Khi dòng nước... 'cuốn trôi' tương lai

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước, trong đó có tỉnh Yên Bái xảy ra những vụ đuối nước thương tâm mà nạn nhân chủ yếu là trẻ em, khiến dư luận hết sức lo lắng.

Một trong hai em học sinh tử vong được tìm thấy trong vụ đuối nước xảy ra tại thôn Nghĩa Dũng, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên ngày 8/5 vừa qua.

Một trong hai em học sinh tử vong được tìm thấy trong vụ đuối nước xảy ra tại thôn Nghĩa Dũng, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên ngày 8/5 vừa qua.

Những con số cảnh báo

Hơn nửa năm trôi qua nhưng nỗi đau vẫn hiện hữu trong gia đình anh Triệu Văn H., thôn An Bình, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình khi mất đi con gái do tai nạn đuối nước. Đó là buổi chiều muộn ngày đầu tuần định mệnh của tháng 10/2023. Hôm ấy, cháu Triệu Thị Kim L. - con gái anh H., đi ra phai của thôn An Bình không may bị trượt chân rơi xuống. Khi người dân phát hiện vụ việc thì đã quá muộn.

"Cháu ngoan lắm, không để bố mẹ phải lo lắng nhiều dù tuổi còn nhỏ. Gia đình khó khăn vợ chồng tôi đi làm suốt nên thời gian chăm con cũng ít. Cháu ngoài việc học còn biết đỡ đần việc gia đình, lễ phép nên mọi người ai cũng thương. Cháu là niềm tự hào của vợ tôi, nhưng lại lỡ bỏ bố mẹ mà đi rồi" - anh H. xót xa. Những lời hứa chưa kịp thực hiện, những ước mơ của con trẻ phải mãi mãi khép lại khiến người làm bố càng quặn thắt mỗi khi nhớ đến.

"Tôi hứa sẽ mua cho L. cái xe đạp mới để cháu đi học, bởi chiếc xe cũ thường xuyên bị hỏng. Nhưng chưa kịp thực hiện thì… ” - anh H. nghẹn ngào.

Nỗi đau của anh Triệu Văn H. cũng là nỗi đau của nhiều gia đình khi có con trẻ bị dòng nước vô tri cướp đi sinh mạng. Mới đây nhất, vào chiều ngày 8/5, vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra tại thôn Nghĩa Dũng, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên, khiến 2 em học sinh lớp 7C, Trường THCS Lang Thíp thiệt mạng. Hay vụ 1 em học sinh, 11 tuổi học tại Trường Tiểu học và THCS Âu Lâu, thành phố Yên Bái tử vong vì đuối nước do đi chơi với bạn ở con đập của xã không may bị ngã.

Xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên cắm biển cảnh báo khu vực có nguy cơ xảy ra đuối nước.

Xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên cắm biển cảnh báo khu vực có nguy cơ xảy ra đuối nước.

Đuối nước trẻ em không phải là câu chuyện mới. Thế nhưng, mỗi khi hè đến thì vấn đề này lại được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và trở thành nỗi ám ảnh của mỗi người. Nơi xảy ra đuối nước thường ở ao của gia đình, sông, suối và bị lũ cuốn trôi. Điều đáng nói là năm nào cũng xảy ra những vụ đuối nước thương tâm.

Các vụ tai nạn đuối nước đau lòng xảy ra không chỉ cướp đi sinh mạng, tương lai của các em mà còn là nỗi dằn vặt, khổ tâm và tự trách của chính người thân, gia đình và xã hội khi các em ra đi tuổi còn quá nhỏ. Để rồi những người ở lại chỉ biết khóc thương và gào xé trong 2 từ "giá như”…

Chia sẻ nguyên nhân của thực trạng này, bà Lê Hoàng Anh - Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: "Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhất là trong dịp hè, nhưng nguyên nhân hàng đầu là do chính trẻ em, gia đình, người chăm sóc trẻ đã không hướng dẫn con, cháu mình kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng bơi lội và kỹ năng tự cứu đuối, sơ cấp cứu tìm sự cứu trợ, cũng như không cảnh báo các nguy cơ, hiểm họa môi trường sống gần gia đình".

"Ngoài ra, do nghỉ hè thời tiết oi bức nên trẻ em thích tìm đến nơi có dòng nước mát để chơi và tắm mà không biết cách khoanh vùng nước nông sâu thiếu an toàn để phòng ngừa. Nguyên nhân nữa là do đúng vào thời điểm nghỉ hè thời tiết mưa rất nhiều dẫn đến dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở và tại các khe nước sông, suối, ao, hồ nước dâng cao gây nguy hiểm cho trẻ em”, bà Anh cảnh báo.

Theo thống kê của ngành chức năng, tính riêng trong năm 2023, toàn tỉnh Yên Bái có 26 trẻ tử vong vì đuối nước và từ đầu năm đến nay, con số này đã là 5 trẻ, tập trung chủ yếu ở các huyện: Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình và thành phố Yên Bái.

Trách nhiệm không của riêng ai

Công tác phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không phải trách nhiệm của riêng ai. Bà Lê Hoàng Anh cho biết thêm: "Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để phát huy vai trò của xã hội và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Sở cũng tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em và công tác phòng chống đuối nước ở các địa phương, nhất là các địa phương xảy ra đuối nước ở trẻ em”.

Các địa phương cũng có việc làm thiết thực để phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ. Đơn cử, huyện Lục Yên qua rà soát, trên địa bàn xác định có gần 3.000 hộ gia đình có ao; 140 điểm ao, hồ, sông suối nguy hiểm, nguy cơ cao xảy ra đuối nước ở trẻ em. Để phòng chống đuối nước, huyện đã yêu cầu tất cả xã, thị trấn tổ chức làm nắp đậy giếng, bể nước, làm rào chắn, biển cảnh báo tại các ao, hồ, sông, suối, các công trình xây dựng có nguy cơ xảy ra đuối nước đối với trẻ em…

Bên cạnh đó, nhằm trang bị kỹ năng bơi lội, hạn chế tai nạn đuối nước, rèn luyện sức khỏe, tạo sân chơi bổ ích cho trẻ, trong dịp hè, nhiều bậc phụ huynh cho con em tham gia các khóa học bơi. Anh Hoàng Anh Tú ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái cho biết: "Con mình thể trạng nhỏ, sức khỏe yếu, mình mong muốn tìm môn thể thao giúp con rèn luyện sức khỏe, qua tìm hiểu lợi ích của môn bơi, mình đăng ký cho cháu tham gia khóa học bơi. Ngoài mục đích tăng cường thể lực cho con, do nhà gần sông nên cho con đi học cũng để cháu có kỹ năng tự bảo vệ an toàn cho mình khi gặp những tai nạn liên quan đến nước”.

Những động thái tích cực để hạn chế tai nạn đuối nước cho trẻ em đã được triển khai. Tuy nhiên, công tác phòng chống đuối nước trên địa bàn tỉnh cũng gặp những khó khăn, công tác tuyên truyền đổi mới những chưa sâu rộng, đặc biệt là các địa phương chưa lồng ghép hiệu quả cuộc họp thôn, bản cảnh báo cho người dân; chưa có nhiều khu vui chơi an toàn cho trẻ và do đời sống khó khăn nên lên nhiều phụ huynh chưa dành thời gian trông con trẻ, chưa phân tích, trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để an toàn trong môi trường nước…

Để đuối nước không còn là nỗi ám ảnh, các ban, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai văn bản, kế hoạch của UBND tỉnh về tăng cường phòng chống đuối nước ở trẻ em; tổ chức các lớp truyền thông về Luật Trẻ em, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích đuối nước cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em….

Trong dịp hè, nhiều bậc phụ huynh trên địa bàn thành phố Yên Bái cho con em tham gia các khóa học bơi.

Trong dịp hè, nhiều bậc phụ huynh trên địa bàn thành phố Yên Bái cho con em tham gia các khóa học bơi.

Cùng với đó, các địa phương cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát các vị trí mặt nước ao hồ, sông suối, công trình công cộng, công trình xây dựng trên địa bàn để phát hiện kịp thời nguy cơ trẻ đuối nước, rơi, ngã và các nguy cơ mất an toàn khác; thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, phòng ngừa, cảnh giới, nhắc nhở, bảo đảm môi trường sống an toàn cho mọi trẻ em.

Các địa phương, đơn vị liên quan cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, về phòng chống đuối nước trẻ em; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước trẻ em đến từng trường học, lớp học, thôn, khu phố; giáo dục, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ tai nạn thương tích, đuối nước...

Khi thực hiện đồng bộ các biện pháp trên và có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt cùng sự chung tay của toàn xã hội, đuối nước sẽ không còn là nỗi ám ảnh, là niềm đau của những gia đình nạn nhân.

Thu Hiền

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/323155/khi-dong-nuoc-cuon-troi-tuong-lai.aspx
Zalo