Khảo sát tình hình thực hiện quy định của pháp luật trong lĩnh vực đường sắt

Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa làm việc với UBND TP. Hải Phòng về tình hình thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đường sắt, những khó khăn, vướng mắc và đóng góp ý kiến phục vụ thẩm tra Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Theo báo cáo, Hải Phòng là điểm cuối của tuyến đường sắt khổ 1.000 mm Hà Nội-Hải Phòng, tuyến có kết nối với các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội đi Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn chung, trong nhiều năm qua, tuyến đường sắt trên địa bàn thành phố không thay đổi, hạ tầng đường sắt cũ kỹ, phương tiện lạc hậu, chưa kết nối được với các phương thức vận tải khác ngoài đường bộ, nhất là các khu vực cảng biển như bến Đình Vũ, cảng Lạch Huyện...

Bên cạnh đó, việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đường sắt của thành phố còn gặp một số khó khăn khác. Cụ thể, theo quy định của Luật Đường sắt 2017, đường gom phải được xây dựng bên ngoài phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt để dẫn tới đường ngang hoặc nút giao khác mức gần nhất. Tuy nhiên, khi luật này có hiệu lực, hành lang an toàn giao thông đường sắt mới chỉ được xác định trên thực địa, chưa được đền bù, giải tỏa theo quy định của pháp luật...

Để tháo gỡ các khó khăn trên, UBND TP. Hải Phòng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, sửa đổi quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 17 Luật Đường sắt 2017, cho phép UBND cấp tỉnh quyết định việc xây dựng đường gom trong phạm vi an toàn giao thông đường sắt để xóa bỏ lối đi tự mở trên đường sắt.

Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khảo sát thực địa.

Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khảo sát thực địa.

Đóng góp ý kiến phục vụ thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), UBND thành phố đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá về sự cần thiết, tính khả thi của dự án luật nhằm phù hợp tình hình thực tế và yêu cầu phát triển bền vững của ngành. Thành phố đề xuất, kiến nghị một số nội dung cụ thể như: điều chỉnh, bổ sung một số nội dung để tháo gỡ cho các địa phương về lĩnh vực đường sắt; cần làm rõ đường sắt vùng sẽ thuộc hệ thống đường sắt quốc gia hay đường sắt địa phương, từ đó xác định chủ thể đầu tư xây dựng và tổ chức quản lý, bảo trì tài sản sau đầu tư; cần có định hướng cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực đặc thù để các địa phương như Hải Phòng nghiên cứu, triển khai thực hiện hệ thống đường sắt đô thị trong thời gian tới...

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh tính cần thiết phải sửa đổi Luật Đường sắt 2017 để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, nhất là phát triển hạ tầng cơ sở. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo dự án luật tiếp thu đầy đủ ý kiến của UBND TP. Hải Phòng để tổng hợp, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dự thảo dự án Luật trình Quốc hội xem xét.

Trong chương trình công tác tại Hải Phòng, Đoàn Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã khảo sát thực tế tại Bến số 1, Bến số 2 Cảng Lạch Huyện; khảo sát khu vực kết nối đường sắt với cảng biển, trung tâm logistics và các khu công nghiệp tại Hải Phòng.

Vũ Ba

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/khao-sat-tinh-hinh-thuc-hien-quy-dinh-cua-phap-luat-trong-linh-vuc-duong-sat-466161.html
Zalo