Khánh thành đập Sabo đầu tiên tại Việt Nam theo tiêu chuẩn Nhật Bản

Ngày 16/4, đập Sabo đầu tiên của Việt Nam được xây dựng trong phạm vi Dự án Hợp tác kỹ thuật về Nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc đã được khánh thành tại bản Piệng, xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Dự án này được đồng tổ chức bởi Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La và Văn phòng Việt Nam của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Các đại biểu cắt băng khánh thành đập Sabo.

Các đại biểu cắt băng khánh thành đập Sabo.

Đập Sabo là giải pháp công trình do người Nhật nghiên cứu và phát triển, thường được xây dựng tại thượng lưu những sông có độ dốc lớn và tốc độ dòng chảy cao, giúp giữ lại bùn, đá, gỗ trôi và ngăn ngừa thiệt hại ở khu vực hạ lưu. Đến nay, bên cạnh hơn 64.000 công trình đập Sapo lớn, nhỏ được xây dựng tại Nhật Bản và giải pháp này còn được áp dụng phổ biến tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc )...

Đập Sabo đầu tiên ở Việt Nam, được chính thức xây dựng từ tháng 9/2024 sau mùa mưa ở tỉnh Sơn La theo tiêu chuẩn Nhật Bản, là đập bê tông khe hở với chiều dài 61 m, chiều rộng 3 m ở đỉnh đập, và chiều cao 9 m. Quá trình xây dựng bao gồm kiểm tra xác nhận trạng thái nền móng, đào nền, đổ bê tông, bảo vệ mái dốc, và san lấp. Chất lượng của đập được kiểm soát thông qua các bài kiểm tra đo độ sụt và thí nghiệm cường độ bê tông liên tục tại vị trí xây dựng.

Đập Sabo nhìn từ trên cao.

Đập Sabo nhìn từ trên cao.

Ông Kobayashi Yosuke, Trưởng đại diện JICA Việt Nam cho hay, đập Sabo là một trong những giải pháp công trình hiệu quả nhất giúp giảm nhẹ rủi ro thiên tai sạt lở lũ quét. "JICA đã chú tâm tới sạt lở lũ quét ở các vùng núi phía Bắc Việt Nam trong nhiều năm. Trong những năm qua, chúng tôi đã thực hiện nhiều khảo sát, dự án liên quan đến sạt lở, lũ quét và cung cấp hàng hóa cứu trợ khẩn cấp của Nhật Bản đến các khu vực chịu ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi. Và lễ khánh thành đập Sabo ngày hôm nay đánh dấu một cột mốc mới trong hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai sạt lở, lũ quét", ông Kobayashi Yosuke nói.

Ông Kobayashi Yosuke, Trưởng đại diện JICA Việt Nam và ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cùng thực hiện nghi lễ gắn biển tên đập Sabo.

Ông Kobayashi Yosuke, Trưởng đại diện JICA Việt Nam và ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cùng thực hiện nghi lễ gắn biển tên đập Sabo.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai nhấn mạnh, công trình đập Sapo mang tính thí điểm và được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả, góp phần bảo vệ 28 hộ dân, 1 trường mầm non, 1 nhà văn hóa ở phía bờ trái hạ lưu đập. "Bộ Nông nghiệp và môi trường đã đề xuất Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng đồng bộ hệ thống đập Sabo để trở thành mô hình mẫu cho Việt Nam đánh giá hiệu quả, từ đó xem xét, huy động nguồn lực để đầu tư nhân rộng công trình đập Sao tại các khu vực khác có rủi ro tương tự", ông Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Ông Kobayashi Yosuke, Trưởng đại diện JICA Việt Nam tặng quà các bà con ở bản Piệng, xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Ông Kobayashi Yosuke, Trưởng đại diện JICA Việt Nam tặng quà các bà con ở bản Piệng, xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Đại diện cho địa phương thụ hưởng, bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La nhận định: "Công trình đập Sapo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới trong công tác phòng chống thiên tai, bảo vệ cuộc sống và tài sản của người dân miền núi Sơn La".

S.Thương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/khanh-thanh-dap-sabo-dau-tien-tai-viet-nam-theo-tieu-chuan-nhat-ban-i765320/
Zalo