Hải Phòng: Bờ kè hồ nước ngọt lớn nhất đảo Cát Bà lại nứt vỡ, sụt lún
Khi mực nước xuống thấp lộ ra nhiều vị trí bờ kè của hồ nước ngọt Trân Châu trên đảo Cát Bà (Hải Phòng) bị sạt lở, nứt vỡ, sụt lún nghiêm trọng.

Bờ kè hồ nước ngọt lớn nhất đảo Cát Bà lại nứt vỡ. Ảnh: NH
Dự án hồ chứa nước và công trình thủy lợi Trân Châu trên đảo Cát Bà (Hải Phòng) được hoàn thành đưa vào sử dụng vào đầu năm 2021.
Đây là hồ nước ngọt lớn nhất đảo Cát Bà với dung tích 298.000m3. Hồ nước này có vai trò quan trọng bậc nhất trong việc cung cấp nước thô cho nhà máy xử lý nước sạch phục vụ sinh hoạt và các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên hòn đảo du lịch Cát Bà.

Bờ kè được lát bằng gạch bê tông nom nham nhở. Ảnh: NH
Theo phản ánh, hơn 1 năm sau khi đưa vào sử dụng, bờ kè của hồ nhiều chỗ bị hư hỏng và đã được khắc phục sửa chữa kịp thời sau đó. Tuy nhiên đến nay, tình trạng này lại tái diễn và còn nghiêm trọng hơn.
Theo quan sát, khi mực nước ngọt trong hồ hạ thấp, bờ kè chung quanh hồ nước ngọt Trân Châu được lát bằng gạch bê tông nom nham nhở bởi nhiều điểm sạt lở, sụt lún... xuất hiện.
Thậm chí, trên bờ kè còn xuất hiện những vết nứt kéo dài. Tại các vị trí sụt lún lộ ra những lỗ hổng lớn do vô số viên gạch bê tông bị xô lệch, đá lát mái rơi xuống hồ nước.

Gạch rơi xuống tạo thành những lỗ hổng lớn. Ảnh: NH
Chưa hết, kết cấu của đường 356, tuyến đường giao thông có lượng phương tiện lưu thông qua lại khá lớn, nhất là vào mùa du lịch hè có nguy cơ ảnh hưởng bởi tiếp giáp với một phần bờ hồ. Nhất là một số vị trí ở phần hồ sát với vách núi đá cũng đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở, có chỗ vị trí sạt lở dài tới cả trăm mét, thậm chí có vị trí mảng nứt vỡ rộng hàng trăm mét vuông.
Một số người dân quan ngại việc bờ kè hồ chứa nước hư hỏng không chỉ gây mất mỹ quan mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung nước ngọt thô của toàn đảo Cát Bà, hòn đảo vốn dĩ đã khan hiếm nước ngọt.

Theo người dân tình trạng này xảy ra đã được một thời gian. Ảnh: NH
Theo tìm hiểu, dự án đầu tư xây dựng hồ nước ngọt Trân Châu có tổng mức đầu tư 73 tỷ đồng, trong đó, 68% là vốn ngân sách Trung ương, 32% vốn ngân sách thành phố. Dự án được Ủy ban nhân dân Hải Phòng giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) làm chủ đầu tư triển khai từ năm 2010.
Tuy nhiên, việc triển khai chậm do khó khăn về nguồn vốn. Đến năm 2014 dự án tạm dừng và đến năm 2020 thành phố bố trí vốn dự án được khởi động lại.
Dự án cũng được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (đã sáp nhập cùng với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp Hải Phòng) làm chủ đầu tư.

Tuyến đường sát hồ có lưu lượng phương tiện qua lại khá đông có nguy cơ ảnh hưởng. Ảnh: NH
Khi dự án hoàn thành vào tháng 2/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng giao hồ chứa nước ngọt Trân Châu cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cấp nước Hải Phòng quản lý, khai thác phục vụ cung cấp nước sạch cho khu vực đảo Cát Bà.
Tuy nhiên, tháng 8/2022, 18 tháng sau khi đi vào hoạt động bờ kè đã xảy ra tình trạng nghiêm trọng như trên.
Đại diện Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải cho biết, ngay khi có thông tin về tình trạng sạt lở, sụt lún bờ kè hồ nước ngọt Trân Châu vào thời điểm đầu năm 2025, huyện này đã có văn bản gửi cơ quan chức năng đề nghị rà soát, kiểm tra, lên phương án sửa chữa, khắc phục nhằm đảm bảo nguồn cung nước thô cho nhà máy xử lý nước sạch phục vụ người dân cũng như du khách đến tham quan nghỉ dưỡng tại Cát Bà mùa cao điểm du lịch hè.

Từng được sửa chữa kịp thời nhưng đến nay lại hư hỏng. Ảnh: NH
Được biết, mùa du lịch hè hàng năm ở đảo Cát Bà bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 8. Vào những ngày cao điểm mùa du lịch hè, hòn đảo này đón hàng vạn khách, nhu cầu về sử dụng nước ngọt sẽ tăng cao. Do đó, việc đảm bảo hồ chứa nước ngọt thô cung cấp đủ nước cho nhà máy nước sạch là vấn đề cấp thiết.