TP.HCM cần 'vẽ lại bản đồ' công nghiệp sau sáp nhập
VOV.VN -TP.HCM cần 'vẽ lại bản đồ' công nghiệp sau sáp nhập - đó là ý kiến của đại biểu tại Tọa đàm 'Động lực phát triển công nghiệp TP.HCM - Từ tiềm năng đến hành động' do Sở Công Thương TP tổ chức ngày 17/7. Theo đại biểu, việc liên kết vùng trong công nghiệp còn rời rạc, thiếu đồng bộ và chưa có quy hoạch tích hợp.
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng: Hiện nay, thực trạng sản xuất công nghiệp TP.HCM còn trùng lắp, thiếu đồng bộ và chưa có quy hoạch tích hợp. Vì vậy, Thành phố nên đặt ở vai trò trọng tâm phát triển công nghiệp cho khu vực Đông Nam Bộ và vùng để phát huy tiềm năng, thế mạnh. Đồng Nai (mới) và Bình Dương (cũ) có đất rộng, vì vậy toàn bộ sản xuất công nghiệp quy mô lớn nên đưa về đây; việc nghiên cứu phát triển, thiết kế thì TP.HCM (cũ) làm; xuất khẩu thì giao cho Bà Rịa- Vũng Tàu (cũ). Lõi công nghiệp này sẽ tạo sức lan tỏa của vùng.
“Thành phố cần quy hoạch trục lõi công nghiệp từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, logistics đến xuất khẩu với các tỉnh Đông Nam bộ. Từ đó sẽ lan tỏa, phát triển ra các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, biên giới hành lang phía tây và các tỉnh phía bắc. Chính quyền Thành phố dẫn dắt ,điều phối vùng, xây dựng bản đồ chuỗi giá trị vùng, đầu tư trọng điểm và thúc đẩy liên kết. Chính quyền các tỉnh cũng phải chuyên biệt hóa theo tờ bản đồ đó” - Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền nói.

Toàn cảnh tọa đàm
Còn theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, TP.HCM cần tái phân bố lại không gian công nghiệp, xây dựng vành đai công nghiệp - dịch vụ - cảng biển. Việc này phải làm ngay, nếu chậm trễ sẽ mất cơ hội.
Ông Lịch cho rằng, không gian mở rộng sau sáp nhập là cơ hội để TP.HCM "vẽ lại bản đồ" phát triển công nghiệp. Với hơn 8.000ha đất công nghiệp hiện hữu và 1.000ha đất cho khu công nghệ cao. TP.HCM cần phân bổ hợp lý, thay vì dồn vào khu vực trung tâm. Do đó cần hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, kéo dài từ Bình Dương xuống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Đồng thời, Thành phố nên phát triển khu thương mại tự do tại Cảng Cái Mép Hạ, giúp doanh nghiệp trong vùng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hiệu quả hơn và thu hút thêm nhiều vốn FDI.

Tiến sĩ Trần Du Lịch trao đổi với báo chí bên lề tọa đàm
“Trong giai đoạn mới, chỉ có khu thương mại tự do mới được tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu và thu hút FDI rất mạnh nên phải xúc tiến nhanh việc này. Đây là đột phá trong thu hút FDI và nền tảng của nó là công nghiệp” - Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.
Tại đây, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cũng cho rằng, một trong những "nút thắt" lớn của phát triển công nghiệp là hạ tầng logistics. Theo ông Nguyễn Thế Duy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Becamex, để chuẩn bị đón đầu thu hút doanh nghiệp đầu tư, cần phải chuẩn bị sẵn hạ tầng. Từ kinh nghiệm thành công của các khu công nghiệp VSIP, theo ông Duy, đầu tư hạ tầng công nghiệp cần hiệu quả, đúng chỗ, đúng lúc, đúng nhu cầu của doanh nghiệp. Mô hình khu công nghiệp tích hợp của Becamex là công nghiệp - dịch vụ - đô thị - thương mại hiện thu hút hơn 4.500 doanh nghiệp với tổng vốn FDI hàng tỉ USD.
“Chúng tôi đang xây dựng một số đề án về giao thông đường sắt kết nối khu vực phía bắc của Bình Dương (cũ), những dự án công nghiệp kết nối với khu vực phía tây như cảng biển Cái Mép, sân bay Long Thành… Đây là xương sống kết nối giao thông các khu công nghiệp với cảng biển, sân bay” - ông Duy chia sẻ.