiên liệu cho điện mà còn cho nhiều ngành công nghiệp khác, do đó có thể thúc đẩy phát triển cả một khu phức hợp công nghiệp. Và nhờ đó sẽ giúp tăng tính quy mô của nền kinh tế.
Ông Joshua Ngu cho biết thêm, việc thành lập các trạm đầu mối kho cảng LNG là phương cách hiện nay đang được nhiều nước sử dụng, trong đó có thể kể đến các trạm đầu mối lớn ở Thái Lan, Quảng Châu (Trung Quốc),… Xung quanh các trạm đầu mối này đều có những khu công nghiệp rất phát triển và đa dạng các dịch vụ vận tải LNG. Dựa trên điều kiện cụ thể của mình, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm.
Theo ông Hoàng Xuân Quốc, Giám đốc Năng lượng Tập đoàn VinaCapital, Phó trưởng Ban Tư vấn và Phản biện Hội Dầu khí Việt Nam, rất nhiều quốc gia ưu tiên làm các kho LNG trung tâm, như Thái Lan đã có 2 kho cảng LNG lớn (Map Ta Put: 5 triệu tấn/năm; Nong Fab: 7,5 triệu tấn/năm) với tổng dung tích trên 12 triệu tấn LNG/năm. Xung quanh khu vực các kho cảng LNG, các hoạt động mua bán LNG, công nghiệp phát triển rất sôi động.
Với những ưu điểm, lợi ích mang lại trên nhiều mặt, các doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, việc ưu tiên đầu tư xây dựng các kho cảng LNG trung tâm cần được thể chế hóa, đưa vào Luật Điện lực (sửa đổi), tạo điều kiện hình thành các kho cảng LNG Hub đáp ứng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy điện LNG theo các mục tiêu quy hoạch năng lượng quốc gia, cũng như tăng hiệu quả đầu tư, giảm giá thành phát điện.