Khát vọng của tướng Hoàng Đan
'Mong em thân yêu có thể sống yên bình ở Hà Nội, mong con cái được học hành, lớn lên làm nhà khoa học'. Khát vọng hòa bình của tướng Hoàng Đan được thể hiện giản dị qua những trang thư.

Thiếu tướng Hoàng Đan (bên phải) tại biên giới phía Bắc năm 1980. Ảnh: Sách Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập.
Năm 2010, giữa thời điểm kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Hoàng Nam Tiến quyết định gom góp tư liệu và những trang hồi ký của người cha - Thiếu tướng Hoàng Đan - để hình thành cuốn sách Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập. Cuốn sách nhanh chóng trở thành một trong những tài liệu quý giúp người trẻ hình dung được hành trình gian khổ nhưng oanh liệt của những người lính chiến đấu cho một Việt Nam thống nhất.
Năm nay, khi đất nước tiến tới dấu mốc 50 năm ngày hòa bình lập lại, ông Tiến tiếp tục tái bản cuốn sách với lời giới thiệu từ góc nhìn cá nhân cũng như bổ sung một số bài viết của các học giả về Thiếu tướng Hoàng Đan.
Nhân dịp tái bản tác phẩm Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập, Tri Thức - Znews đã có cuộc trò chuyện cùng ông Hoàng Nam Tiến về cuốn sách và kỷ niệm với cha ông - thiếu tướng Hoàng Đan.
Cùng cha thăm lại chiến trường xưa
- Trong cuốn "Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập", ông có đề cập tới chuyến đi cùng cha năm 1978. Bên cạnh hành trình đó, ông còn những chuyến đi nào đáng nhớ cùng cha mình?
- Bên cạnh chuyến đi năm 1978, tôi còn có nhiều chuyến đi đáng nhớ khác cùng cha mình sau này. Một trong những mùa hè tôi không bao giờ quên là vào năm 1979, khi cùng cha lên mặt trận Lạng Sơn. Tôi mới 9-10 tuổi, luôn được dặn không rời quốc lộ vì xung quanh còn rất nhiều mìn chưa gỡ tại các con đường, ngách nhỏ. Những ngày sống cùng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 5 ở xã Mai Sao, tắm suối trong vắt, nghe chuyện chiến trường từ các chú bộ đội là một ký ức kỳ diệu đối với tôi.
Những năm sau đó, khi cha tôi làm Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu I, tôi lại được cùng ông đi dọc đất nước - từ Nghệ An, Đà Nẵng, Tây Nguyên cho tới TP.HCM. Những chuyến đi ấy giúp tôi hiểu sâu hơn về công việc và cuộc sống của cha, về những hy sinh lặng thầm của đồng đội ông.
Sau này khi ông đã nghỉ hưu, tôi vẫn thường chứng kiến cha cẩn thận ghi chép, viết thư giúp đỡ thân nhân liệt sĩ tìm mộ, dù chỉ là một manh mối nhỏ.

Ông Hoàng Nam Tiến cùng tác phẩm Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập tại cầu Hiền Lương trong chuyến đi với gia đình về lại chiến trường xưa của Thiếu tướng Hoàng Đan. Ảnh: NVCC.
- Được cùng cha rong ruổi khắp nơi như vậy, ông đã được chứng kiến thiếu tướng Hoàng Đan dành tình cảm cho những người lính ra sao?
Lần duy nhất tôi thấy cha mình rơi nước mắt là vào năm 1995, tại một nghĩa trang liệt sĩ. Ông đứng lặng trước những tấm bia khắc dòng chữ "liệt sĩ vô danh", rồi bật khóc.
Ông Hoàng Nam Tiến
- Lần duy nhất tôi thấy cha mình rơi nước mắt là vào năm 1995, tại một nghĩa trang liệt sĩ. Ông đứng lặng trước những tấm bia khắc dòng chữ "liệt sĩ vô danh", rồi bật khóc.
Tôi rất bất ngờ, vì trong hoàn cảnh khó khăn nào, tôi cũng chưa từng thấy ông rơi một giọt nước mắt. Ông luôn tin rằng trách nhiệm của người sống là phải tìm lại tên cho người đã khuất, tuy nhiên điều này không hề dễ dàng.
Sau này, khi những nghĩa trang bắt đầu thay đổi cách ghi tên trên bia mộ, mọi người không còn dùng cụm từ “liệt sĩ vô danh” nữa mà ghi là “chưa xác định được danh tính”, tôi nghĩ đến ông và những giọt nước mắt của ông năm nào. Đó là giây phút tôi cảm nhận rõ nhất sự thương yêu, trân trọng mà cha tôi dành cho những người lính đã nằm lại chiến trường.
- Hình ảnh ấy có lẽ khác xa với những uy nghi, anh dũng mà người ta thường hình dung về một vị tướng trận?
- Với tôi, ba không chỉ là một người chỉ huy giỏi trên chiến trường, mà còn là một người sống trọn tình với đồng đội của mình. Tôi nhớ mãi những lần cùng ba rong ruổi, từ những vùng đất xưa cũ của chiến tranh đến những nghĩa trang liệt sĩ lặng lẽ giữa núi đồi. Có lần, ba chống gậy ra tận mặt trận biên giới, khi tuổi không còn trẻ, chỉ để thăm anh em chiến sĩ. Dáng ông gầy, tay run run bám lấy cây gậy, vậy mà ánh mắt vẫn ánh lên sự kiên cường và thương yêu.
Ba từng bò sát hàng rào địch trong chiếc áo ngụy trang để chọn đường tiến công, bởi ông nói rằng đánh trận thì phải đánh thắng, nhưng phải làm sao tổn thất là ít nhất cho bộ đội. Đó là chân dung rõ nhất của một người mang trái tim lớn: một người luôn đặt sinh mạng của người khác lên trên vinh quang của bản thân.
Sau này, dù về hưu, ông vẫn viết, vẫn giảng dạy như một cách tiếp nối con đường phụng sự. Điều này khiến tôi nhớ đến một câu trong bài Hát mãi khúc quân hành: “Dù rằng đời ta thích hoa hồng. Kẻ thù buộc ta ôm cây súng”.
Trái tim của người lính luôn hướng đến hòa bình
- "Thư cho em", một cuốn sách khác mà ông thực hiện đã thành hiện tượng xuất bản thời gian qua. Qua những bức thư trong sách, những bức thư mà Thiếu tướng Hoàng Đan gửi về cho vợ - bà Nguyễn Thị An Vinh, ông thấy được khát vọng hòa bình được thể hiện như thế nào?
- Từ những trang viết mà ba tôi gửi về cho mẹ tôi - bà Nguyễn Thị An Vinh - tôi cảm nhận rất rõ khát vọng hòa bình luôn cháy bỏng trong ông. Dù là người lính, dù đã bước qua bao chiến trường khốc liệt, ông chưa bao giờ viết về chiến thắng hay vinh quang, mà luôn day dứt với câu hỏi: làm sao để các con không phải đi đánh nhau nữa?
Những dòng thư ông gửi từ chiến trường không mang màu sắc bi tráng, mà đầy ắp tình yêu thương và ước mong giản dị: mong em thân yêu có thể sống yên ổn ở Hà Nội, mong con cái được học hành, lớn lên làm nhà khoa học. Ông ra trận vì muốn thế hệ sau không phải chứng kiến chiến tranh.
Ông Hoàng Nam Tiến
Những dòng thư ông gửi từ chiến trường không mang màu sắc bi tráng, mà đầy ắp tình yêu thương và ước mong giản dị: mong em thân yêu có thể sống yên ổn ở Hà Nội, mong con cái được học hành, lớn lên làm nhà khoa học.
Ông ra trận vì muốn thế hệ sau không phải chứng kiến chiến tranh. Với tôi, đó là biểu hiện rõ nhất của một người lính có trái tim hướng về hòa bình. Ba tôi không chiến đấu để trở thành anh hùng, mà để một ngày nào đó được sống trong một đất nước không còn tiếng súng. Và dù tôi không trở thành nhà khoa học như ông từng hy vọng, tôi vẫn biết mình đang nối tiếp một phần khát vọng ấy, bằng con đường của một người thầy.
- Trong lời giới thiệu, ông viết rằng là “Mãi đến khi trưởng thành tôi mới hiểu được sự trân trọng và ba dành cho những phút giây gia đình”, điều gì đã khiến ông nhận ra tình cảm đó sau này?
- Ngày còn bé, tôi không có nhiều ký ức về việc được ba bế bồng, âu yếm. Trong trí nhớ của tôi, ông là một người cha nghiêm khắc, rất ít nói lời yêu thương. Ngay cả khi sống cạnh ba ở đơn vị, tôi vẫn luôn cảm nhận rõ ràng sự nghiêm nghị, khuôn phép mà ông dành cho con cái. Nhưng rồi, khi lớn lên, khi đã trải qua đủ những thăng trầm của cuộc đời và hiểu sâu hơn về hoàn cảnh lịch sử mà ba tôi sống và chiến đấu, tôi bắt đầu nhận ra một thứ tình cảm sâu sắc, âm thầm mà ông dành cho gia đình.

Cuốn sách Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập chụp tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: NVCC.
Với ba tôi, một người chỉ huy từng bước vào chiến trường mà không chắc có ngày trở lại, mỗi phút giây bên vợ con đều là những khoảnh khắc vô giá.
Khi nghĩ về sự tần tảo của mẹ mình, tôi càng hiểu điều đó hơn. Người phụ nữ ấy đã sống cả một đời lặng lẽ gánh vác thay chồng, nuôi con, chăm sóc gia đình, học hành để trưởng thành và đảm đương công việc xã hội. Qua những điều mẹ làm, tôi cảm được tấm lòng của ba.
Dù không thể hiện bằng lời, ông vẫn chọn cách dành trọn vẹn những ngày phép ngắn ngủi để về bên vợ con. Sự giản dị và ít lời ấy, mãi đến khi trưởng thành, tôi mới hiểu chính là cách ba tôi thể hiện tình yêu bằng sự hiện diện và những khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng tròn đầy ý nghĩa.
- Từ những khoảnh khắc bên cha đến việc tìm hiểu tư liệu thực hiện các cuốn sách về cha mẹ, ông học được gì từ phong cách lãnh đạo của cha mình?
- Khi còn ở trường Wharton - nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã theo học - tôi luôn quan sát và so sánh các mô hình lãnh đạo khác nhau. Nhưng phong cách lãnh đạo của ba tôi - Thiếu tướng Hoàng Đan - có điều gì đó rất khác biệt và khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất. Ông là người cầm quân giỏi và người thầy kiên trì trong việc đào tạo người chỉ huy.
Với ông, một người lãnh đạo giỏi không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm chiến trường hay khí chất cá nhân. Ông tin rằng chỉ huy phải học thật sâu triết học, hiểu duy vật biện chứng để có thể đưa ra quyết định đúng trong những tình huống phức tạp. Ông cũng đặt ra yêu cầu cao với việc học lịch sử và khoa học kỹ thuật vì theo ông, người hiểu lịch sử sẽ biết cách nhìn về tương lai, và người nắm bắt công nghệ sẽ tạo ra khác biệt trong thực tiễn.
Điều làm tôi ấn tượng nhất là ông luôn coi trọng việc học trong hành động, thao trường đổ mồ hôi để chiến trường ít đổ máu. Đến bây giờ, trong những bài giảng quản trị doanh nghiệp của tôi, tôi vẫn áp dụng những tư tưởng đó như một nguyên lý sống còn, một đóng góp lặng thầm nhưng rất sâu sắc từ chính phong cách lãnh đạo của ba tôi.