Xử lý thực phẩm và thuốc giả, không 'đánh trống bỏ dùi'

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, thảo luận tổ liên quan đến một số dự án luật, trong đó có Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), khi đề cập đến thực trạng chỉ trong một thời gian ngắn, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện, xử phạt, thậm chí khởi tố hình sự các vụ việc liên quan đến buôn bán hàng giả, thuốc giả, quảng cáo vượt quá công dụng của sản phẩm hàng hóa, nhiều đại biểu cho rằng cần thiết phải xử phạt thật nghiêm. Bởi hàng giả, nhất là thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm giả..., cũng nguy hiểm như hành vi giết người.

Quả thật, người tiêu dùng Việt Nam đang phải sống trong cảm giác bất an thường trực khi tình trạng thuốc giả, thực phẩm giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng lan tràn ngoài thị trường. Những mặt hàng vốn gắn liền với sức khỏe, thậm chí là sinh mạng con người, lại đang bị làm giả, làm nhái tinh vi, thiếu kiểm soát, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Đáng buồn là những sản phẩm này còn được tiếp tay bởi những người nổi tiếng trong xã hội, “ngụy trang” khéo léo để dễ dàng qua mặt người tiêu dùng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thì có nhiều, song phải kể đến sự lỏng lẻo trong khâu quản lý thị trường và giám sát chất lượng. Hệ thống kiểm tra, kiểm nghiệm sản phẩm hiện còn chậm, lực lượng quản lý thị trường mỏng, trong khi mạng lưới phân phối hàng hóa lại quá rộng và phức tạp. Internet, đặc biệt là mạng xã hội, đã trở thành kênh mua bán thuốc, thực phẩm chức năng mà không bị kiểm soát. Người tiêu dùng dễ dàng bị mê hoặc bởi những lời quảng cáo “có cánh”, thiếu kiến thức về sản phẩm nên dễ rơi vào bẫy.

Để khắc phục triệt để vấn nạn này, cần có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh với chế tài xử lý đủ mạnh nhằm ngăn chặn và răn đe hiệu quả. Việc Quốc hội đang thảo luận để đi đến sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm tăng mức xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán, quảng cáo thực phẩm giả, bao gồm cả hình sự hóa hành vi này nếu cần thiết, đang rất được người dân quan tâm. Những vụ khởi tố, bắt tạm giam các cá nhân có hành vi làm hàng giả, lừa dối khách hàng thời gian gần đây đã cho thấy pháp luật đang được thực thi một cách nghiêm minh, không “đánh trống bỏ dùi”.

Về phía người tiêu dùng, cần nâng cao nhận thức trong việc lựa chọn sản phẩm, nói “không” với hàng hóa không rõ nguồn gốc, giá rẻ bất thường hoặc quảng cáo quá mức. Song song đó, cần có chính sách hỗ trợ và tôn vinh các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chân chính - những người đang ngày ngày nỗ lực cung cấp sản phẩm an toàn cho xã hội.

Chỉ khi người làm ăn chân chính được bảo vệ, môi trường kinh doanh lành mạnh được thiết lập thì niềm tin của người tiêu dùng mới được củng cố.

Nguyễn Phượng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202505/xu-ly-thuc-pham-va-thuoc-gia-khong-danh-trong-bo-dui-e8a0268/
Zalo