Khi nhân viên nổi lòng tham vì kẽ hở ngân hàng

Thời gian qua xảy ra không ít vụ việc cán bộ, nhân viên ngân hàng lợi dụng kẽ hở để tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hậu quả cuối cùng vẫn là các ngân hàng và chính khách hàng phải gánh chịu.

Chiêu trò tham ô 246 lượng vàng

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội vừa ban hành kết luận điều tra vụ án, đề nghị truy tố Nguyễn Văn Linh (SN 1986, cựu cán bộ kho quỹ, Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank) về tội tham ô tài sản.

Trần Thanh Hải - nhân viên tín dụng của một chi nhánh ngân hàng tại Đà Nẵng đã lừa đảo, chiếm đoạt 900 triệu đồng.

Trần Thanh Hải - nhân viên tín dụng của một chi nhánh ngân hàng tại Đà Nẵng đã lừa đảo, chiếm đoạt 900 triệu đồng.

Theo hồ sơ, TPBank thành lập kho quỹ tập trung để lưu giữ tài sản gồm vàng, tiền, giấy tờ có giá trị. Trong đó, vàng được chia 3 trạng thái để quản lý gồm: Vàng giữ hộ, vàng giao dịch (mua bán) và vàng cầm cố.

Năm 2017, Linh là nhân viên kho quỹ của TPBank, thấy loại vàng cầm cố trong kho chỉ được kiểm đếm 2 lần/năm và có thông báo trước, nên nảy sinh ý định chiếm đoạt.

Nhận thấy khách hàng tên C thế chấp 246 lượng vàng SJC nhưng chỉ tất toán trên giấy tờ, ngày 5/7/2017, Linh lấy 246 lượng vàng từ két cho vào túi nilon rồi giấu trong thùng tôn.

Sáng hôm sau, Linh mang thùng tôn chứa vàng ra để ở khu vực ngoài kho tiền, nơi mà việc ra vào không được giám sát.

Cuối buổi sáng hôm đó, Linh lén mang 246 lượng vàng SJC đi bán cho bà Trương Thị Hồng Khanh (Công ty Vàng bạc Gia Bách) được hơn 8,8 tỷ đồng.

Những ngày sau đó, Linh lợi dụng bản thân là người tham gia kiểm kê cùng ban quản lý kho, nên chủ động thực hiện việc kiểm kê vàng, đọc số liệu cho đồng nghiệp ghi chép, đối chiếu sổ sách. Vì thế, trong thời gian dài, không ai phát hiện vàng đã bị Linh lấy đi.

Trong vụ án này, theo cơ quan điều tra, TPBank chưa có quy định cụ thể về việc kiểm tra tài sản đảm bảo là vàng vật chất, nên các nhân viên của nhà băng không kiểm kê định kỳ đối với loại tài sản này khi được sử dụng làm tài sản đảm bảo.

Lãnh đạo ngân hàng giúp sức đại gia

Trong vụ án hình sự liên quan đại gia Lã Quang Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty ECPAY), kết luận của Cơ quan điều tra Bộ Công an đã chỉ ra sai phạm của hàng loạt cựu lãnh đạo, cán bộ một ngân hàng chi nhánh Đống Đa (Hà Nội).

Lã Quang Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty ECPAY, bị cáo buộc chỉ đạo em gái hối lộ sếp ngân hàng 200.000 cổ phiếu để được tiếp tục giải ngân.

Lã Quang Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty ECPAY, bị cáo buộc chỉ đạo em gái hối lộ sếp ngân hàng 200.000 cổ phiếu để được tiếp tục giải ngân.

Giai đoạn 2005-2016, ông Bình thành lập một số công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong đó, Công ty ECPAY làm đại lý trung gian thu hộ tiền điện theo hợp đồng đã ký với các công ty điện lực.

Giai đoạn 2018-2020, ECPAY được cấp hạn mức tín dụng 1.000 tỷ đồng/năm, tài sản bảo đảm là các hợp đồng tiền gửi và trái phiếu do ngân hàng phát hành.

Cuối năm 2020, ECPAY kinh doanh đình trệ. Đến tháng 5/2021, tổng dư nợ của 5 công ty liên quan bị can Bình lên đến hơn 1.400 tỷ đồng.

Để được giải ngân, Lã Quang Bình lập công ty mới, thuê người đứng tên đại diện pháp nhân rồi cùng đồng phạm làm giả giấy tờ, hợp thức hồ sơ vay tiền.

Cùng đó, Bình cấu kết với nhóm cán bộ chi nhánh ngân hàng và được nhóm này giúp sức lập khống hồ sơ để giải ngân.

Lã Quang Bình còn bàn bạc, thống nhất cùng người khác đưa hối lộ 200 nghìn cổ phiếu EIN (tương đương 2 tỷ đồng) cho ông Đào Hoàng Thắng (Giám đốc ngân hàng) để giải quyết cho Công ty Thịnh Phát không bị chuyển nợ xấu và tiếp tục được giải ngân vốn trái quy định.

Từ năm 2021 đến tháng 2/2023, Bình và đồng phạm sử dụng hơn 60 công ty lập khống hồ sơ để được giải ngân trái quy định tổng cộng hơn 2.200 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 1.086 tỷ đồng.

Mới đây nhất, ngày 18/10, Công an tỉnh Quảng Ninh vừa tiến hành khởi tố, bắt tạm giam Trần Văn Tài (SN 1992, Trưởng phòng Giao dịch Mạo Khê, Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình - ABBank).

Ông Tài bị cáo buộc đã sử dụng 21 giấy tờ giả chứng nhận quyền sử dụng đất, 4 sổ tiết kiệm giả để lập khống các hồ sơ vay vốn. Sau đó, bị can tự phê duyệt giải ngân các hồ sơ theo thẩm quyền, chiếm đoạt khoảng 80 tỷ đồng.

Làm sao để bịt những kẽ hở?

Theo thống kê của đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, thời gian qua tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn.

Chỉ ra những thủ đoạn gây án, cơ quan chức năng liệt kê một số phương thức chủ yếu mà các đối tượng sử dụng, như: Lập hồ sơ dự án, phương án kinh doanh để vay vốn ngân hàng, sau đó cung cấp hồ sơ, tài liệu, chứng từ khống làm căn cứ giải ngân để chiếm đoạt tiền; lợi dụng danh nghĩa nhân viên ngân hàng để vận động nhiều người mở tài khoản thẻ miễn phí hoặc mức phí thấp, sau đó thỏa thuận, thu mua tài khoản để lừa đảo hoặc phục vụ đánh bạc qua mạng.

Bên cạnh đó còn có các thủ đoạn: Giải ngân bằng hình thức chuyển khoản, trực tiếp thanh toán cho người thứ 3 (người thụ hưởng), tráo chứng từ hoặc yêu cầu khách hàng ký giấy tờ khống, sau đó in, viết thêm thông tin người thụ hưởng để chiếm đoạt tài sản; lập khống chứng từ của khách hàng gửi tiền tiết kiệm để chiếm đoạt; giả mạo chữ ký, sử dụng thông tin của khách hàng để chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, trong các vụ án chiếm đoạt tài sản liên quan đến nhân viên ngân hàng, niềm tin của khách hàng đối với các ngân hàng đã bị một số nhân viên lợi dụng để trục lợi.

Để tránh rủi ro, các ngân hàng cần nâng cao chất lượng công tác quản lý nhân sự, từ khâu tuyển chọn đến quản lý các mối quan hệ của nhân viên.

Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định liên quan đến giao dịch tài chính. Điều này nhằm tránh tạo kẽ hở để một số nhân viên lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

"Đồng thời, các ngân hàng cần có thêm quy định cấm tuyệt đối nhân viên của mình hứa hẹn, giúp đỡ khách hàng giao dịch vay tiền, vay hộ… ngoài những nội dung liệt kê trong hợp đồng ký kết", luật sư khuyến cáo.

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, không ít gia đình rơi vào cảnh nợ nần, mất nhà cửa sau khi trở thành nạn nhân của các vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản do nhân viên ngân hàng thực hiện.

Thông thường các đối tượng lợi dụng không gian ngay giữa nơi làm việc hoặc mối quan hệ bên ngoài để hứa giúp khách hàng vay vốn, đáo nợ.

Chính điều này khiến các nạn nhân tin tưởng, không đề phòng, còn phía ngân hàng cũng không thể kiểm soát hết hành vi của nhân viên.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khi-nhan-vien-noi-long-tham-vi-ke-ho-ngan-hang-192241024235619161.htm
Zalo