Cải cách bộ máy không chỉ là chuyện của Nhà nước
Ngày 1-7-2025 đã trở thành ngày lịch sử của nước ta khi bộ máy chính quyền địa phương hai cấp đồng loạt vận hành ở 34 tỉnh, thành mới, mở ra chặng đường phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn. Với vai trò chủ lực của nền kinh tế, khu vực doanh nghiệp có thể học được gì từ cuộc cách mạng này?

Cùng với Nhà nước, doanh nghiệp cũng cần chủ động bước vào “cuộc cải cách” của chính mình. Ảnh: LÊ VŨ
Vào ngày cuối cùng của tháng 6-2025, các địa phương đồng loạt tổ chức lễ công bố nghị quyết, quyết định về việc sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp, về nhân sự chủ chốt trên địa bàn. Và từ ngày 1-7-2025, mô hình chính quyền địa phương hai cấp bắt đầu vận hành trên khắp 34 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là bước chuyển lớn về tổ chức bộ máy hành chính, đồng thời là biểu tượng rõ ràng cho tư duy cải cách mang tính chiến lược của Nhà nước: đơn giản hóa để nâng cao hiệu quả, tinh gọn để phục vụ tốt hơn.
Phát biểu tại TPHCM, đô thị đặc biệt và đầu tàu kinh tế của cả nước, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Đến thời điểm này, đội ngũ chúng ta đã chỉnh tề, hàng lối đã ngay ngắn, cả dân tộc cùng hành quân vươn tới tương lai rực rỡ của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì một Việt Nam phát triển bền vững”.
Một chặng đường mới đã bắt đầu, những cơ hội lớn lao đang mở ra với đất nước và cũng mở ra với cộng đồng doanh nghiệp. Bởi mục tiêu cuối cùng của quyết định “sắp xếp lại giang sơn” chính là nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn và đưa đất nước phát triển thịnh vượng. Khi bộ máy hành chính vận hành hiệu quả hơn, ít tầng nấc hơn, có trách nhiệm hơn và tập trung vào chức năng “kiến tạo - phục vụ”, môi trường kinh doanh cũng trở nên minh bạch, dễ dự đoán và hấp dẫn hơn. Đây là những điều kiện tối quan trọng cho sự phát triển bền vững của khu vực tư nhân.
Dẫu vậy, ở những bước đi đầu tiên, khó tránh khỏi khó khăn, thách thức - từ việc thống nhất cơ chế, đồng bộ quy trình, đến quản trị rủi ro chuyển tiếp và cải thiện chất lượng dịch vụ công trong thời gian đầu vận hành mô hình mới. Nhưng trong những bước chuyển ấy, doanh nghiệp cần nhập cuộc với vai trò là một mắt xích tích cực trong guồng quay đổi mới. Với tư cách là những thực thể năng động nhất của nền kinh tế, doanh nghiệp có thể và cần “thi đua sáng tạo”, “lao động, sản xuất, làm ra thật nhiều của cải vật chất và giá trị tinh thần, góp phần đưa đất nước ta ngày một phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn” như lời kêu gọi của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Cải cách bộ máy là việc khó, nhưng duy trì và phát huy hiệu quả sau sắp xếp mới là bài toán thách thức thực sự. Với chính quyền, đó là việc kiểm soát tốt quá trình vận hành, đào tạo cán bộ thích nghi với mô hình mới, củng cố văn hóa hành chính phục vụ và duy trì niềm tin của người dân. Với doanh nghiệp, đó là quản trị sự thay đổi một cách bài bản, không để tinh gọn biến thành suy giảm năng lực, không để cải cách trở thành lý do trì hoãn hoạt động.
Cuộc cải cách hành chính mang tầm vóc chiến lược của nước ta cũng gợi mở nhiều bài học sâu sắc cho khu vực doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đầy biến động, cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Bài học nổi bật là: tinh gọn không đồng nghĩa với giản lược cơ học, mà là quá trình tái cấu trúc có định hướng, có trọng tâm, hướng đến nâng cao hiệu quả vận hành, tối ưu hóa nguồn lực và tăng cường khả năng thích ứng.
Sáp nhập các đơn vị hành chính, thu hẹp đầu mối, giảm tầng nấc quản lý... suy cho cùng là để chuyển từ mô hình hành chính kiểm soát sang mô hình hành chính phục vụ, từ “xin - cho” sang “đồng hành - hỗ trợ”. Tương tự, trong doanh nghiệp, việc tái cấu trúc tổ chức, tối ưu quy trình, chuyển đổi mô hình kinh doanh hay ứng dụng công nghệ số cũng không nên được hiểu là cắt giảm đơn thuần về nhân sự hay chi phí, mà là tái tạo lại năng lực cạnh tranh cốt lõi. Một bộ máy doanh nghiệp tinh gọn, minh bạch và phản ứng nhanh sẽ có khả năng đứng vững trước biến động thị trường, giảm thiểu rủi ro vận hành và nắm bắt cơ hội nhanh hơn.
Thực tế, không ít doanh nghiệp tư nhân, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, bán lẻ và logistics, đang rơi vào tình trạng bộ máy phát triển quá nhanh trong giai đoạn tăng trưởng nóng, dẫn đến phình to nhân sự, chồng chéo chức năng, trì trệ trong việc ra quyết định và chi phí vận hành cao. Khi nhu cầu thị trường giảm tốc, sức ép chi phí tăng lên, những tổ chức không kịp tái cấu trúc sẽ dễ bị hụt hơi.
Vì vậy, cùng với Nhà nước, doanh nghiệp cũng cần chủ động bước vào “cuộc cải cách” của chính mình: cải cách từ tư duy điều hành đến cơ cấu tổ chức, từ văn hóa quản trị đến chính sách nhân sự. Thay vì tập trung vào số lượng phòng ban hay độ phủ thị trường, cần quan tâm nhiều hơn đến hiệu quả trên đầu người, đến mức độ hài lòng của khách hàng, đến khả năng tự ra quyết định của từng cấp quản lý.
Một điểm đáng lưu tâm khác là tinh thần trách nhiệm cá nhân và kỷ cương tổ chức - hai yếu tố được nhấn mạnh trong cải cách hành chính, cũng chính là mảnh ghép còn thiếu trong nhiều doanh nghiệp. Khi bộ máy nhà nước được tái cấu trúc với mục tiêu rõ ràng là “phục vụ người dân, doanh nghiệp”, thì bản thân mỗi cá nhân trong hệ thống hành chính cũng cần thay đổi vai trò: từ người “thực thi” sang người “đồng hành”, từ chỗ trông chờ mệnh lệnh sang chủ động giải quyết vấn đề. Doanh nghiệp cũng vậy! Văn hóa trách nhiệm, minh bạch trong giao quyền, đánh giá hiệu quả dựa trên năng suất thay vì thâm niên, và xây dựng tinh thần “phục vụ khách hàng như phục vụ công dân” sẽ là nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn.
Cải cách bộ máy là việc khó, nhưng duy trì và phát huy hiệu quả sau sắp xếp mới là bài toán thách thức thực sự. Với chính quyền, đó là việc kiểm soát tốt quá trình vận hành, đào tạo cán bộ thích nghi với mô hình mới, củng cố văn hóa hành chính phục vụ và duy trì niềm tin của người dân. Với doanh nghiệp, đó là quản trị sự thay đổi một cách bài bản, không để tinh gọn biến thành suy giảm năng lực, không để cải cách trở thành lý do trì hoãn hoạt động.
Dĩ nhiên, doanh nghiệp và bộ máy hành chính nhà nước là hai mô hình khác nhau, nhưng điểm chung ở đây là mọi tổ chức, dù công hay tư, đều phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới, khi mà nguồn lực hạn chế nhưng kỳ vọng kết quả ngày càng cao. Qua cuộc cách mạng cải cách hành chính của Nhà nước, doanh nghiệp có thể học được rất nhiều, từ tư duy tinh gọn, cách thức tổ chức lại hệ thống, đến văn hóa điều hành và thước đo hiệu quả. Khi cả bộ máy hành chính và cộng đồng doanh nghiệp cùng “chỉnh tề hàng lối”, cùng hành động vì một mục tiêu phát triển bền vững, thì “cuộc hành quân vươn tới tương lai rực rỡ” mà Tổng Bí thư Tô Lâm nói đến hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.