Khi bình đẳng giới là một tiêu chí văn hóa
Trong cuộc sống đời thường, văn hóa thường được dùng với nghĩa một đánh giá tổng hòa về trình độ học thức, lối sống, hành xử của một cá nhân như trong các cụm từ thường gặp: 'người có văn hóa'; 'hành xử có văn hóa'… Từ đó có thể nhận định, đề cao sự bình đẳng giới trong ứng xử cũng là một phần của văn hóa ứng xử hướng tới sự chuyên nghiệp, văn minh và có tính nhân văn cao giữa cá nhân với cá nhân cũng như trong cộng đồng, xã hội.
Bình đẳng giới là một phần của văn hóa ứng xử
Không sai khi nói rằng, văn hóa với đặc thù của mình đã và đang là “bầu không khí”, “hệ sinh thái” để các hoạt động xã hội phát triển và vươn tới thành tựu. Là một quốc gia Á Đông, nhìn nhận một cách thẳng thắn, ở Việt Nam tâm lý “trọng nam”, quan niệm bất bình đẳng vẫn luôn tồn tại ở mọi chiều cạnh của cuộc sống. Điều này dẫn đến, sau gần 40 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, văn hóa, đời sống của Nhân dân đã được nâng lên, nhưng tình trạng bất bình đẳng giới vẫn hiện hữu đâu đó, dẫn đến sự phân biệt giữa lao động nam với lao động nữ vẫn còn thịnh hành ở một số doanh nghiệp, tình trạng bạo hành, lạm dụng phụ nữ vẫn diễn ra cả trong gia đình và ngoài xã hội...
Thay đổi một thói quen đã khó, thay đổi một tâm lý vốn đã ăn sâu trong quan niệm của nhiều thế hệ trong một cộng đồng còn khó hơn rất nhiều. Vì thế, xúc tiến việc xây dựng và coi quan niệm đúng đắn về bình đẳng giới là một tiêu chí văn hóa là việc làm cần được coi trọng, được ghi nhận là một trong những tiêu chí đánh giá phẩm chất văn hóa của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng và toàn xã hội. Quan niệm và ứng xử có văn hóa trong bình đẳng giới nghiêm túc từ hôm nay chính là để ngăn chặn nguy cơ gây dẫn đến mất cân bằng giới, không trút gánh nặng cho tương lai mai sau. Vì thế, trong từng cách nghĩ, cách ứng xử của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi tập thể đều rất cần văn hóa ứng xử bình đẳng giới.
Đơn cử, trong các gia đình, giữ gìn văn hóa ứng xử trên nền tảng bình đẳng giới rất quan trọng. Ở thời đại nào, văn hóa gia đình cũng là nền tảng cho văn hóa xã hội, bởi vậy, văn hóa gia đình là một bộ phận, là cái “gốc” của văn hóa làng, văn hóa nước. Văn hóa gia đình cần xây dựng trên nền tảng nhân văn, đề cao các giá trị đạo đức, nền nếp, kỷ cương một cách tự giác, nuôi dưỡng tâm hồn, rèn giũa phẩm chất, hình thành nhân cách con người. Gia đình tốt sẽ sinh ra những con người tốt, là bảo đảm cho một xã hội tiến bộ, văn minh, đất nước phát triển bền vững. Với tư cách là người mẹ, người thầy đầu tiên, người trao truyền văn hóa, giữ vững “nếp nhà”, người phụ nữ sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình trong gìn giữ nếp sống văn minh trong gia đình. Các nhà khoa học khẳng định vai trò của phụ nữ trong giáo dục gia đình hiện nay đã rất khác so với ngày xưa và cần sự tác động của phụ nữ để các thành viên cùng tham gia vào giáo dục gia đình. Điều quan trọng nhất là làm sao biến giáo dục thành tự giáo dục của các thành viên trong gia đình, để tự nâng tầm phụ nữ lên.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thi, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, gia đình Việt Nam đang thích ứng với sự thay đổi của xã hội hiện đại, ủng hộ bình đẳng giới trong quan hệ vợ chồng. Bình đẳng là một trong những yếu tố quan trọng để giữ gìn hạnh phúc gia đình, giúp các thành viên gắn kết với nhau thông qua các công việc chung hằng ngày trong gia đình. Phụ nữ Việt Nam đang có xu hướng giải phóng tư tưởng khá mạnh mẽ, có nhiều quan điểm hiện đại và cởi mở về hôn nhân và gia đình, thoát ly khỏi những định kiến giới. Bình đẳng giới là một chỉ báo quan trọng của hiện đại hóa và tiến bộ trong gia đình theo hướng hai vợ chồng cùng tham gia đóng góp kinh tế, chi tiêu, quyết định các việc trong gia đình.
Trong môi trường doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh đã được đề cập đến trong nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước như Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng bình đẳng giới trong môi trường làm việc có thể đóng góp vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Theo khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại hơn 12.000 doanh nghiệp thuộc 70 quốc gia, các doanh nghiệp thực hiện các chính sách đa dạng giới có khả năng ghi nhận sự cải thiện trong kết quả kinh doanh cao hơn 31% so với các doanh nghiệp không thực hiện.
Văn hóa doanh nghiệp trên nền tảng văn hóa ứng xử của bình đẳng giới giúp doanh nghiệp có được nguồn nhân tài dồi dào hơn, tăng cường khả năng sáng tạo và đổi mới, cải thiện tỷ lệ giữ chân nhân viên và nhờ đó tiết kiệm chi phí cho công tác tuyển dụng. Đội ngũ nhân sự đa dạng cũng cho phép doanh nghiệp tiếp cận, thấu hiểu tệp khách hàng rộng hơn, nhờ đó góp phần tăng doanh thu và hình ảnh thương hiệu. Thực hành bình đẳng giới trong doanh nghiệp là một nỗ lực cần có sự tham gia của mỗi cá nhân, từ lãnh đạo, quản lý đến từng nhân sự, có sự hợp tác đa bên cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Việc doanh nghiệp tham gia vào tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội rất quan trọng, bởi đó không chỉ là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà còn trực tiếp đóng góp vào hiệu quả kinh doanh…
Khung văn hóa ứng xử của bình đẳng giới - từ rào cản đến cơ hội
Đây là một nội dung quan trọng được đề cập tới trong cuốn sách “Bình đẳng giới tại nơi làm việc - những câu chuyện và giải pháp trong khu vực Việt Nam và trên thế giới” được nhóm tác giả ECUE (doanh nghiệp xã hội cung cấp các dịch vụ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới) tổng hợp từ một dự án nghiên cứu nhằm xác định các cơ hội và trở ngại chính đối với doanh nghiệp trong việc áp dụng các chính sách bình đẳng giới. “Khung văn hóa ứng xử của bình đẳng giới - từ rào cản đến cơ hội” là nội dung trong phần 4: “Khám phá tình hình thúc đẩy bình đẳng giới ở nơi làm việc của một số doanh nghiệp tại Việt Nam”.
Câu chuyện đầu tiên mà cuốn sách đề cập là về nữ giám đốc nhân sự của một công ty Việt Nam. Đối với vị nữ giám đốc này, bình đẳng thuộc về “văn hóa ứng xử”. Đối xử với người khác một cách công bằng là văn hóa và nếu đặt nó trong môi trường làm việc thì vị nữ giám đốc gọi là “sự chuyên nghiệp và văn minh”. Quan niệm này phản ánh một văn hóa nơi làm việc lấy việc xây dựng quan hệ và hài hòa làm trọng, cũng là điều mà nhiều người nước ngoài nhận thấy khi tìm hiểu về văn hóa Việt.
Ở câu chuyện thứ hai, đó là quan điểm “lãnh đạo bằng tấm gương” ở một doanh nghiệp. Cái mà công ty này tin là hiệu quả nhất trong việc thuyết phục nhân viên về bình đẳng giới là những người lãnh đạo phải làm gương cho giá trị này. Thông qua việc học như một nghĩa vụ mặc định, những người có trọng trách quản lý ở các cấp sẽ trở thành hiện thân của giá trị và từ đó lan tỏa niềm tin vào giá trị. Vị nữ giám đốc nhân sự chia sẻ, không cần phải thuyết phục bằng lý lẽ gì hết, mỗi người lãnh đạo, quản lý chỉ là chính cái điều mình muốn thấy, muốn có trong công ty và về lâu dài nó sẽ lan tỏa thành một văn hóa của công ty.
Ở một công ty quốc tế khác, bên cạnh việc học để khai mở nhận thức, nữ giám đốc phụ trách nhân sự gần như đặt một trách nhiệm xã hội đối với đồng nghiệp vì nó liên quan trực tiếp đến thế hệ con cái của họ (ai cũng có gia đình, có con và mong cho con cái những điều tốt đẹp) là phải cùng chị tạo ra môi trường làm việc đa dạng và dung hợp cho tương lai…
Theo cuốn sách, “ở công ty Việt Nam, chúng ta thấy bình đẳng giới là một phần của “văn hóa ứng xử chuyên nghiệp, văn minh”, ở đây đa dạng là một giá trị có tính nhân văn. Nó không phải chỉ là điều phải trái, đúng sai của đạo đức, không phải là những yêu cầu có tính pháp lý từ Nhà nước, cũng không phải là những lợi ích về kinh tế… Những câu chuyện đã phát lộ những cách thức khác nhau mà nhân sự quản lý Việt Nam đã cho rằng mình đang sử dụng và rất hiệu quả trong việc thuyết phục nhân viên của mình về vấn đề đa dạng, dung hợp và bình đẳng giới. Họ lồng ghép những vấn đề này vào khung văn hóa ứng xử, vào tình cảm cá nhân, quan hệ gia đình, cũng như lãnh đạo bằng tấm gương. Chúng tôi nhận thấy có một cái gì đó rất “bản địa” và khác với những khung lập luận trong tri thức Âu - Mỹ về vấn đề này”…
“Tại Việt Nam, không thể phủ nhận bình đẳng giới sẽ giúp các doanh nghiệp khai thác được nguồn nhân lực nữ giới đóng góp vào sự đa dạng và thành công của tổ chức, từ đó giúp tăng năng suất, tăng lợi nhuận tài chính của doanh nghiệp. Dù vậy, vẫn chỉ có một số doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai những hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, phần lớn các doanh nghiệp xếp bình đẳng giới vào mức độ ưu tiên thấp và họ cho rằng không cần phải thực thi các giải pháp bình đẳng giới tại nơi làm việc như một phần trách nhiệm. Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp không tin có bất bình đẳng giới tại doanh nghiệp của họ vì họ không hề đề cập đến “giới tính” trong quảng cáo tuyển dụng và giới tính không phải là điều kiện thăng tiến. Nói cách khác, sự không đề cập thường được hiểu là không có phân biệt và không có phân biệt được hiểu là không có bất bình đẳng. Trên chuỗi lập luận đó, bình đẳng giới được xếp vào mức độ ưu tiên thấp và nhiều doanh nghiệp cho rằng họ không cần phải thực thi các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới” - trích cuốn sách “Bình đẳng giới tại nơi làm việc - những câu chuyện và giải pháp trong khu vực Việt Nam và trên thế giới”.