Khi nhạc cụ truyền thống dân gian 'cất tiếng' giữa phố thị
Vẫn là tiếng đàn tranh, đàn bầu, đàn t'rưng, trống, chiêng, khèn…, nhưng 'Chào Show' – chương trình nghệ thuật ra mắt tại TPHCM từ đầu tháng 3, lại mang đến một cách cảm thụ hoàn toàn mới. Tại đây, khán giả được đánh thức mọi giác quan vừa lắng nghe âm nhạc dân tộc, vừa thưởng thức ẩm thực, vừa chiêm ngưỡng cảnh sắc ba miền Việt Nam trong một không gian trình diễn hiện đại.
Cảm nhận đa giác quan
Chào Show là chương trình nghệ thuật kết hợp âm nhạc dân gian, ẩm thực địa phương và công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại, tạo nên một không gian nghệ thuật độc đáo đưa khán giả khám phá "tinh hoa" văn hóa của cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Chương trình được phát triển bởi Công ty TNHH Dấu Ấn Show, với mục tiêu tạo ra sản phẩm văn hóa đặc trưng của Việt Nam cho du khách đến TPHCM.
Ý tưởng thực hiện Chào Show đã hình thành từ 5 năm trước, khi người sáng lập nhận thấy hầu hết các quốc gia đều có chương trình kết hợp nghệ thuật biểu diễn và ẩm thực để giới thiệu văn hóa đặc trưng của họ, trong khi Việt Nam chưa có sản phẩm tương tự.
“Khó nhất không phải là dựng chương trình sao cho hay, mà là làm sao để âm nhạc dân tộc không còn xa cách, không còn bị gắn mác ‘cổ điển, bác học’ như lâu nay”, ông Nguyễn Khắc Anh, nhà sáng lập Chào Show chia sẻ.
Chính vì vậy, ông đã bắt tay với các cộng sự để làm sao buổi biểu diễn trở nên mới mẻ, gần gũi để ai cũng có thể tiếp cận.

Chào Show là chương trình nghệ thuật kết hợp âm nhạc dân gian, ẩm thực địa phương và công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại.
Tâm điểm của chương trình là tổ khúc “Giang sơn cẩm tú”, gồm 12 chương, mỗi chương giới thiệu âm nhạc đặc trưng từng vùng miền qua 30 nhạc cụ dân tộc truyền thống như đàn tranh, sáo trúc, t'rưng, khèn, trống, pí pặp, đàn đá… Yếu tố thị giác được chú trọng từ hình ảnh trình chiếu đến ánh sáng, trang phục biểu diễn, tất cả đều đồng bộ để truyền tải vẻ đẹp văn hóa Việt Nam.

Với 12 chương nhạc, chương trình đưa khán giả vào hành trình khám phá các vùng miền từ Bắc vào Nam.

Chương trình dẫn dắt khán giả đi qua từng miền đất Việt Nam bằng những giai điệu mang đậm bản sắc địa phương – từ thanh âm trong trẻo, huyền bí của núi rừng Tây Bắc, Đông Bắc; điệu nhạc nhẹ nhàng, da diết của miền Trung; âm hưởng hùng tráng của Tây Nguyên đến nét đậm đà, tha thiết của vùng Nam bộ.

Trong buổi biểu diễn, các nghệ sĩ không cố định một vị trí mà sẽ luân phiên đổi chỗ để chơi nhiều nhạc cụ khác nhau.

Nữ nghệ sĩ đang trình diễn với đàn T’rưng – loại nhạc cụ gõ truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt phổ biến trong cộng đồng người Gia Rai và Ba Na. Đàn được làm từ những ống tre hoặc nứa có độ dài ngắn khác nhau, sắp xếp theo thứ tự để tạo nên các âm thanh cao thấp đặc trưng.
Ngoài phần âm nhạc, chương trình còn phục vụ 9 món ăn đặc trưng ba miền, như bún chả Hà Nội, bánh mì que Hải Phòng, cơm gà Hội An, gỏi cuốn Sài Gòn, bánh bò Nam Bộ... nhằm tăng cường cảm xúc cho khán giả.

Cứ sau bốn chương, khán giả sẽ được phục vụ một phần ăn mới. Thực đơn thay đổi theo từng buổi, song luôn đảm bảo sự hài hòa với 9 món ăn tiêu biểu của ba miền Bắc, Trung, Nam, góp phần mang đến trải nghiệm trọn vẹn cả về âm thanh lẫn vị giác.
Chị Trần Ngọc Thúy Vy, Giám đốc Công ty Du lịch Mypro Guide, chia sẻ “Tôi đã xem nhiều show diễn nghệ thuật tại Việt Nam, chẳng hạn như Ký ức Hội An ở Quảng Nam, À Ố Show ở TPHCM, nhưng đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm một đêm âm nhạc dân tộc đa giác quan như thế này. Tôi vừa ăn, uống, vừa nghe, vừa nhìn cảm thấy như mình vừa chu du hết đất nước. Điều ấn tượng nữa là không chỉ là sự kết hợp giai điệu từ nhạc cụ dân tộc mà còn là những thể hiện rất hiện đại, mới mẻ, không lê thê khiến người nghe không hề cảm thấy chán”.
Điểm khác biệt lớn nhất của Chào Show so với các chương trình biểu diễn khác là việc đặt khán giả vào "vị trí trung tâm". Không gian của chương trình được thiết kế sao cho mỗi người tham gia đều cảm nhận như mình là trung tâm của buổi biểu diễn. Để làm được điều này, Chào Show sử dụng công nghệ âm thanh Immersive Audio 20.4 hiện đại, mang đến trải nghiệm âm thanh vòm 3D. Dù ngồi ở bất kỳ vị trí nào trong khán phòng, khán giả đều cảm nhận như mình đang ở trung tâm sân khấu – một trải nghiệm đặc biệt thường chỉ có tại các nhà hát lớn quốc tế.

Không chỉ dừng ở phần “trình diễn”, chương trình còn là kết quả của một quá trình kỳ công. Theo ông Nguyễn Khắc Anh – người sáng lập và tổng đạo diễn, những nhạc cụ truyền thống được đặt chế tác thủ công bởi các nghệ nhân dân tộc, sau đó vận chuyển từ các bản làng xa xôi về thành phố bằng xe thồ, xe máy.
Đội ngũ biểu diễn là các giảng viên nhạc viện, chỉ có thời gian luyện tập trong ba tháng, nhiều người phải học chơi đa nhạc cụ dân tộc để đáp ứng yêu cầu sân khấu. Để thực hiện chương trình, các nghệ sĩ phải luyện tập cường độ cao, nhiều người phải học từ 8-10 loại nhạc cụ và không ít người đã bỏ cuộc.
Hướng đến công nghiệp văn hóa – du lịch
Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, nhà sáng lập Nguyễn Khắc Anh cho biết ban đầu, chương trình Chào Show được định hướng hướng tới đối tượng khán giả quốc tế. "Mỗi tối ở TPHCM thiếu những điểm giải trí về đêm, du khách thường lang thang mà không có nơi đến. Đây là một trong những lý do khiến tôi quyết định thực hiện Chào Show, tạo ra một không gian kết hợp giữa ẩm thực, giải trí và giúp du khách hiểu thêm về văn hóa Việt Nam", ông Khắc Anh nói.

Mục tiêu của Chào Show là trở thành điểm đến về đêm cho du khách khi đến với TPHCM.
Sau ba tuần ra mắt, chương trình đã thu hút khoảng 2.000 lượt khách tham gia, điều này được người sáng lập đánh giá là tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, điều bất ngờ là mặc dù chương trình nhắm đến khách quốc tế, nhưng lượng khách Việt Nam hiện nay lại chiếm đa số.
"Tôi nghĩ có thể do người Việt cũng đang tìm kiếm một loại hình giải trí mang tính văn hóa, nghệ thuật, được đầu tư bài bản – điều không dễ tìm thấy ở thành phố về đêm. Một đêm diễn kéo dài khoảng 2 tiếng với giá vé 1,3 triệu đồng, tuy không phải rẻ nhưng hoàn toàn xứng đáng so với trải nghiệm nghệ thuật mà khán giả nhận được", ông Khắc Anh nhận định.

Mỗi chương nhạc khép lại bằng phần thuyết minh về một loại nhạc cụ đặc trưng của vùng miền tương ứng.
Ngoài việc tôn vinh văn hóa Việt, đơn vị tổ chức còn đặc biệt chú trọng mang đến một bữa tiệc "xanh" theo xu hướng bền vững. Bên cạnh món ăn đặc trưng của Việt Nam và âm nhạc truyền thống, bữa tiệc được phục vụ với dụng cụ ăn uống làm từ gỗ và thủy tinh, tạo nên sự mộc mạc nhưng đầy tinh tế. Mỗi chi tiết, từ thiết kế đến chất liệu, đều góp phần tạo nên một trải nghiệm không chỉ về văn hóa mà còn về sự kết nối sâu sắc với thiên nhiên, mang đến không gian ẩm thực vừa gần gũi, vừa độc đáo.
Dù vẫn đang trong giai đoạn giới thiệu và xây dựng thị trường, Chào Show đã thể hiện mong muốn lớn là trở thành một mô hình điểm đến văn hóa tư nhân dành cho du khách quốc tế tại TPHCM về đêm. Là người đứng sau dự án, ông Khắc Anh chấp nhận việc chương trình chưa thể có lãi trong giai đoạn đầu. Việc "gồng lỗ" được xem là khoản đầu tư cần thiết để xây dựng thương hiệu, tạo thói quen tiêu dùng và từng bước định hình Chào Show như một điểm nhấn văn hóa đặc sắc giữa lòng đô thị sôi động.
Ông Khắc Anh chia sẻ "Chúng tôi có những đêm diễn chỉ có vài trăm khách, nhưng điều đó không quan trọng bằng việc họ thực sự lắng nghe. Nếu người xem cảm thấy âm nhạc dân tộc không hề lạc hậu – mà ngược lại, rất sâu sắc – thì chương trình đã đạt được mục tiêu ban đầu".

Chương trình biểu diễn hàng đêm 19:00 đến 21:00 từ Thứ Ba đến Chủ Nhật hàng tuần, tại số 6 Nguyễn Siêu, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM. Giá tham dự: 1,3 triệu đồng (bao gồm đồ ăn và nước uống, rượu).
Chào Show không đặt mục tiêu trở thành đại diện duy nhất cho âm nhạc dân tộc, nhưng chương trình đã thực hiện điều mà ít sân khấu đương đại dám thử, đó là đưa những chất liệu truyền thống sống dậy trên nền sân khấu hiện đại mà không làm mất đi bản sắc, linh hồn của chúng. Giữa nhịp sống đô thị sôi động, những âm thanh đặc trưng như tiếng đàn t’rưng, đàn bầu, trống, chiêng, khèn… của các vùng miền Việt Nam vang lên, không chỉ như lời chào văn hóa gửi đến du khách, mà còn như một tiếng gọi về – nhắc nhở người Việt về cội nguồn văn hóa của mình.