Khi nào làm đường sắt TPHCM - Cần Thơ 10 tỷ USD?

Bộ Giao thông vận tải thống nhất với kiến nghị của cử tri Cần Thơ việc sớm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối TPHCM - Cần Thơ, theo quy định dự án được nghiên cứu, đầu tư trước năm 2030.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trả lời kiến nghị của cử tri TP. Cần Thơ về tiến độ chuẩn bị Dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Cử tri kiến nghị Bộ GTVT sớm xúc tiến các thủ tục đầu tư dự án này, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Bộ GTVT đặt mục tiêu khởi công dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ trước năm 2030. Ảnh minh họa.

Bộ GTVT đặt mục tiêu khởi công dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ trước năm 2030. Ảnh minh họa.

Trả lời kiến nghị trên, Bộ GTVT cho biết, bộ thống nhất với kiến nghị của cử tri Cần Thơ việc sớm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối khu vực ĐBSCL với TPHCM.Theo quy hoạch đường sắt tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050, tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ có chiều dài khoảng 174km, đi qua 6 tỉnh/thành phố, đường đôi, khổ ray 1.435mm; lộ trình nghiên cứu, đầu tư trước năm 2030.

"Thực hiện các chủ trương của Bộ Chính trị và quy hoạch mạng lưới đường sắt, Bộ đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phấn đấu khởi công trước năm 2030", Bộ GTVT thông tin.

Theo phương án mới đây, dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ có tổng chiều dài gần 135km. Điểm đầu tại ga Tân Kiên (TPHCM), đi qua các ga Thanh Phú - Tân An - Trung Lương - Cai Lậy - Cái Bè - Mỹ Thuận - Vĩnh Long và điểm cuối tại ga Cái Răng (Cần Thơ).

Dự án được thiết kế tốc độ 200km/h đối với tàu khách và 150km/h đối với tàu hàng, thời gian đi từ TPHCM đến Cần Thơ khoảng 45 phút. Ước tính tổng mức đầu tư dự án khoảng 10 tỷ USD.

Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri Cần Thơ tháng 12/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ dừng ở TPHCM, còn phải xuống Cần Thơ, Cà Mau. Việc đầu tư đường sắt đoạn TPHCM - Cần Thơ sẽ thuận lợi vì giải phóng mặt bằng ít, làm thẳng sẽ vừa đẹp, vừa hiệu quả.

“Chúng ta phải làm, bà con cô bác cứ yên tâm, nhưng vì nguồn lực của mình còn có hạn, vì vậy phải phân bổ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần. Vừa qua, nguồn vốn dành cho dự án (đường sắt tốc độ cao - PV) từ Hà Nội đến TPHCM khoảng 67 tỷ USD, tốc độ 350km/h. Từ Hà Nội đi TPHCM chỉ mất khoảng 5 giờ, tương tự khi kéo dài xuống Cần Thơ và thậm chí sẽ xuống tận Cà Mau, trục dọc như vậy”, Thủ tướng chia sẻ.

Cảnh Kỳ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khi-nao-lam-duong-sat-tphcm-can-tho-10-ty-usd-post1718370.tpo
Zalo