Khánh Sơn phát triển bền vững thương hiệu sầu riêng

Vùng miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang vào mùa sầu riêng chính vụ. Trái đầu mùa chín rộ, nhiều doanh nghiệp tìm mua. Tuy nhiên, để vươn ra xuất khẩu chính ngạch, địa phương cần chiến lược bền vững gắn với liên kết sản xuất, kiểm soát chất lượng và quy hoạch vùng trồng rõ ràng.

Những ngày giữa tháng 7/2025, sầu riêng bắt đầu chín vàng tại các xã như Tây Khánh Sơn, Đông Khánh Sơn, Khánh Sơn (thuộc huyện Khánh Sơn cũ), tỉnh Khánh Hòa. Mùi thơm lan tỏa khắp nương rẫy, báo hiệu một mùa thu hoạch mới. Không khí tại vùng núi phía Tây tỉnh trở nên nhộn nhịp hơn khi nhiều doanh nghiệp thu mua trái cây đến khảo sát, chốt giá, chuẩn bị cho mùa xuất hàng.

Hiện toàn huyện Khánh Sơn có hơn 3.000 ha sầu riêng, trong đó Tây Khánh Sơn chiếm khoảng 1.200 ha. Diện tích đang cho thu hoạch khoảng 70%, năng suất khoảng 10 tấn/héc ta. Tuy chưa lớn, song đây là cơ sở để vùng miền núi định hình vùng cây ăn quả chủ lực, gắn với thị trường tiêu thụ ổn định trong nước và xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp từ Tây Nguyên, đồng bằng Sông Cửu Long đã tìm đến Khánh Sơn vì nhận thấy tiềm năng lớn của vùng nguyên liệu.

Hàng trăm héc ta sầu riêng tại xã Tây Khánh Sơn bắt đầu cho thu hoạch

Hàng trăm héc ta sầu riêng tại xã Tây Khánh Sơn bắt đầu cho thu hoạch

Tuy nhiên, việc thiết lập chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ vẫn còn hạn chế do canh tác nhỏ lẻ, thiếu tổ chức đầu mối và chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng bộ. Đại diện một doanh nghiệp từng liên kết tại đây cho biết, chất lượng sầu riêng Khánh Sơn nhìn chung tốt nhưng đầu ra chưa ổn định vì liên kết chưa bền vững. Trong khi đó, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi, nhiều hộ chưa kiểm soát, chưa thực hiện theo khuyến cáo là những nguy cơ gây ảnh hưởng thương hiệu, uy tín của sầu riêng.

Ông Nguyễn Trọng Minh, đại diện Công ty TNHH Chánh Thu tại Đắk Lắk cho biết: “Uy tín là hàng đầu. Người nông dân cũng như doanh nghiệp, nghĩa là hai bên phải cùng có lợi. Nông dân cần hiểu và chia sẻ với doanh nghiệp, không chỉ khi được giá mà cả lúc khó khăn. Khi thị trường thuận, công ty mua giá cao thì bà con mừng. Nhưng khi đầu ra chậm, giá xuống, cũng mong bà con cùng đồng hành doanh nghiệp. Chúng tôi không chạy theo giá thị trường từng ngày, mà đặt chất lượng lên trên hết, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải nằm trong giới hạn cho phép để đủ điều kiện xuất khẩu".

Sầu riêng đầu mùa đã đem lại thu nhập lớn cho người trồng

Sầu riêng đầu mùa đã đem lại thu nhập lớn cho người trồng

Theo lãnh đạo các địa phương, việc sản xuất manh mún, hạ tầng giao thông còn yếu cũng là rào cản lớn trong xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh. Địa hình miền núi Khánh Hòa chủ yếu là đồi dốc, đường sá quanh co, thiếu liên thông, xe tải lớn khó tiếp cận, chi phí vận chuyển tăng cao khiến doanh nghiệp e ngại đầu tư lâu dài. Tây Khánh Sơn không chỉ có tiềm năng cây ăn quả mà còn thích hợp phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch. Nếu được đầu tư hạ tầng đồng bộ, nơi đây có thể trở thành vùng động lực của nông nghiệp miền núi tỉnh Khánh Hòa.

Ông Đỗ Nhi Huy, Trưởng phòng Kinh tế xã Tây Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết, chính quyền đang khuyến khích thành lập các hợp tác xã làm đầu mối ký kết hợp đồng, song tiến độ còn chậm do thiếu nhân sự và chưa hình thành được tổ chức đủ mạnh.

“Cái khó hiện nay là sự đồng thuận. Doanh nghiệp muốn làm ăn lâu dài, muốn ký hợp đồng ổn định 5 năm để bao tiêu với giá cụ thể. Nhưng nhiều người dân vẫn quen bán lẻ, bán xô, thấy nơi nào giá cao thì bán. Như vậy rất khó để doanh nghiệp giữ được liên kết. Chúng tôi đang phối hợp với địa phương xúc tiến hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, để có sự đồng thuận chung, đồng thời kết nối chính sách hỗ trợ sản xuất – tiêu thụ một cách đồng bộ.”- ông Đỗ Nhi Huy chia sẻ.

Thương lái kiểm tra chất lượng sầu riêng tại xã Tây Khánh Sơn (xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn cũ), tỉnh Khánh Hòa

Thương lái kiểm tra chất lượng sầu riêng tại xã Tây Khánh Sơn (xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn cũ), tỉnh Khánh Hòa

Ngành nông nghiệp và môi trường tỉnh Khánh Hòa đã xác định rõ định hướng: phát triển sầu riêng Khánh Sơn phải gắn với vùng nguyên liệu tập trung, quy hoạch khoa học và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ gốc. Đồng thời, phát triển nông nghiệp phải gắn liền với quy hoạch, bảo vệ môi trường mới đảm bảo bền vững.

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau khi sáp nhập Ninh Thuận, vùng nguyên liệu nông sản của tỉnh Khánh Hòa (mới) được mở rộng đáng kể. Các loại cây trồng chủ lực như sầu riêng, nho, táo, nha đam, mía tím, mít nghệ, tỏi… ngày càng khẳng định giá trị, nếu biết tổ chức lại sản xuất theo vùng. Khí hậu và thổ nhưỡng phân tầng rõ rệt sau hợp nhất là điều kiện thuận lợi để bố trí cây trồng theo vùng.

Ở khu vực đồng bằng, nơi có đông đồng bào Chăm sinh sống, khí hậu nắng gió rất thích hợp với cây nho, nha đam, táo, hành tím. Còn vùng miền núi phía Tây, nơi tập trung người Raglay, thích hợp với sầu riêng, mít nghệ, bưởi da xanh, chuối, măng cụt... Việc tổ chức sản xuất gắn với đặc trưng bản địa là hướng đi tất yếu.

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa trao đổi với phóng viên VOV Miền Trung

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa trao đổi với phóng viên VOV Miền Trung

Cũng theo ông Nguyễn Duy Quang, chính quyền địa phương 2 cấp thống nhất từ tỉnh đến xã sẽ thuận lợi hơn trong điều hành, cấp mã số vùng trồng, chứng nhận chất lượng và xúc tiến thương mại. Việc phát triển nông nghiệp không theo chiều rộng mà phải đi vào chiều sâu – xanh, sạch, hiệu quả và tạo sinh kế bền vững cho người dân miền núi.

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Cần có sự kết nối chính sách một cách đồng bộ giữa doanh nghiệp và người dân, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Khi được hỗ trợ đầu ra ổn định, liên kết mới bền vững. Người dân và doanh nghiệp đều phải cùng nhau thay đổi – sản xuất phải an toàn tuyệt đối, tuân thủ quy trình, thì mới đảm bảo xuất khẩu và tiêu thụ nội địa theo đúng quy chuẩn. Quan trọng là phải nâng giá trị sản xuất lên, chứ không chỉ chạy theo sản lượng.”- ông Nguyễn Duy Quang cho biết.

Thái Bình/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/khanh-son-phat-trien-ben-vung-thuong-hieu-sau-rieng-post1215142.vov
Zalo