Khi nào CSGT được sử dụng vũ lực để khống chế người vi phạm?

Tùy tính chất, mức độ người vi phạm có hành vi chống người thi hành công, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí theo quy định của pháp luật.

Vừa qua, tại TP.HCM xảy ra vụ việc tài xế P sau khi bị lập biên bản vi phạm hành chính đã không ký mà cự cãi, sau đó giật lấy biên bản từ tay một cán bộ CSGT và không chịu trả lại dù đã được CSGT yêu cầu trả lại. Để ngăn chặn nguy cơ tài xế hủy hoại biên bản, lực lượng CSGT đã buộc phải sử dụng vũ lực khống chế để thu hồi lại biên bản, đồng thời báo cáo vụ việc và đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ xử lý.

Từ đây, nhiều bạn đọc bày tỏ thắc mắc rằng theo quy định, khi nào thì CSGT được sử dụng vũ lực khống chế người vi phạm?

Giải đáp, Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết tại Điều 73 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định khi người tham gia giao thông đường bộ không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ thì người thi hành công vụ thực hiện các biện pháp sau đây:

+ Giải thích cho người vi phạm biết rõ về hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ; quyền và trách nhiệm của người vi phạm; thuyết phục, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm, chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát;

+ Áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật trong trường hợp người vi phạm cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;

+ Trường hợp người vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ thì tùy theo tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí theo quy định của pháp luật để ngăn chặn hành vi vi phạm và phòng vệ chính đáng.

Trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng phương tiện và bỏ chạy thì người thi hành công vụ được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, căn cứ khoản 2 điểm a Điều 21 Nghị định số 144/2021 quy định về hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ với mức phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng.

Hành vi cản trở người thi hành công vụ, tùy theo mức độ và tính chất vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 về tội chống người thi hành công vụ.

TUẤN ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/khi-nao-csgt-duoc-su-dung-vu-luc-de-khong-che-nguoi-vi-pham-post834503.html
Zalo