Khi mạng xã hội truyền cảm hứng cho du lịch

Các nền tảng mạng xã hội đang trở thành nguồn cảm hứng quan trọng, tác động vào sự thay đổi xu hướng du lịch trong tương lai, đặc biệt là với thế hệ (Gen) Y (sinh từ 1981-1996) và Gen Z (sinh từ 1997-2012).

Nhiều du khách đổ về Mộc Châu (Sơn La), ngắm hoa mận bung nở đẹp như tranh và trải nghiệm cắm trại, đốt lửa xuyên đêm đầy hấp dẫn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nhiều du khách đổ về Mộc Châu (Sơn La), ngắm hoa mận bung nở đẹp như tranh và trải nghiệm cắm trại, đốt lửa xuyên đêm đầy hấp dẫn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Một thập kỷ trước, mọi người thường tìm kiếm trên Internet và đọc các bài đăng trên blog hay báo chí để lên kế hoạch cho chuyến đi của mình. Bây giờ, họ chỉ cần nhấn vào thanh tìm kiếm trên trang web về du lịch. Các video ngắn, hấp dẫn là cách dễ dàng và nhanh chóng để mọi người tìm thấy thông tin mình cần.

Đi đâu? Làm gì? Chỉ cần lướt… mạng xã hội

Theo nghiên cứu năm 2024 của Tập đoàn đa quốc gia về phầm mềm máy tính Mỹ Adobe, hơn 60% người trẻ thuộc thế hệ Gen Z sử dụng TikTok để lên ý tưởng cho các chuyến du lịch. Báo cáo xu hướng du lịch toàn cầu năm 2024 của American Express Travel cũng cho thấy, 39% du khách sẽ tìm đến nền tảng truyền thông xã hội để có nguồn cảm hứng cho chuyến đi.

Trong chuyến đi gần đây đến Thủ đô Hà Nội, Zinara Rathnayake, nhà văn chuyên viết về du lịch, ẩm thực và văn hóa đến từ Sri Lanka, nhận thấy cô em thuộc Gen Z của mình liên tục lướt TikTok để tìm thông tin chỉ dẫn về các quán cà phê, bảo tàng, cửa hàng bán đồ cũ... Hay sang Bangkok (Thái Lan), em gái của Zinara Rathnayake cũng dành khá nhiều thời gian chỉ để lùng sục mua những món đồ mà cô thấy trên TikTok.

Divyalakshmee Nandhoo, nhà sáng tạo nội dung về du lịch trên mạng xã hội từ Mauritius cho rằng, sức hấp dẫn của TikTok nằm ở các video ngắn “đi thẳng vào vấn đề và truyền tải nhiều thông tin chỉ trong vài giây”. Ứng dụng này giúp người dùng dễ dàng khám phá cả hai khía cạnh của một điểm đến tiềm năng, dù người dùng đang tìm kiếm các khu nghỉ dưỡng cao cấp đẹp như tranh vẽ hay hành trình trải nghiệm cuộc sống thường ngày ở các địa phương.

Không riêng TikTok, các phương tiện truyền thông xã hội khác cũng giúp Zinara Rathnayake hay nhiều du khách kết nối với người dân địa phương, từ đó tìm thấy những trải nghiệm ấn tượng. Nhờ một đoạn video lướt xem tình cờ trên Instagram trong chuyến công tác đến London năm 2023, Rathnayake đã có quyết định ngẫu hứng đến Albania. Dựa theo thông tin có trong video, cô đã chọn dừng chân tại trang trại bên hồ Komani của một gia đình bộ lạc đến từ vùng cao nguyên của Albania, dành buổi tối để ngắm sao và lắng nghe những câu chuyện được gia đình nọ chia sẻ.

Các xu hướng mới như “du lịch mua sắm” đang ngày càng phổ biến nhờ TikTok, Instagram, Facebook khi những người có tầm ảnh hưởng sáng tạo nội dung tự quay phim đi siêu thị, các cửa hàng tạp hóa giới thiệu việc mua sắm như một trải nghiệm văn hóa. Hay sự xuất hiện của các “điểm đến du lịch tương đồng”, một xu hướng đang được yêu thích giới thiệu các điểm đến với giá cả phải chăng thay thế những địa điểm nổi tiếng nhưng đắt đỏ.̉

Ngoài việc gợi ý, mạng xã hội cũng giúp người xem sàng lọc những trải nghiệm không hay như những nơi bán hàng “chặt chém”, các hoạt động nguy hiểm cần tránh…

Một tài khoản Instagram chuyên giới thiệu các điểm du lịch. (Nguồn: CNN Travel)

Một tài khoản Instagram chuyên giới thiệu các điểm du lịch. (Nguồn: CNN Travel)

Mặt trái khi chạy theo đám đông

Tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) nhận định, những trào lưu, xu hướng du lịch dựa trên mạng xã hội có thể thúc đẩy phát triển kinh tế của những nơi ít được du khách biết đến nhưng cũng đi kèm với những mặt trái.

Thông thường, khi phương tiện truyền thông xã hội làm cho một điểm đến trở nên nổi tiếng, vô hình trung sẽ gây áp lực lên các địa phương và đơn vị cung cấp dịch vụ, đặc biệt là những nơi có cơ sở hạ tầng hạn chế. Lấy ví dụ như phố đường tàu của Hà Nội, một trong những điểm thu hút khách du lịch khi đến Thủ đô, lực lượng chức năng và nhiều chủ cửa hàng, quán cà phê thường xuyên khá vất vả để kiểm soát cho đám đông du khách xếp hàng check-in - hoạt động vốn bị cấm do thiếu an toàn.

Theo Zinara Rathnayake, tình trạng quá tải du lịch cũng mang đến những rủi ro về môi trường. Cô dẫn chứng, học theo mạng xã hội, không ít du khách trẻ lái xe dọc theo “con đường voi” ở Sri Lanka - một xa lộ trong hành lang động vật hoang dã, nơi voi di chuyển giữa các môi trường sống, để quay video hoặc cho voi ăn. Điều này không những gây nguy hiểm cho tính mạng của du khách mà có thể làm thay đổi thói quen tự nhiên của động vật hoang dã.

Bên cạnh đó, mạng xã hội thường làm mất đi cơ hội tìm thấy nét độc đáo của từng chuyến đi. Những ngày lang thang khám phá điểm đến mới đáng nhớ hơn nhiều so với việc thực hiện danh sách những việc phải làm theo các video trên mạng xã hội.

Nghiên cứu mới nhất của nền tảng du lịch Klook chỉ ra rằng, mạng xã hội chính là công cụ thiết yếu để chia sẻ những trải nghiệm, thúc đẩy yếu tố lan tỏa và nhu cầu du lịch. Những thông tin đăng tải về hành trình, trải nghiệm của du khách trên mạng xã hội sau mỗi chuyến đi đã cung cấp thông tin cho người xem lên kế hoạch và lựa chọn địa điểm, hành trình tiếp theo của họ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, thay vì dành nhiều thời gian chỉ để đến check-in, làm những việc được gợi ý, mỗi du khách nên lên một hành trình riêng trong từng điểm đến. Song song với đó, khi tham gia chuyến đi, hãy là du khách có trách nhiệm, chú ý những cảnh báo an toàn từ địa phương, tôn trọng cộng đồng, văn hóa và bảo vệ môi trường tại mỗi điểm đến.

Kha Ninh (tổng hợp)

Kha Ninh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-mang-xa-hoi-truye-n-ca-m-hung-cho-du-lich-304301.html
Zalo