Khẩu chiến căng thẳng: Ngoại trưởng Mỹ tố Đức 'độc tài trá hình' vì giám sát đảng cực hữu AfD

Một cuộc khẩu chiến căng thẳng đã nổ ra trên mạng xã hội X khi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cáo buộc chính phủ Đức hành xử như một 'chế độ độc tài trá hình' vì quyết định xếp đảng cực hữu Sự thay thế cho nước Đức (AfD) vào diện cực đoan.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio chỉ trích động thái mới của Đức. Ảnh: Getty.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio chỉ trích động thái mới của Đức. Ảnh: Getty.

Trong bài đăng vào chiều 2/6 giờ địa phương, ông Rubio – hiện cũng đang giữ vai trò cố vấn an ninh quốc gia tạm quyền – chỉ trích việc Cơ quan Tình báo nội địa Đức đưa ra quyết định trên, điều này cho phép chính quyền tăng cường giám sát đối với đảng chính trị này. Phó Tổng thống J.D. Vance cũng nhanh chóng hưởng ứng và chỉ trích động thái của Berlin trong bài đăng riêng sau đó.

“Đức vừa trao thêm quyền lực cho cơ quan tình báo để theo dõi phe đối lập”, ông Rubio viết trên tài khoản chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ. “Đó không phải là dân chủ – đó là độc tài trá hình”.

“Điều cực đoan thực sự không phải là AfD – một đảng được lòng dân và vừa giành vị trí thứ hai trong cuộc bầu cử gần đây – mà chính là chính sách nhập cư mở cửa nguy hiểm của giới cầm quyền, điều mà AfD phản đối”, ông tiếp tục.

Ngoại trưởng Rubio kêu gọi Đức – quốc gia đồng minh lâu năm của Mỹ – nên “xem xét lại hướng đi”.

Ba giờ sau, Bộ Ngoại giao Đức đã phản hồi công khai trên X, bác bỏ lập luận của phía Mỹ.

“Đây là dân chủ”, tài khoản của bộ này viết. “Quyết định này là kết quả của một cuộc điều tra kỹ lưỡng và độc lập nhằm bảo vệ Hiến pháp và pháp quyền. Tòa án độc lập sẽ là nơi đưa ra phán quyết cuối cùng”.

“Chúng tôi đã học được từ lịch sử rằng chủ nghĩa cực hữu cần phải bị ngăn chặn”, Bộ Ngoại giao Đức khẳng định.

Phát biểu của ông Rubio không phải là lần đầu tiên các quan chức cấp cao trong chính quyền Trump công khai ủng hộ AfD – một đảng bị chỉ trích vì các phát ngôn bài Do Thái, bài Hồi giáo và chống nhập cư. Một trong những chính trị gia nổi bật nhất của đảng này, ông Björn Höcke, đã bị kết tội vào năm 2024 vì vi phạm luật cấm sử dụng khẩu hiệu phát xít ở nơi công cộng.

Phó Tổng thống J.D. Vance – người từng gặp lãnh đạo AfD tại Munich vào tháng 2, trước thềm bầu cử quốc hội Đức – cũng chia sẻ lại bài đăng của ông Rubio và bình luận: “AfD là đảng được yêu thích nhất tại Đức, và là đại diện rõ nét nhất của miền Đông nước Đức. Giờ đây, bộ máy quan liêu đang tìm cách tiêu diệt nó”.

Trong một bài đăng sau đó, ông Vance tiếp tục công kích: “Phương Tây từng cùng nhau phá bỏ Bức tường Berlin. Và giờ nó đã được dựng lại – không phải bởi Liên Xô hay Nga, mà bởi chính giới tinh hoa chính trị Đức”.

 Nhiều người tuần hành phản đối tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao trong một cuộc biểu tình do đảng cánh hữu AfD tổ chức vào ngày 8/10/2022 tại Berlin, Đức. Ảnh: Getty.

Nhiều người tuần hành phản đối tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao trong một cuộc biểu tình do đảng cánh hữu AfD tổ chức vào ngày 8/10/2022 tại Berlin, Đức. Ảnh: Getty.

Tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2, ông Vance cũng khiến các lãnh đạo châu Âu bất bình khi cáo buộc họ đang quay lưng với các giá trị hậu Chiến tranh Lạnh và kìm hãm quyền tự do ngôn luận.

“Tại Anh và khắp châu Âu, tôi lo ngại rằng tự do ngôn luận đang bị đẩy lùi”, ông phát biểu – một tuyên bố gây chấn động giới ngoại giao khu vực.

Theo hãng tin AP, Cơ quan Tình báo nội địa Đức cho biết đảng AfD đe dọa đến trật tự dân chủ của đất nước.

“Đảng này tìm cách loại trừ một số nhóm dân cư khỏi quyền tham gia bình đẳng trong xã hội, phân biệt đối xử trái Hiến pháp và qua đó hạ thấp giá trị pháp lý của họ”, cơ quan này nêu rõ. “Cụ thể, AfD không xem những công dân Đức có nguồn gốc nhập cư – đặc biệt từ các quốc gia Hồi giáo – là thành phần bình đẳng của dân tộc Đức, theo cách định nghĩa mang tính sắc tộc của họ”.

Các lãnh đạo AfD đã lên án mạnh mẽ quyết định này.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/khau-chien-cang-thang-ngoai-truong-my-to-duc-doc-tai-tra-hinh-vi-giam-sat-dang-cuc-huu-afd-post185187.html
Zalo