Khát vọng vươn mình từ những trang sách
Không ít lần tôi tự hỏi, vai trò của doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất bản sách và những cá nhân như chúng tôi trong bối cảnh phát triển đất nước hiện tại là gì? Phải chăng, chúng tôi chỉ đơn thuần vận hành công việc kinh doanh?...
Những ngày giáp Tết năm 2024, tôi ghé thăm trung tâm Phước Lộc Thọ ở quận Cam, Mỹ. Không khí Tết rộn ràng nhưng không quá đông đúc. Về Sài Gòn, mùng 5 Tết, tôi đi Đường Hoa Nguyễn Huệ. Người như nêm, không thể chụp hình riêng mà không vướng người khác.
Từ sự đông đúc đó, tôi nghĩ thị trường Việt Nam quá tiềm năng. Cho nên, nếu muốn nhắm vào thị trường người Việt, nên quan tâm đến quê nhà với hơn 100 triệu dân. Còn nếu muốn bán cho khách nước ngoài thì phải nhắm đến 7 tỷ người chứ không chỉ hơn 5 triệu kiều bào. Như vậy, ước mơ vươn tầm phải xuất phát từ việc xác định đúng đối tượng khách hàng và dám nghĩ lớn nhưng có những bước đi cụ thể, chắc chắn.
Việc dịch các tác phẩm Việt Nam ra nhiều ngôn ngữ và bán bản quyền ra thế giới không chỉ là cơ hội kinh doanh mà còn là sứ mệnh văn hóa, là cách để giới thiệu với thế giới về một Việt Nam đương đại.
Là một doanh nhân trong lĩnh vực xuất bản sách, không ít lần tôi tự hỏi, vai trò của doanh nghiệp và những cá nhân như chúng tôi trong bối cảnh phát triển đất nước hiện tại là gì? Phải chăng, chúng tôi chỉ đơn thuần vận hành công việc kinh doanh? Hay sâu xa hơn, chúng tôi còn mang sứ mệnh đặc biệt để đóng góp vào khát vọng vươn tầm của dân tộc?
Khát vọng vươn tầm ấy không phải chỉ của riêng tôi, hay của Saigon Books - công ty mà tôi đang điều hành. Nó là khát vọng chung của cả dân tộc Việt Nam, một đất nước đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và đang đứng trước cơ hội phát triển vượt bậc để khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới.
Tôi tin rằng, doanh nhân không chỉ đơn giản là người làm kinh tế mà còn phải là người kiến tạo tương lai, không chỉ phát triển doanh nghiệp mà còn phải đóng góp vào sự thịnh vượng chung. Trong kỷ nguyên hiện nay, doanh nhân chính là những chiến binh tiên phong để dân tộc có thể bứt phá vươn xa.
Quay trở lại chuyện của tôi, Saigon Books đã luôn cố gắng đóng góp một phần nào đó vào hành trình phát triển văn hóa đọc. Chúng tôi xuất bản đa dạng dòng sách, từ sách đời sống tinh thần, hoàn thiện bản thân đến sách giáo trình chuyên ngành cho đại học. Nhưng tôi biết rằng, nếu chỉ phục vụ thị trường nội địa, chúng tôi đang tự giới hạn khả năng của chính mình.
Điều gì sẽ xảy ra nếu những tác phẩm xuất sắc của Việt Nam được dịch ra hàng chục thứ tiếng và được bán khắp năm châu? Điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày TP.HCM được vinh danh là “Thủ đô sách thế giới”? Và điều gì sẽ xảy ra nếu doanh nghiệp Việt Nam, không riêng gì Saigon Books, có thể cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn lớn mạnh trên trường quốc tế?
Giấc mơ về một TP.HCM trở thành “Thủ đô sách thế giới” được UNESCO công nhận không còn là viễn tưởng. Đó là khát vọng được đặt trên nền tảng thực tế: Một thành phố năng động với dân số trẻ, ham học hỏi và đang ngày càng quan tâm đến việc đọc sách. Nhưng để biến giấc mơ này thành hiện thực, cần có sự chung tay của cả hệ sinh thái xuất bản, từ chính quyền, các nhà xuất bản, công ty sách, hệ thống phân phối, thư viện đến không gian văn hóa đọc.
Việc dịch các tác phẩm Việt Nam ra nhiều ngôn ngữ và bán bản quyền ra thế giới không chỉ là cơ hội kinh doanh mà còn là sứ mệnh văn hóa, là cách để giới thiệu với thế giới về một Việt Nam đương đại: Sâu sắc trong tư tưởng, phong phú trong văn hóa và đầy khát vọng vươn lên. Khi nhìn ra thị trường toàn cầu với 7 tỷ người, chúng ta thấy được tiềm năng vô tận cho văn hóa Việt Nam.
"Tôi tin rằng, doanh nhân không chỉ đơn giản là người làm kinh tế mà còn phải là người kiến tạo tương lai, không chỉ phát triển doanh nghiệp mà còn phải đóng góp vào sự thịnh vượng chung".
Với mong muốn tương tự và để trở thành quốc gia tiêu điểm tại Hội Sách Frankfurt - hội sách lớn nhất thế giới, Indonesia đã chi ra hơn 3 triệu đô la Mỹ để dịch những tác phẩm kinh điển của họ ra tiếng Anh, sau đó, chào bán bản quyền ra thế giới.
Tham vọng xây dựng Saigon Books thành tập đoàn xuất bản tư nhân không chỉ là chuyện về quy mô. Đó là tầm nhìn về một mô hình kinh doanh hiện đại, nơi công nghệ được ứng dụng triệt để trong sản xuất và kinh doanh, nơi kênh phân phối truyền thống và số hóa được tích hợp đồng bộ và nơi những cuốn sách bestsellers không chỉ đếm bằng con số vài chục ngàn bản mà là hàng trăm ngàn bản.
Để thực hiện được những khát vọng này, Saigon Books cần có chiến lược "vươn ra biển lớn" theo từng bước: Xây dựng nền tảng vững chắc từ thị trường nội địa. Đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và chuyển đổi số. Phát triển đội ngũ biên tập viên và dịch giả chuyên nghiệp. Xây dựng mạng lưới đối tác quốc tế. Tạo dựng thương hiệu mạnh trên các nền tảng thương mại điện tử toàn cầu như Amazon…
Khát vọng vươn tầm của doanh nghiệp phải gắn liền với khát vọng phát triển của dân tộc. Khi mỗi doanh nghiệp có hoài bão lớn và dám nghĩ dám làm, đất nước sẽ có thêm động lực để phát triển bứt phá. Đặc biệt trong lĩnh vực xuất bản, mỗi cuốn sách không chỉ là một sản phẩm kinh doanh mà còn là nguồn tri thức, là góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Năm 2025 mở ra với những thách thức nhưng cũng đầy cơ hội. Điều quan trọng là dám ước mơ lớn nhưng phải đi kèm những bước đi thực tế, chắc chắn. Từ những trang sách, có thể vun đắp những ước mơ, nuôi dưỡng những khát vọng và quan trọng nhất, góp phần tạo nên những thay đổi cho đất nước và con người Việt Nam.
(*) CEO Saigon Books