Khát nước lúc nửa đêm, cảnh báo 5 bệnh nguy hiểm đừng chủ quan

Thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm do cơn khát, điều này có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh.

Khát nước là cơ chế tự nhiên giúp duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm do cơn khát, điều này có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh, cần gặp bác sĩ để thăm khám.

Thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm do cơn khát, điều này có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. (Ảnh minh họa từ Internet)

Thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm do cơn khát, điều này có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. (Ảnh minh họa từ Internet)

Rối loạn chức năng thận

Thận chịu trách nhiệm duy trì sự cân bằng nước và điện giải. Khi chức năng thận bị suy giảm, khả năng lọc nước và điều hòa lượng nước trong cơ thể bị ảnh hưởng. Kết quả có thể gây ra tình trạng khát nước dữ dội hoặc giữ nước quá mức, gây phù nề.

Bệnh tiểu đường

Một trong những nguyên nhân phổ biến gây khát nước vào ban đêm là bệnh tiểu đường. Khi lượng đường trong máu quá cao, thận phải làm việc nhiều hơn để đào thải glucose dư thừa. Quá trình này dẫn đến mất nước, khiến cơ thể kích hoạt trung tâm khát, gây khát nước liên tục.

Bệnh tuyến giáp

Tình trạng khô miệng vào ban đêm kèm theo sự biến đổi về hình dáng vùng cổ có thể là dấu hiệu của bệnh cường giáp. Tuyến giáp hoạt động quá mức làm tăng tốc độ trao đổi chất, khiến cơ thể cần nhiều nước hơn. Ngoài ra, bạn có thể gặp các triệu chứng như tim đập nhanh, run tay và đổ mồ hôi nhiều.

Bệnh đường hô hấp

Các vấn đề như viêm mũi, viêm xoang, lệch vách ngăn mũi khiến bạn khó thở bình thường và phải dùng miệng để hô hấp. Hậu quả là lượng nước bốc hơi nhanh chóng, dẫn đến tình trạng khô rát và khát nước. Bên cạnh đó, viêm phế quản mãn tính cũng gây khó thở, khiến bệnh nhân phải há miệng thường xuyên hơn, làm khô miệng và tăng cơn khát.

Viêm nhiễm và trào ngược dạ dày

Những bệnh lý như viêm amidan, viêm hầu họng có thể làm thay đổi môi trường khoang miệng, gây tình trạng sưng tấy, kích ứng niêm mạc và giảm bài tiết nước bọt.

Trào ngược dạ dày lên hầu họng cũng có thể dẫn đến khô miệng và khát nước do axit làm tổn thương niêm mạc. Tình trạng này khiến tuyến nước bọt giảm hoạt động, làm cho khoang miệng mất độ ẩm tự nhiên.

Khát nước giữa đêm có thể là một tín hiệu quan trọng cho sức khỏe. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, bạn nên thăm khám với bác sĩ để được tư vấn và kiểm tra sớm.

Hoàng Minh

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/song-khoe/khat-nuoc-luc-nua-dem-canh-bao-5-benh-nguy-hiem-dung-chu-quan-202503300953501542.html
Zalo