Khánh thành nhà máy xử lý nước thải lớn nhất cả nước

Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng có công suất 469.000 m³/ngày, đêm chính thức đi vào hoạt động, phục vụ khoảng 2 triệu người dân thành phố Hồ Chí Minh.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành nhà máy. Ảnh: H.Phạm

Các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành nhà máy. Ảnh: H.Phạm

Sáng 30-8, tại thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra lễ khánh thành nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2, thuộc dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2).

Nhà máy có tổng mức đầu tư hơn 11.300 tỷ đồng bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản, thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) 9.850 tỷ đồng, vốn ngân sách góp 1.450 tỷ đồng.

Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2 đi vào hoạt động sẽ cải thiện môi trường sống cho gần 2 triệu người dân thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: H.Phạm

Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2 đi vào hoạt động sẽ cải thiện môi trường sống cho gần 2 triệu người dân thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: H.Phạm

Về phía chủ đầu tư, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh Lương Minh Phúc cho biết, từ khi nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 1 cùng hệ thống cống bao thu gom và trạm bơm nước thải Đồng Diều đi vào hoạt động vào năm 2009, khoảng 650 triệu m³ nước thải từ lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ đã được xử lý, tránh xả thẳng ra kênh gây ô nhiễm như trước.

Trong giai đoạn 2, nhà máy đã được nâng cấp để tăng khả năng xử lý từ 141.000 m³/ngày đêm lên 469.000 m³/ngày đêm, trở thành nhà máy xử lý nước thải lớn nhất tại thành phố Hồ Chí Minh và cả nước vào thời điểm hiện tại.

Khu vực phục vụ của nhà máy bao gồm diện tích 2.530ha trên địa bàn 8 quận, huyện, gồm: Quận 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11 và huyện Bình Chánh, với dân số gần 2 triệu người.

Toàn cảnh nhà máy nhìn từ trên cao. Ảnh: H.Phạm

Toàn cảnh nhà máy nhìn từ trên cao. Ảnh: H.Phạm

Khi đi vào hoạt động, nước thải từ các khu vực này được thu gom qua hệ thống cống bao của dự án, sau đó chuyển về trạm bơm Đồng Diều ở quận 8 để loại bỏ sơ bộ cát, rác, rồi bơm qua tuyến cống dài khoảng 28km đến nhà máy Bình Hưng để xử lý trước khi thải ra môi trường. Nhà máy này đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm tại lưu vực các kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ.

“Chứng kiến nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động, người dân chúng tôi rất vui mừng, nhà máy được nâng công suất xử lý nước thải, góp phần đem lại môi trường sạch đẹp cho các tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, sông Sài Gòn, từ đó nâng cao chất lượng sống của người dân”, ông Lư Văn Út (67 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) vui mừng nói.

Có mặt tại lễ khánh thành, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh Ono Masuo chia sẻ, dự án mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng được xây dựng giai đoạn 2 và nâng năng lực xử lý nước thải lên hơn 300.000m3/ngày, góp phần cải thiện môi trường nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng của sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, từ đó góp phần cải thiện môi trường sống các khu vực xung quanh. Điều này được kỳ vọng góp phần nâng cao hơn nữa sức hấp dẫn của thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường nhấn mạnh, thành phố luôn xem việc bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý nước thải, cải thiện môi trường sống cho người dân trên và ven kênh rạch là nhiệm vụ trọng tâm.

"Để dự án được phát huy hiệu quả, tôi đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị liên quan có trách nhiệm vận hành tốt công trình, có đánh giá báo cáo kết quả sau thời gian hoạt động gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh. Mặt khác, đẩy nhanh công tác thủ tục liên quan, tiến đến việc đẩy nhanh triển khai dự án giai đoạn 3, khởi công vào năm 2026”, ông Bùi Xuân Cường nêu rõ.

Lễ khánh thành dự án trọng điểm này của thành phố Hồ Chí Minh đúng dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024).

Minh Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khanh-thanh-nha-may-xu-ly-nuoc-thai-lon-nhat-ca-nuoc-676320.html
Zalo