Khi nhân dân chính là niềm cảm hứng

Khi coi nhân dân chính là niềm cảm hứng sáng tạo, là động lực để phấn đấu, chúng ta sẽ có hướng đi, cách làm đúng đắn. Từ đó xã hội, kinh tế, văn hóa sẽ có những bước phát triển mới, nâng cao vị thế của đất nước Việt Nam…

Trong bài viết: “Xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của Đại tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, có đoạn viết: “Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành “dân là gốc”, “Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới”; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau...”.

Metro Nhổn - Ga Hà Nội đi vào hoạt động đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.

Metro Nhổn - Ga Hà Nội đi vào hoạt động đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.

Lời khẳng định đó cho thấy quyết tâm trong hành động và ý nghĩa nhân văn sâu sắc từ mục tiêu. Bản thân quan điểm: “Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới” cũng là giá trị văn hóa. Bởi lẽ, từ việc xác định đối tượng trung tâm của thời đại, chủ thể thụ hưởng, xác định triết lý phát triển của đất nước một cách đúng đắn, chúng ta mới đạt được những thành tựu về cả vật chất và tinh thần. Từ quan điểm này, vận dụng vào thực tế, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa, không chỉ các tổ chức, đoàn thể mà bản thân mỗi công dân đã và đang có một sự ý thức sâu sắc.

Đầu tháng 8 vừa qua, khi đường sắt đô thị Metro Nhổn - ga Hà Nội đi vào hoạt động, mọi người dân đều cảm nhận được sự chuyển mình của Thủ đô. Sau khi sử dụng phương tiện giao thông này, một phụ nữ đã chia sẻ rất chân thật: “Thay vì mất 30 đến 45 phút đi từ nhà đến cơ quan bằng xe máy, giờ đây tôi chỉ mất 15 phút là đã đến cơ quan và ngược lại, điều này sẽ giúp tôi tiết kiệm được thời gian, nhờ đó quỹ thời gian dành cho gia đình sẽ nhiều hơn. Điều này, chắc chắn khiến chồng tôi sẽ rất vui" (theo Quang Dương - Báo Dân trí). Lời chia sẻ mộc mạc của chị đã nói lên những ưu việt, tiện ích mà người dân đô thị được thụ hưởng. Họ là người cảm nhận rõ được những lợi ích thiết thực, cảm nhận được hạnh phúc trong mỗi gia đình khi chủ trương đi vào cuộc sống. Hạnh phúc của mỗi cá nhân cũng là mục tiêu mà một đất nước luôn hướng tới.

Nếu tuyến đường sắt trên cao giúp cư dân ở thành phố thoát cảnh ách tắc thì một cây cầu ước mơ khiến người dân miền núi được an tâm. Sau khi cây cầu Nà Din (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) do Báo Dân tộc và Phát triển cùng với nhóm thiện nguyện của các DJ và khán giả nghe nhạc được khởi công, ông Lò Văn Đọc (người dân trú tại bản Mường Chiến 2, xã Ngọc Chiến) đã xúc động chia sẻ: “Tôi năm nay đã 80 tuổi, nhưng đây là lần đầu tiên được chứng kiến bản làng được có một cây cầu mới. Cây cầu này là cả niềm mơ ước từ rất lâu của người dân chúng tôi. Và, nay được đoàn thiện nguyện trao tặng, đây chính là một ngày rất có ý nghĩa với bản làng” (theo: Tào Đạt - Báo Dân tộc và Phát triển). Dù ở nông thôn hay thành thị, người dân vẫn là tâm điểm tập trung các nguồn lực. Dù là kĩ sư xây dựng hệ thống giao thông công cộng hay thiết kế cầu vượt suối đều lấy cảm hứng từ chính cuộc sống mưu sinh của bà con sớm chiều.

Những cây cầu nối đôi bờ hạnh phúc vì cuộc sống người dân.

Những cây cầu nối đôi bờ hạnh phúc vì cuộc sống người dân.

Chúng ta thấy, không chỉ có Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị mà các nhóm, các cá nhân cũng chung tay vun đắp niềm hạnh phúc đó. Người dân vì người dân có lẽ là tư tưởng, là niềm cảm hứng lớn nhất mà chúng ta cảm nhận được.

Kế thừa truyền thống tương thân, tương ái kết hợp với tinh thần đại đoàn kết, công bằng, tiến bộ mà đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhắc đến trong bài viết nêu trên: “Bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau...”.

Còn nhớ, nhà chính trị Ấn Độ nổi tiếng Mahatma Gandhi (1869-1948) từng nói: “Nền văn hóa của một quốc gia nằm trong trái tim và tâm hồn của nhân dân”. Bởi thế, khi mọi chính sách đều thể hiện ý nguyện của nhân dân và khi được hiện thực hóa trong đời sống tất yếu sẽ được người dân đón nhận, cảm nhận bằng những cảm xúc chân thật, sinh động. Những gì bình dị, chân thật sẽ trường tồn khi trở thành văn hóa. Vậy, khi văn hóa lấy điểm tựa từ nhân dân khởi phát từ các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước được các nghệ sĩ thể hiện một cách sinh động và ấn tượng như thế nào?

Mới đây, vở diễn "Rơm" (múa đương đại) được trình diễn trên cánh đồng lúa chín Trái tim lúa Hội An (khối Trường Lệ, phường Cẩm Châu, TP Hội An), do Công ty Arabesque Việt Nam và TP Hội An (Quảng Nam) phối hợp tổ chức. Giám đốc nghệ thuật Nguyễn Tấn Lộc đã có chia sẻ: “Câu chuyện về "Rơm" không chỉ là một buổi biểu diễn múa, đó là một dịp tôn vinh sự khéo léo và tinh thần bền bỉ của người dân Việt Nam. Khi buổi biểu diễn diễn ra, vào khoảnh khắc dịu dàng của hoàng hôn, chúng tôi hy vọng khán giả, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, sẽ cảm nhận được điều gì đã định hình nên nền văn hóa đặc biệt này” (theo: Thanh Chi - Báo Thanh niên).

Câu chuyện của “Rơm” bước vào nghệ thuật và trở lại với chính không gian nông thôn với chủ nhân là những người dân.

Câu chuyện của “Rơm” bước vào nghệ thuật và trở lại với chính không gian nông thôn với chủ nhân là những người dân.

Có lẽ, chưa bao giờ những hình ảnh của nền văn minh lúa nước, của cây lúa lại được thể hiện một cách chân thực, toàn diện như thế trên chính cánh đồng sau mùa gặt. Phải chăng, đưa rơm của đồng đất vào nghệ thuật để trở lại thăng hoa trên chính đồng ruộng là một ẩn dụ về nhân dân, về sự trân trọng văn hóa dân tộc mình. Khi xem tác phẩm này, hẳn bạn bè quốc tế sẽ càng cảm nhận hơn được những triết lí sống, những thông điệp, ước mơ về một cuộc sống bình yên và tiến bộ. Nhưng, theo người viết: sâu xa hơn thì những biểu tượng: rơm, lúa, cánh đồng... đâu chỉ lạ, mộc mạc, chân thực mà là hiện thân của nhân dân, của những chủ nhân bao đời đã gieo hạt, nở hoa, kết trái trên dải đất hình chữ S này như những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm:

Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa
Hoa của đất, người trồng cây
dựng cửa
Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa
Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào
Ta nghẹn ngào, Đất nước Việt Nam
ơi!...

(Đất nước)

Dân tộc Việt Nam đã giữ vững nền độc lập dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử không chỉ bằng giáo, gươm, cung, tên, súng, đạn... mà còn bằng sức mạnh tự cường văn hóa. Chủ đề nhân dân trong nghệ thuật đã được các thế hệ nghệ sĩ sáng tạo từ rất lâu nhưng để có cái nhìn khái quát, sâu sắc phải cần cả một sự nhìn nhận từ phía xã hội. Bởi lẽ, nghệ thuật luôn khởi phát từ thực tiễn đời sống. Vậy, vị thế của người dân luôn được hiểu như thế nào?

Vị thế của mỗi chúng ta được khẳng định dựa trên các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, mở ra một hướng phát triển, kịp thời, giải quyết đúng những vấn đề thiết yếu nhất. Có lẽ, các đề án như: "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" giúp người dân an cư; tháo gỡ khó khăn khi người dân kinh doanh, sản xuất, phát huy vai trò sáng tạo của mỗi người dân yêu nước... ngay lúc này mới chỉ đem lại hiệu quả đời sống nhưng có lẽ theo năm tháng sẽ trở thành một cảm hứng mới của các nghệ sĩ, thành các giá trị văn hóa quý giá.

Khi coi nhân dân chính là niềm cảm hứng sáng tạo, là động lực để phấn đấu, chúng ta sẽ có hướng đi, cách làm đúng đắn. Từ đó xã hội, kinh tế, văn hóa sẽ có những bước phát triển mới, nâng cao vị thế của đất nước Việt Nam…

Thu Trang

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/khi-nhan-dan-chinh-la-niem-cam-hung-i742125/
Zalo