Khám phá đỉnh Tây Côn Lĩnh - nơi đẹp cả 4 mùa
Tây Côn Lĩnh với vẻ đẹp hoang sơ của những khu rừng cổ thụ đầy rêu xanh, rừng thảo quả, đào, lê và thảm thực vật đẹp hiếm có. Tùy theo mùa trong năm, cánh rừng được mẹ thiên nhiên thay những tấm áo mới có khi là màu xanh của rêu, của chồi non, cũng có khi là màu hồng bất tận của bạt ngàn hoa đỗ quyên nở rộ mê mẩn lòng người.
Nơi “đẹp cả 4 mùa”
Được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Bắc”, đỉnh Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) có độ cao 2.428m với diện tích hơn 15.012ha thảm thực vật phong phú đa dạng, những cánh rừng nguyên sinh, rừng trà Shan tuyết cổ thụ trăm năm tuổi, rừng thảo quả hay đặc biệt nhất là nơi có loài hoa đỗ quyên khoe sắc thắm giữa núi non đại ngàn là điểm nhấn thu hút bất kỳ du khách nào khi đến đây khám phá.
Bốn mùa ở nơi đây, mùa nào cũng đẹp. Mỗi mùa có một màu sắc riêng, một trải nghiệm riêng mà có lẽ chỉ khi bạn có mặt vào thời khắc này và chính nơi này mới cảm nhận đủ hết giá trị của nó. Tôi may mắn có dịp chinh phục sườn Tây Côn Lĩnh và trải nghiệm thiên nhiên nơi đây vào mùa thu, đúng mùa lúa chín.
Điểm dừng chân của chúng tôi là thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến - một trong những xã thuộc huyện Vị Xuyên nằm dưới chân núi Tây Côn Lĩnh, cách TP Hà Giang hơn 20 km, đây cũng là nơi có nhiều đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Những năm gần đây, ngôi làng nhỏ này đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút hàng vạn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, thiên nhiên hùng vĩ, độc đáo.
Tương Văn Thành (26 tuổi) - người đồng bào dân tộc Dao tại thôn Xà Phìn - một trong những porter chuyên hướng dẫn khách du lịch leo cung Tây Côn Lĩnh, cũng là người hướng dẫn nhóm chúng tôi leo núi ngày hôm đó, cho hay anh là một người con sinh ra và lớn lên bên sườn Tây Côn Lĩnh, từ nhỏ anh đã quá quen thuộc với từng lối mòn, từng gốc cây, vách núi nơi này...
Khi du lịch trải nghiệm phát triển, nhiều bản làng trên địa bàn huyện Vị Xuyên trở thành điểm đến của rất nhiều bạn trẻ từ Hà Nội, các tỉnh khác và cả du khách nước ngoài để trải nghiệm, khám phá.
Cũng nhờ làm du lịch, cuộc sống người Dao nơi đây đã có nhiều thay đổi. Những lúc không làm ruộng nương, hái chè, trồng thảo quả, người dân trở thành những hướng dẫn viên không chuyên giúp du khách, nhờ đó có thêm thu nhập cùng nhiều trải nghiệm thú vị.
Theo anh Thành, cung Tây Côn Lĩnh rất đẹp. Dọc hành trình, du khách sẽ đi qua những cánh rừng già với nhiều cây cổ thụ tự nhiên, rừng rêu, rừng trúc cây to, rừng trúc nhỏ,...
Càng lên gần tới đỉnh Tây Côn Lĩnh, cảnh vật lại càng trở lên hoang sơ hùng vĩ, những cây cổ thụ to lớn, phủ đầy rêu phong vươn mình lên cao chót vót, sừng sững và hiên ngang như những cánh tay người khổng lồ.
Thời điểm đẹp nhất để chinh phục Tây Côn Lĩnh là từ mùa thu khoảng tháng 9 hàng năm đến mùa xuân năm sau. Đặc biệt, vào thời điểm khoảng tháng 2-3-4 là mùa hoa đỗ quyên nở rộ, khi đó cả cánh rừng trải dải là màu hồng rực rỡ của hoa đỗ quyên.
“Tuy cung đường này không phải top 10 đỉnh cao của Việt Nam, nhưng là cao nhất ở Đông Bắc, mọi người gọi đỉnh này là "nóc nhà Đông Bắc". Nhiều khách sau khi trải nghiệm đã đánh giá rất cao, rừng có nhiều cảnh ma mị ấn tượng bởi những thảm rêu ranh, cây cổ thụ,... vẫn còn nguyên sơ” – anh Thành chia sẻ.
Theo chàng trai này, cung Tây Côn Lĩnh sẽ leo khoảng 5km nhưng vì là chặng đường có độ dốc cao, nhiệt độ chân núi và trên đỉnh núi chênh lệch nhiều nên những người không đủ sức khỏe không nên leo.
Những “báu vật” của rừng già
Đến với Vị Xuyên, ngoài khám phá chinh phục đỉnh núi, nhiều bạn trẻ cũng có thể lựa chọn trải nghiệm văn hóa – con người nơi đây, khám phá những thửa ruộng bậc thang, rừng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, những mái nhà rêu ẩn hiện dưới mây và sương mù đẹp đến nao lòng người của bản người Dao ẩn mình dưới chân núi Tây Côn Lĩnh.
Với đặc thù địa hình núi cao, khí hậu mát mẻ quanh năm, sương mù và độ ẩm đặc trưng tạo nên những lớp rêu xanh trên mái nhà sàn lợp lá cọ. Vào mùa nước đổ hoặc lúa chín, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ruộng bậc thang và những ngôi nhà mái rêu xanh mướt mắt vừa cổ kính vừa thanh bình, một nét đẹp riêng chỉ có ở nơi này.
Ông Đặng Văn Háu (60 tuổi), trưởng thôn Xà Phìn chia sẻ, do độ ẩm cao, mùa đông rất lạnh nên trên mái nhà của người Dao là các lớp lá cọ sẽ có rêu phủ. Thông thường, rêu mọc nhiều từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, cứ sau 15 ngày, rêu lụi rồi mọc lại lớp mới xanh tốt. Nhà lợp lá cọ sẽ ấm hơn về mùa đông và mát về mùa hè.
Có những ngôi nhà đã tồn tại qua cả mấy thế hệ, cột nhà đã mốc sờn màu của tháng năm, trên mái nhà rêu mọc rất nhiều, những lớp rêu dày đến tận 10cm, thi thoảng xuất hiện cả những cây dương xỉ xanh tốt.
Đặc biệt, theo vị trưởng thôn Xà Phìn, hiện ông và nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn huyện đang sở hữu hàng trăm cây chè cổ thụ từ đời ông đời cha để lại với tuổi đời lên tới 200-300 năm. Trong đó, có nhiều cây chè “cụ” với đường kính tới 40 – 50cm cho thu hái hàng tháng với giá trị tới cả triệu đồng mỗi kg.
Ông Đặng Quốc Sử, Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Hà Giang cho biết, Vị Xuyên có lợi thế khi nằm trên dãy Tây Côn Lĩnh, được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho hệ sinh thái rừng đa dạng, phong phú, nhất là có rừng trà cổ thụ hàng trăm năm tuổi, và thuận lợi trồng cây thảo quả. Cùng với khai thác tiềm năng lợi thế phát triển du lịch Tây Côn Lĩnh, cấp ủy và chính quyền địa phương cũng phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong việc bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái dãy Tây Côn Lĩnh, tuyên truyền quán triệt nhân dân cần bảo vệ rừng, tuân thủ nghiêm các quy định khi dẫn khách khám phá Tây Côn Lĩnh, hạn chế lượng khách tham quan, không xả rác, đốt lửa, tác động tới hệ sinh thái rừng...
Nhờ làm du lịch, cuộc sống người Dao ở Vị Xuyên đã có nhiều thay đổi. Những lúc không làm ruộng nương, hái chè, trồng thảo quả, người dân trở thành những hướng dẫn viên không chuyên giúp du khách có thêm trải nghiệm thú vị và ấn tượng.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh có diện tích 15.012 ha, bao gồm 10 xã thuộc 3 huyện, thành phố: Lao Chải, Xín Chải, Thanh Thủy, Phương Tiến, Cao Bồ, Quảng Ngần, Thượng Sơn (Vị Xuyên); Phương Độ, Phương Thiện (TP Hà Giang) và Túng Sán (Hoàng Su Phì).
Theo thống kê của ngành chức năng, nơi đây có 796 loài thực vật đã được ghi nhận, trong đó 54 loài thực vật quý hiếm, chiếm 7% tổng số loài. Trong số này, có 49 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Khu bảo tồn còn có 213 loài động vật được ghi nhận, trong đó có 36 loài quý hiếm.
Do địa hình hiểm trở, nên Khu bảo tồn còn giữ được những vùng rừng nguyên sinh. Những cánh rừng này đang được lực lượng chức năng, chính quyền địa phương bảo vệ nghiêm ngặt.