U Minh Thượng chủ động ứng phó với hạn, mặn

Tình hình hạn hán và mặn xâm nhập diễn biến phức tạp, chính quyền và người dân huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) có những giải pháp ứng phó linh hoạt, hiệu quả, giúp người dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.

Đợt hạn, mặn mùa khô 2023-2024 gây thiệt hại nặng nề đối với huyện U Minh Thượng. Dù hạn, mặn mùa khô 2024-2025 cơ quan khí tượng, thủy văn dự báo không quá gay gắt nhưng do khô hạn kéo dài, hiện lượng nước trên các tuyến kênh đê bao vùng đệm U Minh Thượng còn khoảng 1,5 triệu mét khối, tương đương với độ sâu nước 1m, giảm 50% so với thời điểm bắt đầu mùa khô. Hiện trữ lượng nước trong kênh mương nông hộ và ao nuôi tôm càng xanh khoảng 32,5 triệu mét khối, giảm khoảng 11,7% so với đầu mùa khô.

Mực nước dưới kênh tại vùng đệm U Minh Thượng xuống thấp do ảnh hưởng hạn.

Mực nước dưới kênh tại vùng đệm U Minh Thượng xuống thấp do ảnh hưởng hạn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh Thượng Dương Quốc Khởi cho biết các ngành của huyện phối hợp với ủy ban nhân dân các xã tăng cường kiểm tra, vận hành hợp lý hệ thống cống, đập nhằm kiểm soát mặn, giữ ngọt; tổ chức nạo vét, khơi thông các tuyến kênh, mương nội đồng để nâng cao khả năng dự trữ nước. Đồng thời, vận động, hướng dẫn người dân tích trữ nước sinh hoạt, thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khô hạn trong mùa khô. Bên cạnh đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền cảnh báo hạn, mặn và các biện pháp ứng phó đến từng địa bàn dân cư.

“Huyện U Minh Thượng đề xuất tỉnh cho chủ trương đầu tư dự án 8 trạm bơm và đập tạm khu vực vùng đệm với tổng kinh phí 60 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu cấp, thoát nước phục vụ sản xuất và phòng, chống sạt lở, sụt lún cho khu vực vùng đệm. Đồng thời, gia cố khắc phục các điểm sạt lở từ mùa khô năm 2024 nhằm đảm bảo việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa cho người dân”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh Thượng Dương Quốc Khởi cho biết.

Hiện tình hình hạn, mặn trên địa bàn huyện cơ bản kiểm soát tốt, chưa ghi nhận thiệt hại đáng kể về sản xuất nông nghiệp. Người dân địa phương chủ động áp dụng nhiều giải pháp để ứng phó hiệu quả với tình hình khô hạn, đảm bảo an toàn cho sản xuất như chủ động trữ nước từ sớm, chuyển đổi sang các loại cây trồng vừa chịu hạn tốt, thu nhập cao; điều chỉnh khung lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời, áp dụng nhiều biện pháp canh tác tiết kiệm nước tưới như hệ thống tưới phun nhỏ giọt; tụ gốc giữ ẩm bằng rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp nhằm hạn chế nước bốc hơi; tăng cường bón phân hữu cơ hạn chế cây bị ngộ độc cho hạn, mặn; sử dụng phân bón lá có chứa kali, canxi, magie, silic giúp cây tăng khả năng chịu hạn, chống chọi với hạn, mặn.

Ông Lý Hồng Diện, ngụ ấp Kênh 5, xã An Minh Bắc nói: “Từ đầu tháng 10-2024, gia đình tôi chủ động bơm nước vào các mương trong vườn để dự trữ nước phục vụ cho cả mùa khô. Đến nay, mực nước trong mương vẫn còn hơn 1m, đủ để tôi tưới rau màu và cây ăn trái cho đến hết mùa khô”.

Nhiều hộ dân nuôi tôm càng xanh tại huyện U Minh Thượng điều chỉnh khung lịch thời vụ thả tôm sớm hơn 1 tháng để tránh hạn, mặn. Theo ông Hồ Văn Nhứt, ngụ ấp Công Sự, xã An Minh Bắc, cùng thời điểm này năm trước, mực nước trong ao bốc hơi khá nhiều, tình hình thả nuôi tôm càng xanh cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nước bổ sung.

Nhờ chính quyền địa phương thường xuyên thông tin, dự báo tình hình hạn, mặn nên người dân chủ động trong sản xuất, tranh thủ cải tạo ao nuôi để thả tôm sớm hơn 1 tháng, bơm cấp nước vào ao từ sớm. Hiện nhiều hộ nuôi tôm vẫn sản xuất ổn định không có thiệt hại xảy ra.

Bài và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/trong-tinh/u-minh-thuong-chu-dong-ung-pho-voi-han-man-26178.html
Zalo