Khi người trẻ rời làng: Nông thôn Thái Nguyên đang cần điều gì? - (Kỳ 1) Xu thế mang tính hai mặt

Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn không chỉ là bài toán kinh tế, mà còn là yếu tố then chốt để đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển nông thôn bền vững. Tuy nhiên, hình ảnh những thanh niên rời xa ruộng đồng để vào làm tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp đang trở thành phổ biến ở nhiều vùng quê Thái Nguyên. Dù xu hướng 'ly nông bất ly hương' đang dần hình thành, thì một câu hỏi ngày càng trở nên cấp bách: Nếu người trẻ tiếp tục rời làng và quay lưng với nông - lâm nghiệp, ai sẽ giữ lấy ruộng đồng, rừng núi, ai sẽ làm chủ tương lai của nông thôn?

Ở nông thôn chủ yếu còn người già, phụ nữ... lao động trên đồng ruộng và các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

Ở nông thôn chủ yếu còn người già, phụ nữ... lao động trên đồng ruộng và các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

Cơ hội mới cho người lao động

Trong bối cảnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và quá trình đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đang trở thành một trong những nhiệm vụ cấp thiết đối với các địa phương, trong đó có tỉnh Thái Nguyên. Với dân số trên 1,3 triệu người, lao động khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ lớn, tỉnh Thái Nguyên đã xác định việc tạo sinh kế ổn định cho lực lượng lao động này chính là chìa khóa để xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Nhiều công ty, nhà máy đã thu hút một lực lượng lao động trẻ ở nông thôn vào làm việc.

Nhiều công ty, nhà máy đã thu hút một lực lượng lao động trẻ ở nông thôn vào làm việc.

Những năm gần đây, tại nhiều vùng quê ở Thái Nguyên, không khó để bắt gặp hình ảnh làng xóm thưa vắng người trẻ. Họ phần lớn là nam, nữ thanh niên từ 18 đến 35 tuổi đã và đang bỏ đồng ruộng để tìm kiếm cơ hội mưu sinh mới tại các khu công nghiệp, nhà máy hoặc các thành phố lớn. Có người chọn đi xa, có người làm ngay trong tỉnh tại các khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình), Yên Bình (Phổ Yên), Sông Công I, II… Đây là dấu hiệu tích cực, cho thấy lao động nông thôn có cơ hội tiếp cận việc làm ổn định, có thu nhập cao hơn, đóng bảo hiểm xã hội và giảm phụ thuộc vào nông nghiệp manh mún, bấp bênh.

Anh Nguyễn Trung Ánh, xóm Tiên Trường, xã Tiên Hội (Đại Từ), cho biết: Tốt nghiệp đại học, em xin được vào làm việc ở Công ty Sansung Thái Nguyên với mức thu nhập cao gấp 3-5 lần so với thu nhập làm nông nghiệp. Ở quê nhà vẫn còn nhiều ruộng và đồi chè, bố mẹ tôi làm là chủ yếu, diện tích nào không làm được thì thuê người làm, nếu không thuê được thì đành “bỏ đói” cho phát triển tự nhiên. Đầu năm, do khô hạn kéo dài, gia đình tôi cũng bị “cháy” mất mấy sào chè vì không có người bắt nước tưới, chăm sóc thường xuyên.

Đặc biệt, trong vài năm gần đây, tỉnh đã đẩy mạnh chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn. Đây được xem là giải pháp hiệu quả giúp người lao động không chỉ có thu nhập cao mà còn tích lũy được kỹ năng, kinh nghiệm làm việc theo chuẩn quốc tế. Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, năm 2024, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 22.300 lao động, trong đó có gần 2.500 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Các thị trường xuất khẩu lao động chính bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore…

Các hoạt động kết nối cung - cầu lao động được tổ chức thường xuyên, giúp người lao động dễ tiếp cận các cơ hội việc làm phù hợp. Năm 2024, tỉnh đã tổ chức Tháng cao điểm kết nối cung - cầu lao động với hơn 40 hoạt động trực tiếp và trực tuyến tại các cấp tỉnh, huyện, xã. Chương trình thu hút trên 200 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng 10 trung tâm dịch vụ việc làm của các địa phương khác. Hơn 10.000 người lao động, học sinh, sinh viên đã tham gia, tìm kiếm cơ hội việc làm và học nghề.

Làng quê dần vắng người trẻ, ai sẽ làm nông, trồng rừng?

Trong 5 năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tạo việc làm mới cho hơn 100.000 lao động, góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập và ổn định đời sống cho người dân nông thôn. Nhưng câu hỏi lớn đặt ra: Nông thôn Thái Nguyên sẽ ra sao nếu người trẻ tiếp tục rời làng? Đằng sau đó là một thực trạng đang hiện hữu: các xã thuần nông, đặc biệt ở vùng cao như Võ Nhai, Định Hóa... đang thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động trẻ. Người ở lại chủ yếu là người cao tuổi, phụ nữ, hoặc lao động không có điều kiện làm xa. Điều này dẫn đến hàng loạt hệ lụy đối với sản xuất nông nghiệp, quản lý rừng và cấu trúc cộng đồng.

Nhiều nghề thủ công truyền thống đang mất dần do không còn người làm.

Nhiều nghề thủ công truyền thống đang mất dần do không còn người làm.

Trong một lần tác nghiệp tại xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương), chúng tôi bắt gặp hình ảnh một bà già và một cháu nhỏ đang làm đồng, hỏi ra mới biết bố mẹ cháu đều đi xuất khẩu lao động, khoảng 3 năm nay mất liên lạc, không biết giờ sống chết ra sao. Bà N.T.T buồn rầu chia sẻ: Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ cháu phải để con gái nhỏ lại cho tôi chăm nuôi để đi lao động xuất khẩu. Từ ngày đi vẫn chưa gửi được đồng nào về, giờ lại mất liên lạc, tôi rất lo lắng nhưng cũng không biết phải làm sao.

Người trẻ rời làng đi làm ở các khu công nghiệp trong, ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động, việc trồng chè, chăm sóc cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, trồng rừng... đều đòi hỏi sức khỏe, kỹ thuật và sự gắn bó lâu dài - điều mà người già khó đáp ứng. Một số diện tích đất nông nghiệp đành bị bỏ hoang hoặc canh tác cầm chừng.

Sự tập trung quá mức lao động vào vùng công nghiệp (TP. Phổ Yên, TP. Sông Công, huyện Phú Bình) dẫn đến hiện tượng “dân số tăng cơ học” ở khu công nghiệp, nhưng nông thôn thì suy giảm dân số trẻ, mất cân đối phát triển. Nếu không có biện pháp điều tiết, Thái Nguyên dễ rơi vào vòng xoáy phát triển nghiêng lệch - công nghiệp phát triển nhanh, nhưng nông nghiệp lùi bước, nông thôn teo tóp.

Tỉnh ta có trên 180.000ha đất lâm nghiệp. Các chương trình trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng rất cần lao động tại chỗ. Nhưng hiện nay, ở nhiều huyện miền núi như Võ Nhai, Đại Từ, Đinh Hóa… công tác bảo vệ rừng gặp khó vì thiếu tổ đội tuần tra, bảo vệ chuyên trách. Thực tế, nhiều vụ cháy rừng khi xảy ra ở Đại Từ, Định Hóa, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do lực lượng chức năng mỏng và phần lớn người ở địa phương là người già, trẻ em, phụ nữ…

Nhiều nghề tại khu vực nông thôn khó tìm được lao động trẻ.

Nhiều nghề tại khu vực nông thôn khó tìm được lao động trẻ.

Giữ người trẻ không chỉ là giữ lấy một nguồn nhân lực, mà là giữ lấy tinh thần đổi mới, sự phát triển lâu dài và sự sống động của làng quê. Nếu chỉ đầu tư vào nhà máy, mà không đầu tư cho người trẻ làm nông nghiệp, nông thôn sẽ dần mất đi nội lực và bản sắc. Thái Nguyên cần một chiến lược phát triển hài hòa, nơi công nghiệp được hiện đại hóa, nhưng nông thôn vẫn là chốn đáng sống, đáng lập nghiệp. Khi ấy, người trẻ sẽ không phải rời làng để tìm cơ hội - mà chính quê nhà sẽ là cơ hội lớn nhất của họ.

(Còn nữa)

Nhóm P.V

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202504/khi-nguoi-tre-roi-lang-nong-thon-thai-nguyen-dang-can-dieu-gi-ky-1-xu-the-mang-tinh-hai-mat-ff641f4/
Zalo