'Kho báu' khoáng sản của Ukraine có gì, tại sao lọt tầm ngắm của ông Trump?

Những mỏ lithium, titanium và các nguyên tố đất hiếm như gali với trữ lượng khổng lồ vẫn chưa được Ukraine khai thác triệt để.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Financial Times.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Financial Times.

Đề xuất "khoáng sản đổi viện trợ" của Tổng thống Mỹ Donald Trump dành cho Ukraine tuần trước đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ và hiếm có của nước này, thứ mà Washington muốn giành quyền khai thác như một hình thức đền đáp cho khoản viện trợ quân sự của họ.

Ukraine sở hữu các mỏ khoáng sản có giá trị lên tới 11,5 nghìn tỷ USD, bao gồm lithium, graphite, cobalt, titanium và đất hiếm như gallium. Đây là những nguyên liệu quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, từ quốc phòng đến xe điện. Tuy nhiên, các mỏ này vẫn chưa được thăm dò và phát triển một cách bài bản. Ngoài ra, dữ liệu về chất lượng trữ lượng vẫn còn thiếu, khiến các nhà đầu tư e dè khi rót vốn vào các dự án khai khoáng mới.

Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Trump nhắm đến các nguồn tài nguyên chiến lược. Trước đó, ông từng tìm cách mua đảo Greenland – vùng lãnh thổ giàu khoáng sản quan trọng. Hiện nay, phương Tây đang chạy đua để tìm nguồn cung đất hiếm thay thế Trung Quốc, quốc gia chiếm ưu thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ukraine có những loại khoáng sản nào?

Theo số liệu chính phủ, khoảng 10% trữ lượng lithium toàn cầu – nguyên liệu quan trọng để sản xuất pin – nằm dưới lòng đất ở Ukraine. Các mỏ này trải rộng trên diện tích khoảng 820 km2, nhưng chưa một mỏ nào được khai thác.

Trong nhóm đất hiếm, Ukraine có trữ lượng zirconium đáng kể – kim loại dùng trong động cơ phản lực – cùng scandium, nhưng chưa khai thác. Một số mỏ tantalum (dùng trong sản xuất chất bán dẫn), niobium (vật liệu siêu dẫn) và beryllium (kim loại quan trọng trong ngành hàng không vũ trụ) đang được khai thác với quy mô nhỏ, nhưng tiềm năng của chúng, theo giới chức Ukraine, là rất lớn.

 Dãy núi Donets ở miền đông Ukraine do Nga kiểm soát có trữ lượng khoáng sản quan trọng có giá trị. Ảnh: Getty.

Dãy núi Donets ở miền đông Ukraine do Nga kiểm soát có trữ lượng khoáng sản quan trọng có giá trị. Ảnh: Getty.

Ukraine cũng nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới về trữ lượng titanium – kim loại không thể thiếu trong chế tạo tên lửa, máy bay và tàu chiến. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10% trữ lượng đã được khai thác.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal gần đây tuyên bố Ukraine có thể thay thế nguồn cung titanium từ Nga cho châu Âu. Nhưng theo Roman Opimakh, cựu Giám đốc Cơ quan Địa chất Ukraine, vẫn chưa có đánh giá mới nào về trữ lượng đất hiếm của nước này, khi phần lớn dữ liệu vẫn dựa trên các nghiên cứu từ thời Liên Xô.

"Những tuyên bố này mang nhiều yếu tố chính trị hơn là thực tế. Dữ liệu chưa được cập nhật, và thông tin về những gì thực sự có dưới lòng đất vẫn rất hạn chế", Gracelin Baskaran, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ, nhận định.

Tài nguyên nằm ở đâu?

Cơ quan địa chất Ukraine cho biết chính phủ đang chuẩn bị cấp phép khai thác cho khoảng 100 khu mỏ, nhưng chưa tiết lộ chi tiết.

Các mỏ khoáng sản của Ukraine phân bố trên khắp lãnh thổ nước này, nhưng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022, khoảng 20% trữ lượng nằm trong các khu vực do Nga kiểm soát, theo ước tính của Kiev.

Năm 2021, công ty Critical Metals Corp của Australia đã mua giấy phép khai thác 2 mỏ lithium lớn nhất Ukraine, chỉ 3 tháng trước khi chiến sự nổ ra. Một trong số đó, mỏ Shevchenko nằm ở miền Đông, hiện đã nằm dưới sự kiểm soát Nga.

"Chúng tôi sẽ không bao giờ lấy lại được mỏ đó nữa", Chủ tịch công ty, Tony Sage, chia sẻ với Financial Times. Tuy nhiên, mỏ Dobra ở miền Tây vẫn được coi là "viên ngọc quý" của họ.

Tham vọng của Mỹ

Trong một tuyên bố vào tuần trước, ông Trump nói rằng Mỹ có quyền đòi 500 tỷ USD từ tài nguyên của Ukraine – từ khoáng sản, dầu khí đến hạ tầng như cảng biển – để đổi lấy viện trợ quân sự của họ.

Con số này cao hơn rất nhiều so với tổng viện trợ quân sự 69,2 tỷ USD mà Washington đã cung cấp từ năm 2014, theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã bác bỏ đề xuất này, nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến tài nguyên khoáng sản cũng phải đi kèm cam kết đảm bảo an ninh lâu dài từ Mỹ. Ông cũng mong muốn EU cùng các nước như Anh và Canada tham gia vào quá trình khai thác tài nguyên trong tương lai.

Những rào cản nào đối với việc khai thác?

Các nhà đầu tư và chuyên gia cảnh báo rằng việc phát triển nhanh chóng các dự án khai khoáng tại Ukraine là vô cùng khó khăn do bộ máy hành chính phức tạp, quy định nhà nước rối rắm, dữ liệu địa chất hạn chế và khó khăn trong việc đảm bảo quyền sử dụng đất.

Các cuộc tấn công liên tục của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng cũng khiến nhiều mỏ phải chuyển sang chạy máy phát điện, làm gia tăng chi phí khai thác và vận chuyển kim loại.

 Tàn tích của nhà máy nhiệt điện sau vụ tấn công tên lửa ở tỉnh Kiev tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Getty.

Tàn tích của nhà máy nhiệt điện sau vụ tấn công tên lửa ở tỉnh Kiev tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Getty.

"Ukraine có tiềm năng khoáng sản lớn, với ngành công nghiệp thép và hợp kim ferô đã có sẵn, nhưng tương lai của ngành khai khoáng vẫn rất bất định", Jack Bedder, người sáng lập tập đoàn nghiên cứu thị trường Project Blue, nhận định. "Điều này không có lợi cho việc thu hút đầu tư vào các dự án mất hàng thập kỷ để triển khai".

Công ty Ferrexpo (Thụy Sĩ) – một tập đoàn lớn về khai thác quặng sắt tại Ukraine – đã phải đầu tư đáng kể để duy trì hoạt động trong bối cảnh sản xuất gặp khó khăn. Trong khi đó, Volt Resources (Australia) đã phải tạm dừng khai thác graphite tại mỏ Zavalievsky vào cuối năm ngoái do điều kiện bất lợi.

Ông Zelensky có mắc sai lầm trong cách tiếp cận ông Trump?

Ông Zelensky từng đề xuất trao quyền khai thác tài nguyên cho doanh nghiệp Mỹ như một phần của "kế hoạch hòa bình" mà ông gửi ông Trump vào năm ngoái. Tuy nhiên, theo một số quan chức châu Âu và Ukraine, ông có thể đã phạm sai lầm chiến lược khi không nêu rõ giá trị tổng thể hoặc điều kiện cụ thể.

"Rõ ràng đề xuất này nhằm thu hút ông Trump, nhưng do thiếu chi tiết, ông ta có thể tự mình đặt giá", một quan chức cấp cao châu Âu tiết lộ. Một quan chức Ukraine khác thừa nhận ông Zelensky "lẽ ra phải khẳng định rõ ràng" rằng tài nguyên này gắn liền với đảm bảo an ninh từ Mỹ.

Hiện tại, đội ngũ của ông Zelensky đang gấp rút xây dựng một đề xuất hấp dẫn hơn. Trong khi đó, các đồng minh châu Âu lại tỏ ra phẫn nộ trước đề nghị của ông Trump, khi các quan chức tại Hội nghị An ninh Munich vào cuối tuần qua so sánh nó với "chiến thuật tống tiền kiểu mafia", "lãi suất cắt cổ" và "chủ nghĩa thực dân".

Nhật Anh

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/kho-bau-khoang-san-cua-ukraine-co-gi-tai-sao-lot-tam-ngam-cua-ong-trump-post182872.html
Zalo