Khi nguồn cung đủ lớn, giá bất động sản sẽ về mức 'cân bằng'
Theo các chuyên gia, tình trạng mất cân đối cung - cầu bất động sản đang ngày càng trở nên trầm trọng tại các đô thị lớn, khi nhu cầu về nhà ở giá phù hợp rất cao và đang không ngừng tăng nhưng lại không được đáp ứng. Điều này tạo nên một bức tranh phức tạp và nhiều thách thức cho cả người mua nhà, nhà phát triển bất động sản và các nhà quản lý.
Mất cân đối cung - cầu càng trở nên trầm trọng
Theo báo cáo từ Batdongsan.com, giá rao bán bất động sản (BĐS) tại Hà Nội đã tăng đáng kể trên hầu hết phân khúc, vượt xa TP. Hồ Chí Minh. Trong tháng 11/2024, giá bán chung cư tại Hà Nội đạt 61 triệu đồng/m2, vượt TP. Hồ Chí Minh (55 triệu đồng/m2). Với nhà riêng, giá bán tại Hà Nội đã ghi nhận tăng trưởng mạnh, đạt mức 197 triệu đồng/m2, tăng 58% so với tháng 1/2023. Trong khi đó, giá rao bán trung bình đất nền Hà Nội vào tháng 11 năm 2024 là 70 triệu đồng/m2 và tại TP. Hồ Chí Minh là 57 triệu đồng/m2. Dù nguồn cung mới hầu hết có mặt bằng giá cao, mức độ hấp thụ tại Hà Nội vẫn khá khả quan.
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) sau đại dịch Covid - 19, giá BĐS, nhất là loại hình căn hộ, tại các đô thị lớn có giá nhà cao nhất cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh liên tục tăng, thiết lập mặt bằng mới cao hơn từ 30% so với năm 2019.
Trong khi đó, nguồn cung nhà ở hiện nay chủ yếu tập trung vào phân khúc trung, cao cấp trở lên. Mặc dù nhu cầu ở phân khúc này cũng rất lớn nhưng nhu cầu nhà ở vừa túi tiền mới là nhu cầu chính của thị trường. Rất ít dự án nhà ở có giá dưới 30 triệu đồng/m2, khiến đa số người dân không có lựa chọn phù hợp.
Việc một số chủ đầu tư “lợi dụng” sự khan hiếm nguồn cung của thị trường để tăng giá bán bất hợp lý, khiến mặt bằng giá BĐS tăng cao, ngay cả với các khu vực không có nhiều lợi thế về hạ tầng, cũng gây khó khăn cho những người có nhu cầu mua nhà ở thực.
Một trong những yếu tố chính thúc đẩy giá BĐS tăng vọt là do hành vi đầu cơ. Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác còn nhiều biến động, tâm lý tích trữ tài sản và kỳ vọng giá BĐS tiếp tục tăng khiến nhiều người mua nhà đất không nhằm mục đích sử dụng thực tế. Họ mua nhà đất rồi bỏ hoang, không đưa vào sử dụng, chờ tăng giá, khiến tình trạng mất cân đối cung - cầu càng trở nên trầm trọng.
Một yếu tố khác ít được đề cập nhưng có ảnh hưởng lớn không kém chính là chi phí tài chính. Mặc dù lãi suất đã giảm, tuy nhiên, người vay mua nhà tại Việt Nam vẫn phải chịu lãi suất cho vay thả nổi sau ưu đãi từ khoảng 10% trở lên. Điều này cũng tạo áp lực về mặt tài chính cho người mua nhà.
Chi phí tài chính, cùng với chi phí đầu tư, chi phí đất đai đang liên tục tăng cao đồng thời cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình phát triển dự án của các doanh nghiệp BĐS và trực tiếp làm tăng giá nhà.
Nhu cầu về nhà ở của đại đa số người dân không được đáp ứng, không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống an sinh xã hội mà còn dẫn đến sự bất ổn dài hạn cho thị trường BĐS và tạo hệ lụy rủi ro kinh tế vĩ mô.
Giá chững lại nhưng khó giảm
Để giải bài toán giá nhà tăng cao, VARS cho rằng, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các chính sách ưu đãi về đất đai và vốn vay cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện hạ tầng kết nối, “nhân rộng” việc phát triển đô thị theo mô hình TOD - mô hình phát triển đô thị tập trung vào giao thông công cộng. Đây là xu hướng tất yếu để giải quyết bài toán về nhà ở cho người dân đô thị Việt Nam.
Theo đó, nếu các khu dân cư, thương mại, và dịch vụ được xây dựng xung quanh các trục giao thông công cộng như tàu, metro, xe bus nhanh, hạ tầng kết nối được cải thiện, người dân có thể đi làm, tiếp cận các tiện ích từ khoảng cách rất xa trong thời gian rất ngắn với chất lượng cuộc sống được nâng cao.
Người mua nhà chắc chắn sẽ sẵn sàng di chuyển sang các khu vực vùng ven, nơi doanh nghiệp có thể phát triển các dự án có mức giá thấp hơn. Khi nguồn cung đủ lớn và phù hợp, giá nhà theo đó sẽ được điều chỉnh về mức “cân bằng” của cán cân cung - cầu thực.
Các chuyên gia cho rằng, đà tăng giá chung cư Hà Nội đã chững lại, nhưng khó kéo giảm giá bán trong năm 2025 vì nguồn cung khan hiếm, các chi phí đất đầu vào tăng. Thực tế, thị trường Hà Nội đang đi theo đúng kịch bản tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh. Trong 2 - 3 năm tới, thị trường BĐS sẽ trở nên rõ ràng hơn với những thay đổi đáng kể, bao gồm biến động giá và sự điều chỉnh về nhu cầu của cả nhà đầu tư lẫn người mua để ở. Dự báo toàn bộ nguồn cung sơ cấp tại Hà Nội trong năm 2025 sẽ thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang, trong đó hạng sang chiếm 36%.
PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho biết, năm 2024 là thời điểm phân khúc chung cư Hà Nội chứng kiến sự tăng nhanh vượt bậc về giá. Giá chung cư từ mức trung bình 40 triệu đồng/m2 vào năm 2022 đã tăng lên mức hơn 70 triệu đồng/m2 vào cuối quý III/2024.
Đáng chú ý, thị trường không còn dự án có giá dưới 60 triệu đồng/m2, nhiều dự án trung cấp thậm chí có mức giá trên 100 triệu đồng/m2. Trong những giai đoạn sốt nóng, giá bán còn có xu hướng tăng theo ngày, theo tuần nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao.
"Nhu cầu mua nhà để ở và đầu tư bị dồn nén bấy lâu nay đã được dịp bung ra khi có nhiều động lực khôi phục niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư trên thị trường. Nhu cầu bùng nổ, trong khi nguồn cung vẫn khan hiếm đã thúc đẩy giá tăng cao", ông Thịnh chia sẻ.
Chung cư vẫn là loại hình được nhiều người tiêu dùng lựa chọn
Theo khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Batdongsan.com.vn cho thấy, chung cư là loại hình được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Có đến 56% người tham gia khảo sát của Batdongsan.com.vn mong muốn mua chung cư với giá dưới 2 tỷ đồng, tuy nhiên, lượng tin đăng căn hộ tầm giá này năm 2024 chỉ đạt 17%. Với chung cư giá trên 2 - 5 tỷ đồng, có 30% nhu cầu nhưng lượng tin đăng lên tới 50%. Đối với nhà riêng, 69% người tham gia khảo sát có nhu cầu mua với giá từ 2 - 5 tỷ đồng nhưng lượng tin đăng nhà riêng ở khoảng giá đó còn rất hạn chế, ở mức 17%.