Khi đạo đức ngành y 'va chạm' với rủi ro tài chính

Tình trạng bệnh viện (BV) tự chủ lo bị 'xù' viện phí khi tiếp nhận các ca cấp cứu chưa nộp viện phí, hoặc không rõ danh tính, không có bảo hiểm y tế, đang là vấn đề lớn của ngành y.

 Bệnh nhân nhập viện cấp cứu ở BV Việt Đức nhiều người hôn mê, không biết danh tính nhưng đều được cứu chữa.

Bệnh nhân nhập viện cấp cứu ở BV Việt Đức nhiều người hôn mê, không biết danh tính nhưng đều được cứu chữa.

Làm sao để không ai bị từ chối cấp cứu, nhưng BV cũng không bị áp lực tài chính đè nặng, là bài toán cần có lời giải thực tế.

Theo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi năm 2023), “cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tiếp nhận và điều trị ngay cho người bệnh trong tình trạng cấp cứu, không được từ chối hoặc chậm trễ vì bất kỳ lý do gì”.

Tuy nhiên, trên thực tế, không ít BV – đặc biệt là những đơn vị tự chủ tài chính– rơi vào tình thế “vừa làm vừa run” khi tiếp nhận các ca cấp cứu chưa nộp viện phí, không có bảo hiểm y tế (BHYT), hoặc không xác định được danh tính ngay.

Trên thực tế, việc “xù” viện phí xảy ra ở hầu khắp các BV, đặc biệt là tuyến Trung ương. Là nhà báo y tế, chúng tôi biết rất rõ điều này. Thậm chí, nhiều năm trước, từng có các bác sĩ ở một khoa của BV tuyến cuối phải góp tiền để đền hơn 40 triệu tiền viện phí do bệnh nhân bỏ trốn hoặc không nộp khi ra viện. Vì thế, “con chim gãy cánh sợ cành cây cong” là có thật và có lý, bởi nhân viên y tế không thể mãi trả cho người khác, khi việc “xù” viện phí là câu chuyện không hiếm.

Theo PGS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc BV ĐHYHN, kiêm Giám đốc BV ĐK tỉnh Bình Dương - chỉ 4 tháng đầu năm 2025, BV ĐK Bình Dương đã có 55 ca không có thân nhân, trong đó, 11 ca chữa khỏi, bệnh nhân khỏe mạnh xuất viện và không hề đóng viện phí!

Thống kê không chính thức cũng cho thấy mỗi năm các BV tuyến cuối như BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Việt Đức tiếp nhận hàng trăm ca cấp cứu không xác minh được danh tính, với hàng chục tỷ đồng viện phí không thể thu hồi. Với cơ chế tự chủ, những khoản nợ này BV phải tự lo.

Tình trạng này diễn ra từ lâu, nhưng mãi đến khi người dân phản ánh vụ việc cháu bé bị TNGT ở BV ĐK tỉnh Nam Định, thì mới “bung” ra thành vấn đề xã hội: Làm cách nào để người bệnh được cấp cứu kịp thời, còn nhân viên y tế cũng không còn chịu áp lực phải “đền” mà dồn sức cứu chữa?

GS Trần Bình Giang, nguyên Giám đốc BV Việt Đức, chia sẻ kinh nghiệm của BV Việt Đức khi đã nhiều năm qua, BV ngoại khoa tuyến cuối này thường phải cấp cứu các bệnh nhân nặng, không xác định được nhân thân, chưa nộp viện phí ngay: “Cứ bệnh nhân cấp cứu là phải xử lý và rất nhiều bệnh nhân hôn mê không có người nhà vẫn được BV cấp cứu, mổ, thở máy. Sau đó, hầu hết các gia đình bệnh nhân vẫn đóng viện phí đầy đủ, hơn nữa hầu hết có BHYT, chỉ một số ít mới “xù”.

“Trường hợp bệnh nhân nghèo thì Phòng Công tác Xã hội của BV kêu gọi để các nhà hảo tâm giúp đỡ. Cùng lắm thì BV bù và thực tế, mỗi năm, BV Việt Đức đều phải bù vài tỷ cho các bệnh nhân này” - GS Giang thông tin.

Nhưng các BV tuyến Trung ương còn có nguồn thu để bù, chứ các BV tuyến dưới lấy đâu ra? Vì thế, giải pháp bền vững cho vấn đề cấp cứu bệnh nhân là rất cần thiết.

 Cấp cứu cho bệnh nhân hôn mê khi nhập viện không có người thân đi cùng

Cấp cứu cho bệnh nhân hôn mê khi nhập viện không có người thân đi cùng

GS Trần Bình Giang cho rằng, tốt nhất là những trường hợp không trả được viện phí, các BV cứ chữa, rồi tổng hợp chứng từ để ngân sách Nhà nước chi trả.

Tuy nhiên, cũng có thể cho phép BV được tạm ứng ngân sách Nhà nước để chi trả chi phí cấp cứu, sau đó đối chiếu và quyết toán với BHXH hoặc thân nhân người bệnh, tạo “vùng an toàn” tài chính cho BV khi làm nhiệm vụ cấp cứu.

Một số chuyên gia cho rằng, nên lập Quỹ Bảo đảm cấp cứu y tế quốc gia, chi trả cho các trường hợp đặc biệt, để các BV yên tâm cứu người. Quỹ này có thể được trích từ nguồn thu BHYT, ngân sách quốc gia và đóng góp từ các quỹ xã hội hóa, tổ chức phi lợi nhuận. Khi ấy, y tế công mới thật sự thực hiện được sứ mệnh nhân văn: Không ai bị bỏ rơi khi đang cần cứu sống nhất.

Vấn đề mà các BV lo lắng nhất là chưa thể nhanh chóng xác minh thông tin người bệnh cấp cứu, dẫn đến không dám ứng chi. Điều này có thể khắc phục bằng việc Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện kết nối cơ sở dữ liệu y tế, BHYT, căn cước công dân gắn chip, bệnh án điện tử, sẽ giúp BV xác minh nhanh người bệnh trong các trường hợp khẩn cấp và giảm rủi ro nợ xấu cho BV. Nếu bệnh nhân bị tai nạn hôn mê, có thể quét CCCD để biết họ có BHYT hay không, từ đâu đến, có bệnh nền gì, giúp BV “tự tin” cấp cứu.

Đây cũng là hướng đi phù hợp với Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021–2025 do Chính phủ đề ra.

Trong trường hợp BV đã cấp cứu nhưng không thể thu được viện phí do người bệnh không còn khả năng chi trả, hoặc không xác định được danh tính, thì cần có cơ chế khoanh nợ, miễn giảm hoặc bù lỗ từ ngân sách, tránh để BV bị thua lỗ.

Cấp cứu là quyền sống cơ bản của con người. Tuy nhiên, trong cơ chế tự chủ, nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp, các BV sẽ khó đảm đương vai trò xã hội một cách bền vững. Do đó, Nhà nước cần vừa bảo vệ quyền lợi của người bệnh, vừa có cơ chế phù hợp. Khi đó, không ai bị bỏ rơi khi cận kề cái chết, và BV cũng không đơn độc trên hành trình cứu người.

Thanh Hằng

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/khi-dao-duc-nganh-y-va-cham-voi-rui-ro-tai-chinh-post185411.html
Zalo