Khi 'Yang Pah' che mờ lý trí- lời cảnh tỉnh từ men say
Lúc vò rượu vơi dần, men say cùng lời qua tiếng lại và những hành động khiêu khích đã đẩy mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, xé toạc tình thân và lý trí. Để rồi, trong chớp nhoáng, đẩy một người vào cõi chết, một người mang thương tích, còn kẻ gây án phải trả giá bằng những tháng năm dài sau song sắt.
Câu chuyện đau lòng khởi nguồn từ một cuộc nhậu vào khoảng 15 giờ ngày 17/11/2024, Y Yôp Byă (SN 1994, trú thôn 2A, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) cùng một nhóm bạn, trong đó có Y Nin Ayăn (SN 1998) và Y Nim Ayăn (SN 1991, anh ruột của Y Nin) tụ tập tại nhà mẹ vợ của Y Nin. Tiếng cười, tiếng nói, rồi dần dà là hơi men và những lời lẽ thiếu chừng mực, vô tình trở thành mồi lửa cho cơn thịnh nộ chực chờ bùng phát.

Bi kịch ấy đã và sẽ mãi là vết hằn không thể xóa nhòa trong tâm trí hai gia đình và cả cộng đồng người Ê Đê.
Đến khoảng 20 giờ 30 phút cùng ngày, rượu đã ngấm, những câu nói trở nên nặng nề, khó nghe. Bực tức trước lời lẽ của Y Nin, Y Yôp Byă quyết định bỏ về. Thế nhưng, ngọn lửa giận trong lòng Y Yôp vẫn âm ỉ cháy. Khi Y Yôp hỏi Y Nin: “Lúc nãy em giận anh hả?”, thay vì một lời giải thích hay xoa dịu, Y Nin lại ưỡn ngực, có hành động chạm vào người Y Yôp. Chính khoảnh khắc đó đã trở thành ngòi nổ cho một bi kịch không thể vãn hồi.
Thấy tình hình căng thẳng, Y Yot vội kéo Y Yôp ra, dắt xe mô tô ra ngoài đường, mong xoa dịu tình hình. Nhưng Y Nin vẫn tiếp tục tiến đến, dùng tay đánh vào mặt Y Yôp, lập tức Y Nin bị Y Yôp đánh trả. Chứng kiến em trai bị đánh, Y Nim không ngần ngại vồ lấy ống kim loại, đánh liên tiếp vào đầu Y Yôp.
Cuộc hỗn chiến tiếp diễn trong bóng tối và hơi men. Sau thoáng lùi lại, Y Nin chạy vào nhà lấy hung khí mặc cho mẹ vợ can ngăn trong vô vọng. Chàng thanh niên quay lại, hung hăng lao vào Y Yôp. Nhưng lần này, Y Yôp đã rút con dao mang theo từ trước (dùng để làm đồ ăn), đâm liên tiếp 4 nhát vào vùng ngực và mông Y Nin. Bị thương, Y Nin bỏ chạy ra sau vườn rồi gục ngã...
Thấy Y Nin bị đâm, Y Nim vẫn không dừng lại mà tiếp tục dùng ống kim loại đánh tới tấp vào đầu và lưng Y Yôp. Trong cơn hoảng loạn, đau đớn và có lẽ là cả sự tự vệ, Y Yôp quay người lại, dùng chính con dao đó đâm liên tiếp 12 nhát vào người Y Nim. Y Nim cũng bỏ chạy rồi gục xuống, tử vong tại chỗ.
Tại phiên tòa xét xử, Thẩm phán Y Phi Kbuôr, chủ tọa phiên tòa khẽ thở dài, giọng trầm ngâm: "Bị cáo có biết, theo quan niệm của người Ê Đê mình, mang dao theo người mà không phải vào rừng, không phải đi làm rẫy, đó đã là một điềm gở, cái mà mình hay gọi là “Yang pah” – là điềm xấu." Lời của vị chủ tọa không chỉ mang trọng trách của người thực thi công lý, mà còn chất chứa nỗi niềm, sự xót xa cho những giá trị văn hóa đang bị thử thách trong cộng đồng.
Y Yôp nghe và chỉ biết cúi gằm mặt, không một lời chối cãi hay phân bua. Từ những ngày đầu ở cơ quan điều tra cho đến bục khai báo tại phiên tòa, bị cáo nhận lãnh toàn bộ tội lỗi, như thể muốn trút bỏ gánh nặng đang đè nén trái tim. Dù bản thân cũng mang thương tích 7% từ cuộc ẩu đả, Y Yôp không hề kêu ca hay yêu cầu truy cứu trách nhiệm đối với ai. Bởi lẽ, trong sâu thẳm tâm can, nỗi giày vò vì đã cướp đi một sinh mạng còn lớn hơn bất cứ nỗi đau thể xác nào khác và có lẽ, lớn hơn cả bản án mà bị cáo sắp phải đối mặt.
Khi được nói lời sau cùng, Y Yôp quay người lại, cúi thấp đầu, bằng tiếng đồng bào mình nói: "Giờ đây, nói gì cũng đều đã quá muộn…" giọng bị cáo vỡ vụn, "cho cháu xin lỗi, mong gia đình Y Nim bỏ qua cho cháu…". Đó là lời hối lỗi muộn màng, sự sám hối chân thành cho nỗi đau khôn nguôi mà bị cáo đã gây ra.
Giữa không khí trĩu nặng của phiên tòa, ông Y Diăc Niê, cha của bị cáo Y Yôp, với dáng hình khắc khổ, giọng run rẩy nói: "Tôi xin lỗi gia đình bị hại… lỗi do tôi không dạy bảo con mình đến nơi đến chốn…". Lời xin lỗi ấy không chỉ là nỗi đau của một người cha, mà còn là tiếng thở dài của cả một dòng họ, một cộng đồng, nơi luật tục Ê Đê luôn đề cao trách nhiệm giáo dục của bậc sinh thành – một nét văn hóa đáng trân trọng.

Tại phiên tòa, bị cáo nhận toàn bộ tội lỗi mà mình đã gây ra.
HĐXX TAND tỉnh Đắk Lắk nhận định, hành vi của bị cáo Y Yôp Byă là đặc biệt nghiêm trọng, tước đoạt mạng sống của người khác, ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại địa phương và đi ngược lại những chuẩn mực tốt đẹp của luật tục người Ê Đê. Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên phạt Y Yôp Byă 17 năm tù về tội “Giết người”.
Nhưng bản án 17 năm tù chưa phải là gánh nặng duy nhất. Bị cáo còn phải bồi thường cho gia đình bị hại gần 900 triệu đồng, một con số không tưởng đối với gia đình thuần nông. Hoàn cảnh gia đình Y Yôp vốn đã éo le: Cha già yếu, mẹ nằm liệt giường, vợ cũng không còn chung sống. Giờ đây, bản án tù giam cùng khoản bồi thường khổng lồ đã đẩy cuộc đời Y Yôp và những người thân của bị cáo vào chuỗi ngày tăm tối, bế tắc, bi kịch nối tiếp bi kịch.
Phiên tòa khép lại, nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Một bên là gia đình mất đi người con, một bên mang thân tù tội, đối diện với những tháng ngày dài đằng đẵng sau song sắt và sự dằn vặt của lương tâm. Dù bị cáo có bị kích động mạnh do bị tấn công trước, nhưng trước pháp luật, hành vi tước đoạt mạng sống người khác buộc phải trả giá. Vụ án là một lời cảnh tỉnh sâu sắc về sự thiếu kiềm chế khi rượu vào lời ra, một bài học cay đắng để những bi kịch tương tự không còn lặp lại, để những vết sẹo đau thương không tiếp tục khắc sâu trong cộng đồng người Ê Đê.