Khát vọng đổi mới với tên mới: Xã Suối Hai
Mới đây, với việc lấy ý kiến nhân dân, được HĐND huyện Ba Vì thông qua phương án sáp nhập xã Ba Trại và xã Tản Lĩnh thành đơn vị hành chính mới với tên gọi là Suối Hai đang trình các cấp có thẩm quyền công nhận, không chỉ là quyết định về mặt tổ chức hành chính, mà còn thể hiện khát vọng đổi mới, phát triển của người dân nơi đây.
“Cô gái Suối Hai” từng là biểu tượng của sự bền bỉ, chịu thương chịu khó, nay tiếp tục truyền cảm hứng trong hành trình vươn tới tương lai. Suối Hai - tên gọi mới của vùng đất cũ đang dần định hình diện mạo nông thôn mới kiểu mẫu, nơi cửa ngõ phía Tây Thủ đô.

Xã Tản Lĩnh được thiên nhiên ưu đãi, hình thành nhiều khu du lịch sinh thái nổi tiếng. Ảnh: Sơn Tùng
Những năm gần đây, với sự quan tâm đầu tư từ thành phố Hà Nội, sự đồng hành sát sao của chính quyền huyện Ba Vì, hai xã: Tản Lĩnh, Ba Trại chuyển mình mạnh mẽ, hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, công trình công cộng được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu dân sinh, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... Tản Lĩnh và Ba Trại là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu, trở thành điểm sáng trong xây dựng cộng đồng nông thôn văn minh, hiện đại, giàu bản sắc. Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch gắn với phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái đang được nhân rộng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Tại Tản Lĩnh, tinh thần dân chủ “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được phát huy hiệu quả trong mọi công trình, dự án. Điều này tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa mới...

Một góc làng quê Tản Lĩnh với những tuyến đường hoa đẹp mắt. Ảnh: Sơn Tùng
Cùng với đó, kinh tế địa phương tăng trưởng khá, chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; nhiều mô hình sản xuất mới ra đời. Trong đó nổi bật là mô hình trồng cây mai trắng tại thôn An Hòa. Hiện tại, hơn 60% số hộ dân trong thôn tham gia trồng mai tại vườn nhà và đất thuê. Một số hộ có thu nhập 1-2 tỷ đồng/năm từ cây mai, như hộ ông Đỗ Văn Tuấn với hơn 2ha vườn mai, doanh thu khoảng 700 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động.
Mô hình trồng mai cảnh không chỉ mở hướng chuyển đổi sản xuất hiệu quả mà còn được đưa vào quy hoạch phát triển chính thức với tổng diện tích lên tới 20ha. Các thôn: Cẩm Phương, Tam Mỹ, Yên Thành… cũng cử người đến học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình.
Bên cạnh đó, Tản Lĩnh chú trọng nâng cao đời sống tinh thần, chất lượng an sinh xã hội. Hệ thống giáo dục được đầu tư đồng bộ, đạt chuẩn phổ cập các cấp. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân được nâng cao. Các chương trình an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình chính sách được thực hiện đầy đủ. Đến nay, xã không còn hộ nghèo... Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng gắn với xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động cộng đồng, như: Uống nước nhớ nguồn; đoạn đường phụ nữ tự quản; sạch làng, đẹp ruộng; đoạn đường nở hoa... được nhân dân hưởng ứng tích cực, góp phần giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, nâng cao ý thức sống văn minh, nghĩa tình.
Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Phạm Đình Hùng khẳng định, với những kết quả nổi bật trên cả ba lĩnh vực: Kinh tế - xã hội - môi trường, Tản Lĩnh đang từng bước tiến gần mục tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của xã mới trong giai đoạn mới.
Còn tại Ba Trại, đến cuối năm 2024, 100% trục đường chính liên thôn của xã được bê tông hóa, cứng hóa; 100% đường ngõ xóm rộng hơn 2m có điện chiếu sáng; 100% số trường học đạt chuẩn quốc gia và 100% số thôn có nhà văn hóa, thuận lợi cho phát triển cộng đồng.
Không chỉ thay đổi về hạ tầng, Ba Trại còn nổi bật với mô hình kinh tế nông thôn đa giá trị. Toàn xã hiện có 2.050 hộ trồng chè với diện tích 471ha. Sản phẩm chè búp khô Ba Trại đã được chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao, trở thành niềm tự hào của địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại Nguyễn Tạ Tấn cho biết, với địa hình đồi núi, khí hậu mát mẻ, trong lành, đây là điều kiện lý tưởng cho cây chè phát triển. Với 471ha, Ba Trại là vùng trồng chè lớn nhất của huyện. Trung bình mỗi hộ dân có từ 2.000m2 đến 3.000m2 đất chè. 9/10 thôn của xã Ba Trại đã được thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề chế biến chè búp khô truyền thống. Thu nhập bình quân của Ba Trại đạt hơn 70 triệu đồng/người/năm.

Ba Trại bát ngát chè xanh giúp làng quê thêm đẹp, nông dân thêm giàu. Ảnh: Sơn Tùng
Ông Bùi Ngọc Chung, người dân tộc Mường, xã Ba Trại chia sẻ: Sản phẩm chè Ba Trại có chất lượng cao, giúp người dân địa phương giảm nghèo bền vững; nhiều hộ mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, làm giàu trên "vùng đất khó"...
Tới đây, với tên gọi mới: Suối Hai - Tản Lĩnh và Ba Trại bước vào giai đoạn mới đầy hứa hẹn. Suối Hai không chỉ hướng đến mục tiêu phát triển nông thôn mới kiểu mẫu văn minh, hiện đại mà còn cam kết gìn giữ giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào, xây dựng cộng đồng xanh, sạch, bền vững. Những đồi chè bạt ngàn, nông sản sạch, làng nghề truyền thống, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp... là nền tảng vững chắc cho phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp bền vững.
“Chúng tôi luôn tự hào về quê hương, đặc biệt khi mang tên Suối Hai. Chúng tôi càng thêm động lực kiến tạo cộng đồng đoàn kết, phát triển mạnh mẽ hơn”, ông Nguyễn Văn Chính, người dân Ba Trại nói. Còn theo chị Nguyễn Thị Huệ ở xã Tản Lĩnh, các chính sách hỗ trợ nông dân sẽ ngày càng hiệu quả hơn, giúp người dân duy trì, mở rộng mô hình trồng mai trắng, đưa sản phẩm đi xa hơn. Suối Hai sẽ kết nối bền vững giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch sinh thái. Qua đó, cải thiện thu nhập cho người dân địa phương, tạo động lực để các thế hệ phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường sống...
Với quyết tâm và nỗ lực không ngừng, xã Suối Hai tiếp tục là điểm sáng trong xây dựng cộng đồng thịnh vượng, hội tụ tinh thần đoàn kết, sáng tạo, cống hiến của người dân địa phương.