Khát vọng vươn tầm Di sản thức giấc

Ngày 10/12/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 1318/NQ-UBTVQH 15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023- 2025, quyết nghị thành lập thành phố Hoa Lư kể từ ngày 1/1/2025 trên cơ sở hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, trở thành Đô thị loại I trực thuộc tỉnh, mang đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ.

Một góc thành phố Hoa Lư văn minh, hiện đại. Ảnh: Trường Giang

Một góc thành phố Hoa Lư văn minh, hiện đại. Ảnh: Trường Giang

Cần thiết cho sự phát triển bền vững

Đô thị hóa là xu thế tất yếu là động lực quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, trong những năm qua, thành phố Ninh Bình luôn chú trọng phát triển đô thị với những định hướng cụ thể. Không gian đô thị được mở rộng, kiến trúc, cảnh quan từng bước được cải thiện, hệ thống đô thị phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại hơn, dân số đô thị tăng, đời sống Nhân dân ngày một nâng cao.

Tuy nhiên, quy mô đô thị thành phố tương đối nhỏ so với tốc độ phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị cao, hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Mặt khác, huyện Hoa Lư thuộc phạm vi quy hoạch mở rộng của thành phố, chịu tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, mô hình quản lý của chính quyền nông thôn làm hạn chế khả năng đột phá, chưa khai thác được hết tiềm năng, thế mạnh về du lịch, nhất là việc phát huy giá trị của vùng đất Cố đô di sản.

Do vậy, việc thành lập thành phố Hoa Lư trên cơ sở hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư là tất yếu và cần thiết, nhằm tạo không gian, dư địa và động lực đầu tư phát triển một cách đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị theo hướng “Xanh và Bền vững”.

Thành phố Hoa Lư-Đô thị loại I hiện đại, mang dấu ấn di sản

Thành phố Hoa Lư được thành lập có diện tích 150,24 km2 , dân số hơn 238.000 người, thành phố được phát triển với định hướng và đặc trưng là Đô thị di sản thiên niên kỷ, khu vực nội thành là trung tâm phát triển đô thị và dịch vụ du lịch, trong khi khu vực ngoại thành tập trung bảo tồn di sản văn hóa-thiên nhiên, phát triển du lịch bền vững dựa trên nền tảng giá trị văn hóa-lịch sử của Cố đô Hoa Lư và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An-hai điểm nhấn quan trọng trong mạng lưới đô thị di sản thế giới.

Ngày 5/12/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1516/QĐ-TTg, công nhận khu vực dự kiến thành lập thành phố Hoa Lư, trực thuộc tỉnh Ninh Bình đạt tiêu chí đô thị loại I.

Đây là mốc son có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định vị thế trung tâm của tỉnh, tạo tiền đề vững chắc để thúc đẩy kinh tế, văn hóa, du lịch và bảo tồn di sản văn hóa của vùng đất Cố đô, đưa Hoa Lư trở thành một đô thị hiện đại và văn minh, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Nhà hát Phạm Thị Trân, công trình văn hóa tạo diện mạo mới cho đô thị di sảnthành phố Hoa Lư. Ảnh: Trường Giang

Nhà hát Phạm Thị Trân, công trình văn hóa tạo diện mạo mới cho đô thị di sảnthành phố Hoa Lư. Ảnh: Trường Giang

Mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Hoa Lư

Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, động lực để xây dựng và phát triển thành phố Hoa Lư bảo đảm phù hợp với đặc trưng là Đô thị di sản thiên niên kỷ, là trung tâm chính trịhành chính, văn hóa, kinh tế, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, đầu mối hợp tác quốc tế của tỉnh, là trung tâm du lịch vùng và quốc gia, mang giá trị toàn cầu.

Phát triển đô thị bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa kế thừa giá trị truyền thống và hiện đại hóa, nhất là kiến trúc, cảnh quan đô thị; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế-xã hội, lấy bảo tồn làm nhiệm vụ ưu tiên, lấy phát triển kinh tế-xã hội làm động lực cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Một số nhiệm vụ trọng tâm

Một là, xây dựng tổ chức, bộ máy đáp ứng yêu cầu của thành phố mới. Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, bảo đảm toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng: rõ việc, rõ người, rõ kết quả, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Đảng, Nhà nước. Đào tạo, bồi dưỡng và lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn xứng tầm nhiệm vụ, có tinh thần trách nhiệm cao, có khát vọng cống hiến và khát vọng xây dựng thành phố.

Hai là, rà soát, cập nhật điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, bảo đảm tính liên thông, kết nối, theo định hướng Đô thị di sản thiên niên kỷ; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực cho sự phát triển, thu hút đầu tư và tạo điểm nhấn cho không gian, cảnh quan đô thị, góp phần nhận diện thành phố Hoa Lư.

Ba là, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống riêng có của thành phố; bảo quản, tu bổ, phục dựng, phát huy giá trị của các di tích, di sản đã được Nhà nước công nhận trên địa bàn, trọng tâm là Cố đô Hoa Lư, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Non Nước, sông Vân...

Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là công tác giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Năm là, tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, là điểm đến an toàn cho du khách trong và ngoài nước.

Niềm tin và khát vọng

Bước vào giai đoạn mới, thành phố Hoa Lư không chỉ là trung tâm kinh tế-văn hóa mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết, khát vọng phát triển. Từ những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, Hoa Lư vững tin trên hành trình chinh phục những đỉnh cao mới, để không chỉ là niềm tự hào của Ninh Bình mà còn là điểm sáng của Việt Nam trong mắt thế giới.

Thành phố Hoa Lư đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của tỉnh Ninh Bình, mở ra cơ hội lớn để khẳng định vị thế địa phương. Với chiến lược quy hoạch bài bản, cơ chế đột phá và sự đồng thuận của Nhân dân, thành phố Hoa Lư không chỉ là đô thị hạt nhân của tỉnh mà còn là biểu tượng văn hóa- lịch sửphát triển bền vững của cả nước.

Mùa xuân đang đến, mang theo sự chuyển mình mạnh mẽ của một đô thị mới. Hoa Lư thành phố di sản thiên niên kỷ sẽ tỏa sáng, xứng đáng với kỳ vọng của Nhân dân và sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Trong sắc xuân rực rỡ, mỗi người dân Hoa Lư như hòa nhịp cùng bản giao hưởng lớn của đất trời, cùng kiến tạo một tương lai đầy khát vọng cho quê hương, đất nước.

THÀNH PHỐ HOA LƯ

Thành phố Hoa Lư có diện tích tự nhiên là 150,24 km2 và quy mô dân số là 238.209 người. Thành phố có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 12 phường: Bích Đào, Đông Thành, Nam Bình, Nam Thành, Ninh Giang, Ninh Khánh, Ninh Mỹ, Ninh Phong, Ninh Phúc, Ninh Sơn, Tân Thành, Vân Giang và 8 xã: Ninh An, Ninh Hải, Ninh Hòa, Ninh Khang, Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Vân, Trường Yên. Thành phố Hoa Lư sở hữu hệ thống di tích, danh thắng đồ sộ, đa dạng, bao gồm: 468 di tích đã được kiểm kê (chiếm hơn 25% số di tích đã được kiểm kê trên địa bàn tỉnh). Trong đó có hơn 106 di tích đã được xếp hạng gồm 76 di tích cấp tỉnh, 28 di tích cấp quốc gia và 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư, danh lam thắng cảnh Tràng An-Tam Cốc-Bích Động, Di tích lịch sử núi Non Nước) và 1 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới-Quần thể danh thắng Tràng An. Về di sản văn hóa phi vật thể, thành phố có 104 di sản được kiểm kê, gồm 6 loại hình, trong đó có 3 di sản được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội Hoa Lư, nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, nghề thêu ren Ninh Hải.

Đinh Văn Tiên
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hoa Lư

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/khat-vong-vuon-tam-di-san-thuc-giac-214465.htm
Zalo