'Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau...'

Những bức thư được cựu chiến binh Trần Dân viết vội cho người vợ chưa cưới trên đường hành quân, trước giờ ra trận hay giờ phút sinh tử...

Những bức thư được cựu chiến binh Trần Dân viết vội cho người vợ chưa cưới trên đường hành quân, trước giờ ra trận hay giờ phút sinh tử trong bom đạn quân thù và cả những ngày đất nước trọn niềm vui.

Màu thời gian đã làm nhòe gần như tất cả dòng chữ nhưng không thể nào xóa hết những tình cảm chứa chan trong đó. Để hôm nay, tôi - chúng ta - thế hệ trẻ đọc lại mà vừa tự hào vừa nghẹn ngào bởi những năm tháng “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”...

 Những lá thư - kỷ vật vô giá của vợ chồng ông Dân và bà Hồng.

Những lá thư - kỷ vật vô giá của vợ chồng ông Dân và bà Hồng.

Chia ly

Đại úy Trần Dân, sinh năm 1955, trú tại thị trấn Đức Thọ (Hà Tĩnh) là một trong những người lính của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 có mặt tại Dinh Độc Lập vào đầu giờ chiều 30/4/1975.

Năm 2024, Bảo tàng Quân đoàn 4 (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã liên hệ và xin được lưu giữ, trưng bày 4 lá thư và được Đại úy Trần Dân đồng ý. Sau khi tiếp nhận các hiện vật, đại diện lãnh đạo Bảo tàng Quân đoàn 4 đã gửi lại bản photo xác nhận cho gia đình.

Trưa tháng 4, chúng tôi có dịp ghé thăm ngôi nhà của vợ chồng ông tại ven đê La Giang, thị trấn Đức Thọ. Những ngày này, đôi vợ chồng già đang háo hức chuẩn bị gói ghém hành lý để đi gặp gỡ đồng đội cũ tại Quảng Bình - nơi đóng quân đầu tiên của đơn vị, cũng là nơi ông viết bức thư đầu tiên trên đường hành quân cho người vợ chưa cưới của mình - bà Trần Thị Hồng (sinh năm 1957).

Sau một lúc trò chuyện, bà Hồng mới ngại ngùng “khoe” với chúng tôi bộ sưu tập vô giá của mình. Gần 50 năm trôi qua, kể từ lá thư đầu tiên của ông Dân, bà Hồng vẫn cất giữ, bảo quản cẩn thận. Theo thời gian, những bức thư đã ngả vàng, phần lớn nội dung đã nhòe chữ nhưng nhắc đến những mốc thời gian trong thư bà vẫn nhớ như in những gì ông nhắn gửi.

Lần giở những bức thư, vợ chồng ông bồi hồi kể cho chúng tôi về những năm tháng “sống xa nhau”. Ông kể, 2 vợ chồng cùng sinh ra và lớn lên tại thị trấn Đức Thọ. Không chỉ gần nhà, họ còn học cùng trường. Năm 1967, 2 gia đình cùng đi sơ tán lên vùng chè Sơn Thọ, huyện Hương Sơn, nay là xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Một lần nữa đôi bạn trẻ lại có duyên gần gũi, làm quen và tìm hiểu lẫn nhau. Khi tình yêu đôi lứa vừa chớm nở thì chàng trai Trần Dân quyết định tạm gác lại tình riêng để lên đường ra trận.

“Tôi không thuộc diện động viên lên đường nhập ngũ vì trong gia đình đã có 4 anh trai tham gia chiến trường trước đó. Tuy nhiên, những năm 1974, thanh niên cả nước đều hừng hực khí thế lên đường, mình ở nhà thấy bồn chồn lắm nên cũng xách ba lô tình nguyện nhập ngũ”, ông Dân nói. Trước ngày lên đường, ông xin gia đình 2 bên làm lễ “bỏ trầu” dạm ngõ với người thương với lời hẹn “Ngày chiến thắng, anh sẽ trở về cưới em”.

Tháng 12/1974, ông lên đường và tham gia huấn luyện tại Đoàn 22 ở huyện Hương Sơn, sau đó được biên chế vào Trung đoàn 273, Sư đoàn 341. Đầu tháng 1/1975, tranh thủ trên đường hành quân dừng lại tại Quảng Bình, chàng lính trẻ ghi vội vài dòng gửi đến người vợ chưa cưới của mình.

Hơn 50 năm qua, lá thư vẫn được giữ gìn cẩn thận, gấp gọn gàng trong chiếc phong bì còn nguyên có đề tên người gửi là Trần Thị Thu. Bà Hồng cho biết, để đảm bảo bí mật, bức thư phải lấy tên chị gái bà Hồng làm tên người gửi. Không chỉ lá thư đầu tiên mà tất cả là những lá thư, được chàng trai Trần Dân đều bắt đầu bằng những dòng chữ “Hồng, em thương!”, “Hồng, em thương nhất đời của đời anh!”, “Hồng, em yêu của anh!”...

Ngày 3/2/1975, tại đất lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị) tranh thủ giây phút nghỉ ngơi đón Tết trên đường hành quân, tân binh trẻ tiếp tục gửi lá thư thứ 2 về cho người yêu ở hậu phương.

Trong thư ông viết: “Hồng em thương! Biết nói làm sao cho thỏa tấm lòng của anh lúc này. Lòng nhớ thương em, nhớ thương quê hương, một ánh nhìn xao xuyến nhưng bắt buộc anh phải ghìm lại nỗi nhớ thương làm tròn nhiệm vụ cách mạng.

…Hồng em thương! Mỗi người thanh niên của thời đại này đều có một nhiệm vụ của mình. Chắc có lẽ đợt này em sẽ trở thành một o (cô - tiếng địa phương - PV) công nhân xây dựng quê hương mới. Nên em thương anh bao nhiêu thì phải giữ gìn sức khỏe em nhé! Và cũng từ đây đối với em còn có nhiệm vụ nữa phải luôn luôn động viên, thăm hỏi gia đình với nhé!”…

Mỗi lần nhận thư ông, bà đều rưng rưng xúc động và mừng vì ông vẫn còn khỏe mạnh. Bà cũng vội biên một lá thư ngắn kể tình hình ở nhà của bản thân và bố mẹ, gia đình 2 bên vẫn khỏe mạnh. Cuối thư, bà đều hứa sẽ đợi ông về tổ chức đám cưới để người yêu vững tin chắc tay súng nơi tiền tuyến.

“Thư của lính viết cho người yêu có gì viết nấy, cũng chẳng hoa mỹ gì. Ngoài việc những nhớ nhung, yêu thương, hỏi han tình hình sức khỏe gia đình thì hầu hết là những câu chuyện sinh hoạt đời thường ngoài mặt trận. Nhưng mỗi lá thư đến và đi, chúng tôi xem nó như những lời động viên, nhắc nhở bản thân cùng vượt qua gian khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ”, cựu binh Trần Dân nhìn vợ trìu mến.

 Vợ chồng Đại úy Trần Dân (nguyên xạ thủ B40, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273, Sư đoàn 341) chụp năm 1980 tại TPHCM.

Vợ chồng Đại úy Trần Dân (nguyên xạ thủ B40, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273, Sư đoàn 341) chụp năm 1980 tại TPHCM.

Nhớ thương đến rụng tóc

Sau khi tham gia chiến đấu ở Vĩnh Linh (Quảng Trị), Sư đoàn 341 tiếp tục có mặt tại nhiều chiến trường ác liệt như Phước Lộc (Đồng Nai); Dầu Tiếng, Bến Cát, Bàu Bàng (Bình Dương); Xuân Lộc, Trảng Bom (Biên Hòa - Đồng Nai),

Trên đà thắng lợi, Quân đoàn 4 nói chung và Sư đoàn 341 nói riêng tiến đánh giải phóng Hố Nai, sân bay Biên Hòa. Sáng 30/4, Sư đoàn 341 tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Khoảng hơn 12 giờ 30 phút ngày 30/4, đoàn xe tăng của Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 tiếp cận Dinh Độc Lập, chỉ sau các đơn vị của Quân đoàn 2 đến trước đó hơn 1 giờ.

Đại úy Trần Dân - lúc bấy giờ là xạ thủ B40 - vinh dự là một trong những người lính của Sư đoàn 341 ngồi trên xe tăng và có mặt tại Dinh Độc Lập vào đầu giờ chiều 30/4/1975. Hiện, ông vẫn còn lưu giữ tấm ảnh ngồi trên xe tăng cũng đồng đội tiến vào thời khắc lịch sử của dân tộc. “Tôi cảm thấy may mắn và tự hào khi được sống trong những giây phút đầu tiên của ngày thống nhất non sông”, Đại úy Trần Dân chia sẻ cảm xúc.

Khi miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng, những lá thư giữa hậu phương và tiền tuyến gửi cho nhau cũng dễ dàng hơn. Những lá thư gửi về cũng ghi rõ địa danh nơi gửi. Trong tập thư, bà Hồng còn lưu giữ được 2 lá thư viết vào ngày 26/5/1975 và ngày 10/9/1975 tại Sài Gòn.

Trong thư ông Dân viết: “Hồng em thương! Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng nhưng nhiệm vụ của chúng ta vẫn còn nhiều. Em phải xác định rằng, anh có thể còn phải xa em 5 - 6 năm nữa, thì liệu em có thể chờ đợi được anh không? Và những nhớ nhung có thể dày vò nhiều hơn nữa thì liệu em có chịu nổi không? Điều đó đòi hỏi mỗi người chúng ta phải xác định lập trường thật đúng đắn, rõ ràng…”. Sự băn khoăn của chàng lính trẻ cũng là nỗi niềm cũng nhiều đồng đội nơi tiền tuyến.

Nhưng khi nhận được lời hồi đáp từ hậu phương, ông Dân như được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin. “Hồng em thương yêu của anh! Trong không khí tưng bừng, nhộn nhịp của Thành phố Sài Gòn, hòa lẫn niềm vui của bản thân anh. Đó là, anh đã nhận được thư em - từ hậu phương xa xôi gửi tới.

Bức thư của em tuy ít ỏi nhưng cũng đã gợi lên hình ảnh đẹp đẽ, chung thủy của em đã gửi gắm, hiến dâng cả cuộc đời cho anh không còn do dự. Hồng em ạ! Cũng xuất phát từ yêu em nên anh càng em yêu quê hương mình tha thiết. Từ em cũng đã làm cho anh có một bản lĩnh vượt qua bao nhiêu khó khăn gian khổ, đấu tranh quyết liệt với quân thù. Anh đã vượt qua và vượt lên tất cả để có ngày đoàn tụ bên nhau”, thư viết.

Đến đầu năm 1978, ông được về thăm quê 15 ngày. Tranh thủ ngày phép, ông đã làm lễ cưới bà - khi đó đang là sinh viên Trường Sư phạm Vinh (Nghệ An). “Nhà trường chỉ cho nghỉ được 5 ngày, cưới xong quay lại trường. Còn anh cũng chỉ kịp ra trường thăm tôi một lần rồi tiếp tục vào chiến trường vì mặt trận Tây Nam bây giờ phức tạp”, bà Hồng nhớ lại.

Trong suốt khoảng thời gian tham gia chiến trường Tây Nam, ông Dân vẫn giữ liên lạc với vợ qua những lá thư viết tay. Giữa đạn bom, lằn ranh sự sống và cái chết, những lá thư thấm đẫm yêu thương, tin tưởng, chờ đợi của người vợ hiền như mạch nước ngầm ấm áp, êm dịu, xua tan khốc liệt của chiến tranh. Những cánh thư tiếp tục trở thành sợi dây kết nối giữa vợ chồng họ.

Đến tháng 7/1978, trong một trận đánh tại Hà Tiên (nay là tỉnh Kiên Giang), ông Dân bị thương ở vùng đầu và được chuyển về hậu phương điều trị. Vì vậy, những lá thư không được gửi về liền mạch, bà Hồng cũng không có tin tức gì về chồng.

Cuối năm 1979, một người lính cùng quê trở về mang theo cả ba lô, giấy tờ, một số lá thư và nhật ký của ông Dân nhắn gửi cho gia đình. Nhìn những kỷ vật của chồng, bà Hồng tưởng rằng chồng đã hy sinh. Đau đớn và tuyệt vọng, chỉ trong 3 tháng, mái tóc đen nháy của người vợ trẻ gần như rụng hết.

Thương con dâu, nén cơn đau bố mẹ chồng đã động viên bà phải mạnh mẽ bởi “Chưa có giấy báo tử thì cũng có hy vọng đang sống”. “Tôi biết ông bà cũng lo âu, đau xót như tôi. Bởi mấy lần, tôi thấy ông bà đã thắp hương trên bàn thờ cho chồng tôi. Nhưng nhớ lại những gì chồng căn dặn trong thư, tôi gượng dậy sống tiếp”, bà Hồng xúc động chia sẻ.

 Đại úy Trần Dân bên bức ảnh ngồi trên xe tăng của Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.

Đại úy Trần Dân bên bức ảnh ngồi trên xe tăng của Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.

Gặp gỡ

Niềm mong nhớ của bà Hồng vỡ òa khi đến tháng 3/1980, bà tiếp tục nhận được thư khi ông vừa được điều từ chiến trường về TPHCM học trường Quân chính. Trong thư ông kể rõ cho bà tình hình sự việc cũng nói rõ việc nhờ bạn lấy thư đưa về nhà cùng ba lô nhưng do không thông tin rõ ràng dẫn đến hiểu nhầm.

Cũng trong năm 1980, được đơn vị của chồng tạo điều kiện, bà khăn gói đi tàu vào miền Nam thăm chồng. Giây phút đoàn tụ, sau 45 năm mỗi khi nhớ lại, người cựu binh vẫn ngân ngấn nước mắt vì xúc động.

“Khi tôi đang ở trong doanh trại thì thấy có người gọi lên phòng trực. Vừa bước vào, tôi đã nhìn thấy vợ tôi đứng đó, chúng tôi đều vỡ òa cảm xúc. Bao nhớ thương đều gửi vào cái ôm thật chặt, cứ thế vừa ôm nhau vừa khóc. Khi cơn xúc động đi qua, tôi mới nhìn mái tóc lưa thưa của vợ mà thương vô cùng”, ông Dân bồi hồi.

 Hạnh phúc lúc xế chiều của vợ chồng cựu chiến binh Trần Dân.

Hạnh phúc lúc xế chiều của vợ chồng cựu chiến binh Trần Dân.

Chiến tranh kết thúc, vợ chồng đoàn tụ, ông Dân và bà Hồng có với nhau 4 người con (3 trai, 1 gái). Đến nay, cả 4 người con đều đã trưởng thành. Dù tuổi cao, tai không thể nghe rõ do di chứng từ những vết thương cũ thỉnh thoảng tái phát nhưng đôi vợ chồng vẫn luôn sát cánh bên nhau. Ông hóm hỉnh đùa mình sướng vì “đi đâu cũng có bà làm phiên dịch riêng”.

Những bức thư thời chiến vẫn được ông bà nâng niu cất giữ như “kho báu” vô giá. Bởi đó không chỉ chứa đựng nỗi niềm thiết tha từ hai đầu nỗi nhớ mà còn lưu giữ cho con cháu cùng nhắc nhở nhau về quá khứ hào hùng của thế hệ đi trước.

Hồng em ạ! Đi ra bao nhiêu mới nhìn thấy được cảnh đẹp của Tổ quốc ta. Xe đi qua Đèo Ngang giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh thì nhìn thấy mênh mông biển sóng và những đợt sóng trắng xóa xô vào bãi cát, nhìn thấy những chiếc tàu thủy rẽ sóng lướt nhanh trên vùng biển đất nước. Lúc ấy, ước gì có em cùng anh để ngắm cảnh hùng vỹ và đẹp đẽ của Tổ quốc ta!. (Trích thư ông Trần Dân gửi người yêu ngày 3/2/1975)

Bài, ảnh: Phương Hồ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khi-to-quoc-can-ho-biet-song-xa-nhau-post728511.html
Zalo