Khi vàng trở thành gánh nặng

Những câu chuyện mừng vàng ngày cưới hay vay vàng, trả vàng khi giá vàng vẫn cao khiến nhiều người không khỏi đau đầu không bởi gánh nặng tài chính mà còn vì mối quan hệ, tình nghĩa giữa đôi bên.

"Tiền có thể mất giá nhưng vàng vẫn là vàng"

Tặng vàng trong lễ cưới từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa, thể hiện tấm lòng của hai bên gia đình dành cho cặp đôi trẻ. Tuy nhiên, khi giá vàng tăng cao, việc "mừng cưới bằng vàng" lại trở thành nỗi lo lớn, không chỉ là vấn đề tình cảm, mà còn là bài toán kinh tế khiến nhiều người không khỏi đau đầu.

Chị Hải Anh (Đống Đa, Hà Nội) có bạn thân chuẩn bị cưới vào cuối năm nay bày tỏ băn khoăn: "Trước đây, tôi và bạn thân đã hứa với nhau rằng khi một trong hai cưới, sẽ mừng 1 chỉ vàng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi giá vàng đang tăng cao, tôi thực sự cảm thấy lo lắng và đắn đo bởi mua 1 chỉ vàng cũng tiêu tốn gần hết tháng lương của tôi.

Tôi không muốn thất hứa với bạn, dù sao thì món quà đó không chỉ là giá trị vật chất mà còn chứa đựng tình cảm, nhưng tôi cũng không muốn mình rơi vào tình trạng căng thẳng tài chính chỉ vì một món quà."

Mừng vàng cưới đang trở thành áp lực với nhiều người.

Mừng vàng cưới đang trở thành áp lực với nhiều người.

Còn với bà Đặng Thu Hà (Hoàng Mai, Hà Nội), ngày trước con gái cưới chồng, gia đình anh chị bà đã mừng đến 3 chỉ vàng. "Khi đó giá vàng chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/chỉ. Lúc ấy, tôi thấy việc tặng vàng là điều bình thường, không có gì phải lo lắng.

Nhưng giờ đây, người cháu của tôi chuẩn bị kết hôn, tôi dự tính cũng sẽ mừng ít nhất 3 chỉ vàng giống như trước, nhưng giá vàng hiện tại đã gấp đôi trước, khiến tôi cảm thấy rất lo lắng".

Trao đổi với Người Đưa Tin về việc mừng vàng, trả vàng trong ngày cưới, PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhìn nhận, thông thường trong đám cưới, chỉ có những người người rất thân thiết mới sử dụng vàng để mừng, bởi vàng là hiện vật có giá trị lớn.

Người Việt Nam vẫn quan niệm "Có ăn có trả", nếu ngày trước được mừng vàng thì cũng nên đáp lễ lại như vậy. Tiền nong có thể biến đổi nhưng vàng vẫn là vàng.

Ngày trước, các cụ quan niệm rất khắt khe về việc này. Nếu không đáp lễ được như họ đã từng mừng gia đình thì đó là những người không biết ứng xử, "ăn mật trả gừng", hưởng ngọt nhưng lại trả cho đời đắng cay.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Tuy nhiên hiện nay, nếu như quan niệm thoáng hơn, xét về góc độ tình nghĩa, ngày trước người thân chúc mừng con cháu họ hàng bằng vàng nhưng hiện nhiều gia đình không có điều kiện để đáp lễ như cũ thì cũng phải thông cảm. Không nên so đo từng li từng tí, đánh mất tình cảm.

"Theo quan điểm cá nhân, nếu có điều kiện tốt thì nên đáp lễ như cũ, thể hiện tình nghĩa, không nên vì thiệt thòi vài ba triệu mà băn khoăn suy nghĩ mất đi tình cảm. Còn nếu không có thì cũng nên vận dụng tài để mừng sao cho phù hợp hài hòa, tránh rạn nứt", ông Trung nói.

Bị động vì vay nợ vàng

Nếu chuyện mượn vàng trả vàng ngày cưới vẫn nằm ở lựa chọn của người mừng. Thì trong câu chuyện vay vàng, người nợ gần như ở thế bị động.

Cách đây khoảng 3 năm, anh Nam (Sóc Sơn, Hà Nội) có vay người quen 2 cây vàng để sửa sang lại nhà.

"Khi đó, giá vàng chỉ ở mức 60 triệu đồng/lượng, tôi cần tiền gấp mà vay ngân hàng thì mất nhiều thời gian và thủ tục nên tôi nghĩ vay vàng sẽ nhẹ nhàng và dễ trả hơn.

Tuy nhiên đến đầu năm nay, khi giá vàng liên tục tăng cao, người quen của tôi thấy vậy nên đòi gấp. Gia đình tôi lúc đó không có sẵn vàng, tìm mua khắp nơi thì không có nên lại phải vay của người này trả cho người kia. Gia đình tôi chuyển từ cái khó này sang cái khó khác, món nợ này vừa xong thì lại đến món nợ khác", anh Nam ngậm ngùi.

Anh Vinh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, thời điểm giữa năm 2023, anh có vay 20 cây vàng để mua ô tô, khi đó giá vàng mới chỉ ở quanh mức 67 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên đến cuối năm, giá vàng liên tục tăng cao, có thời điểm lên đến gần 80 triệu đồng/lượng khiến anh không khỏi choáng váng vì khoản tiền phải trả đã cao hơn rất nhiều so với kế hoạch ban đầu.

"Thời điểm đó, tôi có thể trả bằng tiền mặt. Tuy nhiên người quen lại muốn trả bằng vàng để giữ giá trị. Tôi phải chạy vạy khắp nơi để trả nợ vì sợ giá vàng có thể tăng tiếp".

Theo Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm, Bộ luật Dân sự 2015 quy định, khi vay tài sản là vật, người vay có nghĩa vụ trả lại đúng vật cùng loại, đúng số lượng và chất lượng, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

Điều này có nghĩa là nếu hai bên không có thỏa thuận khác, người vay phải trả lại số lượng vàng đã vay, không có quyền chọn trả theo giá trị quy đổi ra tiền tại thời điểm vay hoặc trả.

Trường hợp có thỏa thuận rõ ràng giữa hai bên rằng khi trả nợ sẽ quy đổi ra tiền, thì pháp luật cũng tôn trọng và công nhận sự thỏa thuận này. Pháp luật về dân sự ưu tiên sự tự do, tự nguyện và thỏa thuận của các bên trong các giao dịch. Vậy nên, nếu vay vàng nhưng cả hai bên thống nhất trả bằng tiền, họ hoàn toàn có thể thực hiện nghĩa vụ đó mà vẫn đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch công ty TAT Law Firm.

Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch công ty TAT Law Firm.

Ông Tú cho rằng, để đảm bảo quyền lợi và tránh tranh chấp khi vay mượn vàng, các bên nên lập hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận rõ ràng khi thực hiện giao dịch vay vàng. Văn bản cần quy định cụ thể về số lượng vàng vay, thời hạn trả, cách trả, và đặc biệt là phương thức xử lý khi giá vàng biến động mạnh.

Trong trường hợp có sự biến động lớn về giá, việc có hợp đồng chặt chẽ sẽ là cơ sở để các bên tuân thủ và giải quyết khi có vấn đề phát sinh.

Việc vay và trả vàng là một giao dịch truyền thống và hợp pháp ở Việt Nam, nhưng cần có sự thỏa thuận rõ ràng từ đầu để tránh rủi ro pháp lý.

Trả vàng hay quy đổi ra tiền đều có thể thực hiện miễn là có sự thống nhất giữa các bên. Đây không chỉ là bài toán pháp lý mà còn là trách nhiệm của cả hai bên trong việc xây dựng thỏa thuận minh bạch, chặt chẽ ngay từ đầu.

Nguyễn Thị Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khi-vang-tro-thanh-ganh-nang-204241114162817957.htm
Zalo