Khen thưởng 5 tập thể và 38 cá nhân có thành tích trong xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi)
Sáng 5/2, tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Luật Công đoàn 2024, Luật Bảo hiểm xã hội 2024, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã khen thưởng 5 tập thể và 38 cá nhân có thành tích đóng góp trong công tác xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi).
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trân trọng cảm ơn sự phối hợp của các cơ quan có liên quan, thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); sự tham gia trách nhiệm của các cấp Công đoàn và đoàn viên, người lao động cả nước trong quá trình xây dựng, hoàn thiện đạo luật quan trọng này.
“Sự đóng góp của các đồng chí góp phần rất quan trọng để dự thảo Luật được thông qua với số phiếu tán thành cao”, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định.
Theo đồng chí Nguyễn Đình Khang, việc Quốc hội thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi) tạo hành trang pháp lý quan trọng để cán bộ Công đoàn, tổ chức Công đoàn các cấp thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Ghi nhận những thành tích đóng góp của các tập thể, cá nhân trong công tác xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi), Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 38 cá nhân.
5 tập thể được tặng Bằng khen của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam gồm: Vụ Xã hội - Văn phòng Quốc hội; Ban Chính sách - Pháp luật Tổng Liên đoàn; Ban Tài chính Tổng Liên đoàn; Báo Lao Động; Tạp chí Lao động và Công đoàn.
Luật Công đoàn (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, có hiệu lực từ 1/7/2025 gồm 6 Chương với 37 điều; tăng 4 điều so với Luật Công đoàn hiện hành.
Luật được áp dụng đối với Công đoàn các cấp, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn, người lao động và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn.
Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2%, cùng với đó, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ chi của tài chính công đoàn...
Luật Công đoàn 2024 có một số điểm mới nổi bật, như: Mở rộng quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người làm việc không có quan hệ lao động; mở rộng quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài; quy định quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; bổ sung nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam và làm rõ hơn nguyên tắc, nội dung hợp tác quốc tế về công đoàn; quy định cụ thể hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam; bổ sung và làm rõ hơn các hành vi bị nghiêm cấm theo hướng phân loại nhóm hành vi một cách rõ ràng theo các tiêu chí cụ thể...