Khi các bà, các mẹ ngày lên rẫy, tối chong đèn đi học xóa mù

Học để viết được tên mình, biết chữ như mấy cháu nội ngoại… Đó là ước muốn của các bà, các mẹ đang tham gia lớp học xóa mù chữ tại xã Xá Lượng, huyện Tương Dương (Nghệ An).

"Vui nhất là ngày viết được tên mình"

Đều đặn trong nhiều tháng nay, Vừ Y Xê (33 tuổi, trú tại bản Hợp Thành, xã Xá Lượng) xong bữa cơm chiều vội vàng cắp sách tới Trường tiểu học Xá Lượng. Ở những lớp xóa mù chữ nơi vùng cao xứ Nghệ, khi mặt trời dần khuất sau rặng núi thì học trò, thầy cô giáo lại bắt đầu vào lớp.

Nhiều người lớn tuổi đến với lớp học xóa mù chữ.

Nhiều người lớn tuổi đến với lớp học xóa mù chữ.

"Chưa đến giờ học nhưng ai cũng muốn đến sớm. Từ nhà ra đến trường hơn ba cây số. Hôm nào đi học cũng phải chở thêm con, chứ ở nhà không có ai trông. Ngày trước ở tận Kỳ Sơn khổ quá, cha mẹ phải lo cái ăn, làm sao no cái bụng đã. Chữ không có thì thôi, chớ bụng đói là chết. Ngày chưa lấy chồng, muốn đi làm công nhân nhà máy mà không biết chữ đành chịu. Khi thấy mọi người xung quanh biết chữ, mình làm gì cũng phải lăn tay làm chứng, buồn lắm", Vừ Y Xê nói.

Đầu hè vừa rồi, một số người trong bản rủ nhau đi học lớp xóa mù chữ, Vừ Y Xê lân la hỏi. Dù mang bầu đến tháng thứ 8, nhưng Xê vẫn xin thầy cô cho theo học.

Từ đó đến nay, Vừ Y Xê chưa nghỉ buổi học nào. Có hôm, Xê về thăm bố mẹ ở tận huyện Kỳ Sơn, cách nhà cả trăm cây số nhưng cũng tranh thủ về sớm để kịp đi học.

"Chồng làm việc ở bệnh viện huyện, nhưng mình không biết chữ xấu hổ lắm. Không biết chữ nên rất khó tính toán tiền bạc. Ngày trước, khi xin việc ở công ty, do không biết viết nên phải đi cạo mủ cao su. Có chồng, có 2 con, rồi lại đang mang bầu nên học chậm. Phải cố gắng nhiều. Giờ mình đã biết đọc, ghép chữ được rồi. Mừng nhất là ngày viết được tên mình", Vừ Y Xê vui vẻ kể.

Hơn thế, nhiều bà, nhiều mẹ còn tham vọng hát được karaoke. "Nhiều lần trong bản có đám cưới, thấy nhiều người hát hò vui vẻ còn mình ngồi im lặng, chỉ biết nhìn vì không biết chữ. Bố mẹ sinh ra đặt cho cái tên, vậy mà chưa một lần viết được ra xem như thế nào. Lần này quyết tâm thì phải học để viết tên cho bằng được", bà Nộc Thị Vân, người dân tộc Khơ Mú chia sẻ ước mơ của mình.

Vừ Y Xê đến lớp học con chữ.

Vừ Y Xê đến lớp học con chữ.

Thầy giáo Cụt Hồng Quân, giáo viên dạy lớp xóa mù chữ ở Trường tiểu học Xá Lượng cho biết, Vừ Y Xê là học viên đi học đầy đủ nhất trong mấy tháng qua. Bất kể mưa nắng, lớp học hiếm khi vắng bóng Xê. Theo thầy Quân, ban đầu, lớp có hơn 30 người đăng ký theo học, độ tuổi từ 25 trở lên. Đến nay, còn chưa đến 20 người. Đây là những thành viên tích cực nhất của lớp. Qua mùa hè này, học viên đã biết đọc, biết viết.

Theo thầy Quân, gần 20 học viên theo học là con số ít so với người dân mù chữ thực tế của xã Xá Lượng. Ở đây, tỷ lệ nam giới mù chữ rất nhiều, nhưng đến lớp học chỉ toàn phụ nữ. "Xóa mù chữ cho đàn ông ở miền núi vô cùng khó thực hiện. Họ mặc cảm, tự ái rất cao, khiến việc vận động đàn ông lớn tuổi đến lớp xóa mù chữ rất khó", thầy giáo Cụt Hồng Quân nói.

Học để khỏi phải lăn tay

Ở điểm Trường tiểu học xã Xá Lượng, hiện có một lớp dạy xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số. Học viên trong lớp độ tuổi từ 30 đến 60 cùng theo học.

Mùa này, miền Tây xứ Nghệ vào buổi tối thời tiết oi nóng. Gió nóng thổi thông thốc từng cơn khó chịu. Đến lớp học, ai cũng nhễ nhại mồ hôi, tay cầm quạt liên hồi nhưng vẫn tươi cười vui vẻ.

Thầy trò cũng đồng hành.

Thầy trò cũng đồng hành.

Hầu hết học viên cho biết, trước đây do hoàn cảnh nghèo khổ, đông con, nhà cách trường mấy ngọn núi nên không có điều kiện học chữ. Lần này, mọi người quyết chí học để "ra xã khỏi lăn tay", khi đến ủy ban xã làm các thủ tục được cầm bút ký tên chứ không phải điểm chỉ như lâu nay nữa. "Thấy đứa cháu nội trong nhà giở sách ê a mà mình nghe không hiểu, lắm lúc cũng tủi, cũng xấu hổ lắm. Thế nên mới gắng mà học", bà Lương Thị Ninh kể.

Ước muốn biết chữ mãnh liệt bậc nhất trong lớp là bà Lỳ Y Xùa (59 tuổi), ở bản Xá Lượng. Bà hay đem gà, ngô, rau rừng xuống huyện bán, cách bản chừng hơn 20km. Sau khi bán hàng xong, bà Xùa vội vàng về nấu cơm cho cả gia đình rồi đến lớp.

Lớp học xóa mù chữ ban đêm tại điểm Trường tiểu học xã Xá Lượng.

Lớp học xóa mù chữ ban đêm tại điểm Trường tiểu học xã Xá Lượng.

"Trước đây, nhà khó khăn quá nên không được đi học. Có người cũng được học chữ rồi nhưng mải lo kiếm sống, ít tiếp xúc với chữ nên quên dần. Từ khi biết có lớp xóa mù chữ nên chị em trong bản rủ nhau đi học để biết tính toán, đi chợ mua bán dễ hơn và mình biết chữ cũng dễ nói con cháu đi học hơn. Biết chữ biết được nhiều thứ có ích. Mọi người ai cũng cố gắng sắp xếp việc nhà để tối đến còn đi học. Phải cố gắng thôi", bà Xùa nói.

Thầy Lỳ Bá Của, giáo viên tham gia dạy xóa mù chữ Trường tiểu học Xá Lượng cho biết, người lớn tuổi tay chân cứng nên khó khăn khi tập viết. "Lớp học như một lớp ghép, có người đã biết viết hoặc đọc nhưng có người chưa biết gì nên công việc dạy học khó khăn hơn. Đa phần học viên là người lớn tuổi nên khi dạy, giáo viên cũng có những lời nói, phương pháp sao cho phù hợp để bài giảng được tiếp thu tốt hơn và mang lại hiệu quả trong giao tiếp", thầy Lỳ Bá Của chia sẻ.

Theo phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, năm 2023 có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, giảm tỷ lệ người mù chữ mức độ 2 trong độ tuổi 15 - 35 xuống 1,2%. Mục tiêu hàng năm, có từ 40 - 60 người tham gia học xóa mù chữ với các hình thức tổ chức học tập phù hợp, đặc biệt tại các xã Lượng Minh, Nhôn Mai, Tam Hợp, Xá Lượng. Hiện số người mù chữ vẫn còn nhiều trong các cộng đồng dân cư.

"Chương trình xóa mù chữ rất thiết thực với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và huyện Tương Dương nói riêng. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho bà con, từ đó thoát nghèo, nâng cao chất lượng đời sống. Hiện chương trình được triển khai tại 3 xã Tam Hợp, Xá Lượng và Lượng Minh. Thời gian tới đơn vị tiếp tục tổ chức dạy học chương trình xóa mù chữ kỳ 2 giai đoạn 1 theo lộ trình của Bộ GD&ĐT", lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho biết.

Hoàng Trinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khi-cac-ba-cac-me-ngay-len-ray-toi-chong-den-di-hoc-xoa-mu-169240817171248992.htm
Zalo