Khi Michelin 'gõ cửa' nhà hàng Việt
Thời gian gần đây, việc một số nhà hàng tại Việt Nam được trao tặng sao Michelin - danh hiệu ẩm thực danh giá hàng đầu thế giới đã tạo nên hiệu ứng tích cực đối với ngành ẩm thực trong nước. Các nhà hàng, quán ăn này nhanh chóng trở thành những điểm đến được đông đảo thực khách săn đón…
Xới cơm - một quán ăn phục vụ những món ăn địa phương giản dị nằm trên đường Láng Hạ, Đống Đa (Hà Nội) liên tiếp được vinh danh trong hạng mục Bib Gourmand (quán ăn ngon với giá cả phải chăng) của Michelin Guide 2024. Anh Lê Minh Tùng, chủ quán, cho biết, danh hiệu này là minh chứng rõ ràng cho chất lượng ổn định mà quán luôn gìn giữ: từ hương vị truyền thống, trải nghiệm ẩm thực chân thực đến nguồn nguyên liệu tươi ngon, an toàn.

Thưởng thức món ăn Việt tại nhà hàng Xới cơm, được gắn sao Michelin. Ảnh: NHCC
Tương tự, quán Bún chả chan trên phố Mai Hắc Đế cũng là một điểm đến gây chú ý trong thời gian gần đây. Bà Nguyễn Thị Hồng, chủ quán cho biết, điểm đặc biệt của bún chả chan khác với bún chả chấm thông thường là những viên chả to kết hợp với nước xương và rau cải, tạo nên hương vị đậm đà, khó quên. “Chúng tôi luôn khẳng định, tiêu chí bán hàng của quán là “tươi, sạch và ngon”, đồng thời, phải giữ được cái tâm của người làm nghề” - bà Hồng chia sẻ.
Chả cá Thăng Long, thương hiệu đã duy trì được 30 năm tại phố cổ Hà Nội lâu nay cũng trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân thủ đô và du khách. Bà Trịnh Thu Hường - chủ quán cho biết, sự hấp dẫn của món ăn chính là nhờ công thức gia truyền qua nhiều thế hệ, từ khâu chọn cá, ướp gia vị đến cách rán cá trên chảo gang để giữ được độ giòn bên ngoài nhưng mềm ngọt bên trong.
“Từ khi được gắn danh hiệu Michelin, quán thu hút được thêm nhiều thực khách, nhất là khách quốc tế. Chúng tôi tự hào và luôn cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực, sáng tạo hơn nữa để gìn giữ thương hiệu này” - bà Hồng chia sẻ.
Chị Patti Webb - du khách Mỹ cho biết: “Bạn có thể nghĩ Michelin ở các thành phố lớn như London (Anh), Paris (Pháp) hay Tokyo (Nhật Bản) nhưng đến Việt Nam rất nhiều quán ăn đã được gắn sao Michelin. Chúng tôi đã thưởng thức nhiều món ăn tại các nhà hàng này, đồ ăn ngon, đậm đà hương vị đặc trưng, những thứ rau gia vị ăn kèm cũng rất thú vị. Đấy là lý do khuyến khích mọi người quay trở lại”.
Theo ước tính của Tổ chức Du lịch ẩm thực thế giới (WFTA), du khách quốc tế dành khoảng 25 - 35% ngân sách cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong suốt hành trình du lịch. Đây chính là cơ hội tuyệt vời cho ẩm thực Việt.
Tuy nhiên, ý kiến một số chuyên gia cho rằng, việc khai thác ẩm thực trong du lịch không nên dừng lại ở việc giới thiệu món ăn, mà cần tạo nên những hành trình khám phá trọn vẹn – nơi du khách được tận tay chế biến, tìm hiểu nguyên liệu, gặp gỡ nghệ nhân nấu ăn và thưởng thức trong không gian đậm chất bản địa.
Những tour du lịch ẩm thực như vậy không chỉ giúp du khách có trải nghiệm sâu sắc mà còn góp phần bảo tồn và quảng bá giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới.
PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cho biết: “Khi nhà hàng, quán ăn được công nhận bởi Michelin, nó trở thành lựa chọn ưu tiên của khách du lịch quốc tế mỗi khi đi du lịch. Việt Nam hoàn toàn có thể khai thác thương hiệu Michelin như một đòn bẩy để nâng tầm du lịch văn hóa – ẩm thực.
Việc được Michelin công nhận sẽ khuyến khích các nhà hàng, quán ăn nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh, dịch vụ và sự ổn định, góp phần đưa hình ảnh ngành ẩm thực Việt Nam trở nên hiện đại mà vẫn đậm đà bản sắc”.
Ý kiến một số chuyên gia cho rằng, để phát huy hiệu quả giá trị từ danh hiệu sao Michelin, các nhà hàng cần xem đây không chỉ là sự công nhận danh giá mà còn là nền tảng để xây dựng một thương hiệu ẩm thực bền vững. Việc duy trì chất lượng món ăn, nâng cao trải nghiệm thực khách, kết hợp truyền thông chiến lược và mở rộng sản phẩm – dịch vụ sẽ giúp nhà hàng khẳng định vị thế trong lòng thực khách.
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, ẩm thực Việt Nam rất cần được đầu tư và khuyến khích phát triển theo các tiêu chuẩn quốc tế. Bởi du lịch ẩm thực sẽ góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch Việt Nam với những giá trị đặc sắc, qua đó góp phần nâng cao tính hấp dẫn, cạnh tranh của điểm đến du lịch Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.
Cũng theo ông Lương, để phát triển ẩm thực Việt tiếp tục vươn tầm thế giới, cùng với việc “chuẩn hóa” dựa trên những giá trị cốt lõi của ẩm thực Việt truyền thống thì cũng rất cần một chiến lược xây dựng danh hiệu ẩm thực riêng của Việt Nam với tư cách là một điểm đến ẩm thực nổi tiếng trên thế giới.
Hệ thống sao Michelin lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1926, với một sao duy nhất biểu thị “nhà hàng rất tốt”. Ngôi sao thứ hai và thứ ba được thêm vào năm 1933, với hai ngôi sao có nghĩa là “nấu ăn tuyệt vời đáng để quay lại” và ba sao là “ẩm thực ngoại hạng, đáng để thực hiện một hành trình đặc biệt”…