'Khát vọng đỏ' - câu chuyện về lý tưởng của người lính thời hiện đại

Vở nhạc kịch 'Khát vọng đỏ' là công trình nghệ thuật đặc biệt vừa được Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội phối hợp Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam ra mắt công chúng, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cảnh trong vở nhạc kịch “Khát vọng đỏ”. (Ảnh TÈNG)

Cảnh trong vở nhạc kịch “Khát vọng đỏ”. (Ảnh TÈNG)

Khát vọng đỏ” được Nghệ sĩ Ưu tú Lê Ánh Tuyết đạo diễn, dựa trên kịch bản văn học của Tiến sĩ, Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương; Chuyển thể kịch bản nhạc kịch: Trung tá, Nhà văn Phạm Thị Vân Anh; Sáng tác âm nhạc: Đại tá, Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy và Thiếu tá, Nhạc sĩ Đỗ Bảo; Thiết kế mỹ thuật: Nghệ sĩ Nhân dân Đạt Tăng.

Vở nhạc kịch chuyển tải câu chuyện xoay quanh các thành viên trong gia đình Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng An - nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân y. Trong vòng xoáy của xã hội hiện đại đầy biến động và thực dụng, người con trai cả nối nghiệp cha trở thành bác sĩ quân y và đang ra sức chữa bệnh cứu người, phục vụ nhân dân nơi vùng cao biên giới, thì ở nhà, người con trai thứ quyết định lựa chọn cho mình một ngã rẽ khác biệt, còn người con dâu cả bị cuốn theo ảo ảnh hào quang của tình - tiền.

Trên nền bối cảnh đó, “Khát vọng đỏ” đưa người xem đến với hành trình tìm kiếm, định hình lý tưởng sống của các thế hệ trong một gia đình quân nhân, nơi các nhân vật phải đấu tranh với những xung đột giữa truyền thống và hiện đại, giữa chấp nhận hy sinh và mưu cầu lợi ích. Để rồi từ đây, vở diễn làm bật lên những vấn đề bức thiết đang đặt ra với giới trí thức công tác trong quân đội, đó là lý tưởng sống, quan niệm về sự cống hiến, hưởng thụ, nhu cầu tình cảm, sự gắn kết vợ chồng và ý thức, trách nhiệm của người lính trong thế giới “phẳng” hiện nay.

Những lớp kịch được xử lý khéo léo đã đẩy các tình huống kịch lên cao trào với nhiều cảm xúc, kịch tính, rồi lại từng bước gỡ dần những nút thắt bất đồng trong tư tưởng giữa các thế hệ cũng như giữa các cá nhân với gia đình, xã hội. Đó cũng là lúc vở diễn truyền đi cảm hứng tích cực, giàu sức lay động, nhắc nhở mỗi người hãy biết trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống, sống có lý tưởng, hoài bão và khát vọng cống hiến.

Điều thú vị của “Khát vọng đỏ” là hình ảnh người lính không xuất hiện quá dày đặc nhưng qua những câu chuyện về gia đình, đồng đội của họ được phản ánh trong vở diễn đã góp phần thắp sáng tinh thần dấn thân của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” giữa thời bình vì sự bình yên của Tổ quốc, sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Đó là trách nhiệm, cũng là khát vọng của người lính hôm nay đã được hun đúc, trao truyền từ thế hệ đi trước.

Đáng chú ý, cùng với việc dũng cảm khai thác đề tài hiện đại, “Khát vọng đỏ” còn được thổi hơi thở tươi mới của nhạc kịch Broadway đương đại với phong cách âm nhạc đa dạng từ ballad, pop đến rock, kết hợp nhuần nhuyễn cùng mạch kịch để mang đến những góc nhìn hiện đại, giúp thu hút nhiều công chúng trẻ. Thiếu tá, nhạc sĩ Đỗ Bảo cho biết, một trong những dấu ấn của “Khát vọng đỏ” là 100% các nghệ sĩ, nhạc công tham gia biểu diễn đều thể hiện trực tiếp, nhằm giúp khán giả cảm nhận được sự tinh tế, chân thực nhất của âm thanh, từ tiếng đàn, tiếng sáo đến giọng hát mộc đầy nội lực của nghệ sĩ.

Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, dàn nhạc với 60 nhạc công (hợp lực từ hai dàn nhạc của Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam) đã được đưa lên sân khấu, xuất hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối vở diễn càng mang đến những hình dung cụ thể cho người xem về sự dụng công đầu tư cho âm nhạc của “Khát vọng đỏ”. Bên cạnh đó, những màn vũ đạo, những lớp múa đan xen cũng được khai thác khá hợp lý, góp phần khắc sâu thêm những diễn biến nội tâm của nhân vật cũng như gia tăng tính trữ tình, nhân văn cho vở diễn.

Vở nhạc kịch quy tụ dàn diễn viên tên tuổi trong quân đội như Trịnh Phương, Lê Xuân Hảo, Trần Bích Ngọc, Ngô Đức, Nguyên Hương, Hoàng Sơn, Hữu Thắng; cùng sự tham gia của các giọng ca opera hàng đầu Việt Nam như Đào Tố Loan, Nghệ sĩ Ưu tú Huy Đức, Ngô Hương Diệp, Trường Lâm. Không dừng lại ở tác phẩm nghệ thuật, “Khát vọng đỏ” còn là lời tri ân sâu sắc dành cho những thế hệ người lính đã và đang lặng thầm hy sinh, cống hiến vì một Việt Nam hòa bình, phát triển.

ĐẮC LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khat-vong-do-cau-chuyen-ve-ly-tuong-cua-nguoi-linh-thoi-hien-dai-post851553.html
Zalo